Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng 'bật mí' cho các bậc phụ huynh cách bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiện nay thì vai trò của các bậc phụ huynh là rất quan trọng.
Liên quan đến vấn đề hiện nay các chương trình phát sóng trên truyền hình dành quá ít khung thời lượng cho trẻ em, đặc biệt gần như không có các bộ phim cho trẻ em. Trả lời chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận đúng là có thực tế này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hùng các gia đình cũng có thể lựa chọn chọn các nội dung dành cho con em mình thông qua những gói truyền hình trả tiền, nền tảng xã hội như Youtube. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết, sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để ra các giải pháp, xem lại việc sử dụng các khung giờ vàng cho hợp lý, vừa khai thác thương mại nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo tính tuyên truyền, giáo dục.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, theo quy định thời lượng chương trình truyền hình dành cho trẻ em là từ 2 - 5% và các chương trình không phù hợp với trẻ em bắt buộc phải cảnh báo. Đối với các video độc hại cho trẻ em trên mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông kiên quyết buộc phải gỡ xuống. "Phải nhấn mạnh vai trò của bố mẹ là quan trọng, trong chuyện dùng smartphone, iPad", Bộ trưởng Hùng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng "bật mí" tại đầu thu truyền hình có chức năng để phụ huynh chặn một số kênh để con em mình không xem được. Đây là tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc đối với các nhà sản xuất.
Với những nội dung không đúng thuần phong, mỹ tục Việt Nam, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cho rằng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cần phối hợp, vào cuộc. Nội dung ảnh hưởng đến trẻ em, thì những cơ quan liên quan cũng phải vào cuộc để điều tra, xử lý.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, có rất nhiều kỹ năng và cách ứng xử trên mạng xã hội mà người dân chưa quen, khó phân biệt được đúng sai không gian mạng. Bộ trưởng Hùng đặc biệt nhấn mạnh việc giáo dục nâng cao nhận thức sống trên không gian mạng là cần thiết. Theo đó, bộ đang kiến nghị làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa giáo dục kỹ năng, ứng xử trên không gian mạng vào nhà trường.
Người đứng đầu lĩnh vực Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trên không gian này cũng phải có quy định pháp luật, đặc biệt là phải hạn chế tiêu cực để nó lành mạnh hơn, mọi người tham gia không gian này có trách nhiệm hơn. Tới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, đây là một cơ cấu mềm liên quan đến đến đạo đức./.