Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Sẽ bỏ khai báo y tế nội địa
Bộ trưởng Y tế ngày 26/4 thông tin đang giao cơ quan chức năng xây dựng hướng dẫn cụ thể cho việc bỏ khai báo y tế nội địa.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, Việt Nam hiện không áp dụng truy vết dịch tễ. Tới đây chúng ta sẽ không áp dụng khai báo y tế nội địa nữa, từng bước đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Thông tin được ông Long nói tại hội nghị trực tuyến việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và hướng dẫn triển khai các nhiệm vụ của Tổ Công tác triển khai Đề án 06.
Hiện Bộ Y tế đã giao cho Cục Y tế dự phòng có văn bản hướng dẫn địa phương trong việc từng bước thực hiện bình thường hóa việc khai báo này.
Với khai báo nhập cảnh, lãnh đạo Bộ cũng yêu cầu phải trở lại trạng thái bình thường, chỉ khai báo theo đúng điều lệ y tế quốc tế.
Tại Việt Nam, khai báo y tế là một trong 5 giải pháp phòng chống dịch đơn giản, hiệu quả theo Thông điệp 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, khai báo y tế, không tụ tập). Nhiều quốc gia cũng áp dụng biện pháp khai báo y tế này.
Nhiều chuyên gia khuyến cáo để phù hợp điều kiện bình thường mới, Bộ Y tế nên bỏ “3K” gồm khai báo y tế, khoảng cách, không tụ tập, chỉ còn 2K (khẩu trang, khử khuẩn).
Về tiêm chủng vắc xin Covid-19, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh đến nay Việt Nam đã tiêm hơn 212 triệu liều vắc xin phòng Covid-19. Tuy nhiên, vẫn còn 7,6 triệu mũi tiêm chưa cập nhật lên hệ thống phần mềm, dù Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhiều lần thúc giục.
Bên cạnh đó, trong số hơn 73,4 triệu người có căn cước công dân/chứng minh nhân dân còn gần 43,5 triệu mũi tiêm đã xác minh nhưng còn sai thông tin gồm số định danh, ngày sinh, họ tên và thông tin khác.
Theo ông Long, chiến dịch tiêm chủng cơ bản thành công, tuy nhiên thời gian gần đây tốc độ tiêm chủng còn chậm.
Việc tiêm mũi 1 và mũi 2 cho người trên 18 tuổi đã đạt tỷ lệ 100%, tuy nhiên tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên “quá chậm” trong khi thực tế vắc xin để tiêm cho các đối tượng không thiếu.
Bên cạnh đó, đã nửa tháng triển khai tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ 5-11 tuổi nhưng tốc độ tiêm cho độ tuổi này vẫn còn rất chậm. Đến hết ngày 25/4 có 48 địa phương triển khai tiêm vắc xin mũi 1 cho trẻ lứa tuổi này có báo cáo về Bộ Y tế với 667.978 liều đã tiêm.
Do đó, người đứng đầu ngành Y tế đề nghị các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, tiêm cho trẻ từ 12- 17 tuổi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các tỉnh, thành phố cũng cần đẩy nhanh hơn trong công tác tiêm chủng cho trẻ độ tuổi 5-11 thời gian tới.
Hồi giữa tháng 4, tại Phiên họp lần thứ 14 Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trực tuyến với các địa phương, Bộ Y tế đánh giá tình hình dịch bệnh đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.
So với tháng trước, số ca tử vong giảm 28,6%; tỷ lệ chết/mắc giảm từ 0,13% tháng trước xuống còn 0,03% (thấp nhất kể từ tháng 8/2021).
Hiện mỗi ngày Việt Nam ghi nhận dưới 15.000 ca Covid-19 mới, tương đương thời điểm tuần cuối tháng 11/2021 - lúc biến thể Omicron chưa được ghi nhận và chiếm ưu thế ở nước ta. Số ca tử vong hiện chỉ còn trên dưới 10 ca tử vong/ngày, thấp nhất từ tháng 7/2021 đến nay.