Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: 'Những phóng viên bị bắt chỉ là con sâu làm rầu nồi canh'
Sáng 12/11, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tại phiên chất vấn, nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt vấn đề về việc nâng cao chất lượng hoạt động báo chí trong bối cảnh bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội.
Tại phiên chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) phản ánh tình trạng tiêu cực của phóng viên, biên tập viên thời gian qua phải chăng do sự bùng nổ của báo chí, tạp chí chuyên ngành, dẫn đến chất lượng chuyên môn thấp, đi xa tôn chỉ mục đích, vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ nguyên nhân của tình trạng trên và cho biết giải pháp để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa quảng cáo mạng và thông tin truyền thống?
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) nêu tình trạng một số cơ quan báo chí thường nêu mặt trái của doanh nghiệp để trục lợi, có một số phóng viên tiêu cực gây ảnh hưởng cơ quan báo chí và nhà báo chân chính. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nên giải pháp nào khắc phục vấn đề này?
Cần có các tiêu chuẩn đặc biệt đối với người làm báo
Trả lời chất vấn của các đại biểu về cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu thực trạng về kinh tế báo chí, khi từng có 80% quảng cáo trực tuyến trước đây thuộc về báo chí thì hiện nay “rơi vào tay” mạng xã hội, đồng nghĩa là nguồn thu quảng cáo của cơ quan báo chí giảm đáng kể.
Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách, trong đó xác định rõ chính quyền các cấp phải coi truyền thông chính sách là nhiệm vụ của mình, có bộ máy và ngân sách hàng năm để “đặt hàng” báo chí. Đây là nguồn tăng thêm cho báo chí thực hiện kinh tế báo chí.
Người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông cho rằng bản thân báo chí cũng phải thay đổi để cạnh tranh với mạng xã hội, vì “về mặt nội dung không thua nhưng công nghệ thì kém”. Ông cho biết, hiện đã có một chiến lược về chuyển đổi quốc gia cho báo chí để đưa công nghệ báo chí tương đương với các nền tảng xã hội.
Về vấn đề tiêu cực trong hoạt động báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một trong những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực báo chí hiện nay vẫn là "đạo đức của người làm báo”. Ông khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo xác định trong nhiệm kỳ này là tập trung vào đạo đức nghề nghiệp đối với phóng viên.
Bộ trưởng thông tin thêm, trong năm 2023-2024, mỗi năm có 14-15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt khiến “người làm trong nghề cũng đau lòng lắm”. Tuy nhiên, Bộ trưởng khẳng định so với đội ngũ 21.000 người có thẻ nhà báo và 45.000 người làm báo thì đây chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”.
Bộ trưởng Hùng cũng thông tin, cơ quan chức năng vừa có một số quy định mới về việc nếu phóng viên bị bắt thì sẽ xem xét xử lý trực tiếp trách nhiệm của Tổng Biên tập cơ quan báo chí đó. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo.
“Nói đi nói lại thì câu chuyện đạo đức người làm báo vẫn là câu chuyện cần quan tâm vì nghề báo rất đặc biệt. Một tiếng nói, một câu, một chữ của nhà báo có thể tác động trực tiếp hoặc lan tỏa đến hàng triệu người. Vì vậy, các tiêu chuẩn cũng phải rất đặc biệt,” Bộ trưởng Hùng nói. Ông bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ quan tâm đến việc sửa đổi Luật Báo chí trong thời gian tới để nâng cao tiêu chuẩn chất lượng phóng viên báo chí.