Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phóng viên bị bắt là 'con sâu làm rầu nồi canh'
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh những người làm nghề rất đau lòng khi một số phóng viên, cộng tác viên bị bắt do có hành vi vi phạm pháp luật
Ngày 12-11, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nêu tình trạng một số cơ quan báo chí chú trọng khai thác mặt trái của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có dấu hiệu trục lợi.
"Vừa qua, một số phóng viên, cộng tác viên có hành vi vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự. Việc này gây bức xúc dư luận, đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh những người làm báo chân chính. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và giải pháp của tình trạng nêu trên để đảm bảo hoạt động báo chí bám sát tôn chỉ mục đích, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước"- đại biểu Nguyễn Đại Thắng chất vấn.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong năm 2023, 2024, mỗi năm có 14 - 15 phóng viên, cộng tác viên bị bắt. "Người làm trong nghề cũng đau lòng lắm. Tuy nhiên, so với 21.000 người làm báo có thẻ nhà báo, 41.000 người hoạt động trong lĩnh vực báo chí thì đây là "con sâu làm rầu nồi canh"- Bộ trưởng nói và cho biết 80% trong số các phóng viên, cộng tác viên bị bắt là làm việc tại các tạp chí nhỏ.
Theo Bộ trưởng, các tạp chí này có sự buông lỏng quản lý của cơ quan chủ quản; tổng biên tập buông lỏng quản lý với phóng viên của mình. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh các vi phạm hiện nay chủ yếu ở các tạp chí, nên cần có các giải pháp để ngăn chặn "báo hóa" tạp chí. Về các tạp chí nhỏ thuộc các hội nghề nghiệp, Bộ trưởng cho biết không nhận được hỗ trợ về vật chất từ cơ quan chủ quản.
Bộ TT-TT đã công bố tiêu chí nhận dạng thế nào là "báo hóa" tạp chí, để toàn xã hội giám sát. Khi tổ chức thanh tra, kiểm tra cũng dựa trên các tiêu chí này để đánh giá. Đồng thời, công khai tôn chỉ, mục đích của hàng trăm cơ quan báo chí để các tổ chức, cá nhân đều có thể tra cứu. "Khi phóng viên được cử về một cơ quan, cơ quan đó có thể tra cứu tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí cử phóng viên đó. Nếu nội dung phóng viên hỏi không đúng tôn chỉ, có thể từ chối"- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, vừa qua đã ban hành một số quy định mới về xử lý trách nhiệm của Tổng biên tập khi phóng viên, cộng tác viên của cơ quan báo chí đó bị bắt. "Nếu phóng viên của cơ quan báo chí mình bị bắt, thì Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm"- ông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đại biểu Quốc hội.
Đánh giá nghề báo là một nghề đặc biệt, một tiếng nói, một câu, một chữ có thể tác động đến hàng triệu người, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng các tiêu chí, tiêu chuẩn về nghề này cũng cần đặc biệt. Trong Luật Báo chí hiện hành, Bộ trưởng nhìn nhận các quy định về tiêu chuẩn phóng viên là chưa cao, do đó khi sửa đổi luật, cần nâng chuẩn lên.
Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Thị Yên (đoàn Điện Biên) về giải pháp phát triển kinh tế báo chí, Bộ trưởng cho biết khi kinh tế thị trường phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải quảng cáo để bán hàng, vì thế chi khá nhiều tiền cho quảng cáo, khi đó quảng cáo chủ yếu trên báo chí. Nhưng sau đó mạng xã hội xuất hiện, 80% quảng cáo trực tuyến rơi vào tay mạng xã hội, như vậy nguồn thu của báo chí bị giảm.
Trong kế hoạch sửa Luật Báo chí sắp tới, Bộ trưởng cho biết có một mục đề cập đến kinh tế báo chí, trong đó cho phép một số cơ quan báo chí lớn được kinh doanh về nội dung, kinh doanh xung quanh lĩnh vực truyền thông, nhưng kinh doanh để làm báo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý, nếu báo chí chạy theo mạng xã hội, chúng ta sẽ đứng ở phía sau, do vậy phải có sự biệt với mạng xã hội, là dùng công nghệ để lấy lại trận địa, tăng số lượng độc giả, từ đó quảng cáo cũng sẽ tăng lên.
Đặc biệt, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông. Đồng thời nghiên cứu xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.