Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sẽ đề nghị bổ sung đối tượng là trường hợp được giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật khi sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ

Theo dự kiến, từ chiều 5/6 đến sáng 6/6, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Hình minh họa

Hình minh họa

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã có báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Trong đó, vấn đề về đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được báo cáo đề cập khá rõ.

Tích cực bồi dưỡng, luyện tập cho học sinh, sinh viên theo học các lớp tài năng tham gia các cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về lĩnh vực nghệ thuật, trong những năm qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các Đề án Phát hiện, đào tạo học sinh, sinh viên, phát triển tài năng trẻ văn hóa nghệ thuật có trình độ chuyên môn sâu, có đức, có tài, có khả năng sáng trở thành lực lượng văn nghệ sĩ nòng cốt, chủ đạo trong hoạt động văn hóa nghệ thuật của đất nước.

Cụ thể là: Đề án "Đào tạo tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030" ban hành theo Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 (Đề án 1341); Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 1437/QĐ-TTg ngày 19/7/2016 (Đề án 1437).

Bộ trưởng cũng cho hay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án đào tạo, bồi dưỡng diễn viên và nhạc công cho 04 Nhà hát trực thuộc Bộ (gồm Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam) kết hợp giữa các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trực thuộc Bộ với các Nhà hát, thực hiện phương thức đào tạo theo địa chỉ, bổ sung kịp thời đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn và nhạc công kế cận cho các Nhà hát (giai đoạn 2014 - 2017).

Bên cạnh đó, Bộ cũng đề xuất Bộ Tài chính xem xét ban hành Thông tư số 54/2022/TT-BTC ngày 17/8/2022, quy định về quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước để thực hiện các Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao, trong đó có Đề án 1341 và Đề án 1437.

Về kết quả đạt được, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng,đối với đề án 1341, Bộ đã ban hành Chương trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án; xây dựng, thẩm định và ban hành 19 tiêu chí tuyển chọn tài năng; lựa chọn 13 cơ sở đào tạo đầu ngành thuộc các lĩnh vực nghệ thuật có đủ điều kiện tham gia đào tạo tài năng, gồm: 09 trường đại học, 02 trường cao đẳng, 02 trường trung cấp.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trong việc thẩm định dự án hợp phần của các cơ sở đào tạo tài năng, tiêu chí tuyển chọn tài năng, chương trình đào tạo tài năng và các nội dung liên quan khác trong việc triển khai Đề án.

Tính đến thời điểm 30/8/2023, đã có 585 học sinh, sinh viên được tuyển chọn theo học các lớp tài năng ở trình độ trung cấp, đại học, thuộc các lĩnh vực: Âm nhạc, Mỹ thuật, Sân khấu, Điện ảnh, Múa, Xiếc và ngành Sáng tác văn học.

Các cơ sở đào tạo đã tích cực bồi dưỡng, luyện tập cho học sinh, sinh viên theo học các lớp tài năng tham gia các cuộc thi nghệ thuật trong nước và quốc tế, thời gian qua đã có nhiều trường hợp đạt giải, trong đó có 18 giải quốc tế và 51 giải trong nước. Đến nay đã có 52 học sinh, sinh viên tài năng thuộc lĩnh vực múa, mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh… đã tốt nghiệp, một số trường hợp được các đơn vị nghệ thuật, nhà hát mời về làm việc và áp dụng chế độ ưu tiên trong việc tuyển dụng theo quy định của pháp luật.

Đối với đề án 1437, Bộ đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án 1437 giai đoạn 2020 - 2030 để tổ chức triển khai thực hiện. Ký kết các biên bản ghi nhớ với các cơ sở đào tạo tại một số quốc gia (Nga, Pháp, Đức, Nhật, Úc, Hàn Quốc…) trong việc hợp tác tổ chức tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật theo Đề án 1437. Hiện nay có 8 cơ sở đào tạo nước ngoài đang tổ chức đào tạo các lưu học sinh của Việt Nam theo Đề án.

Tính đến hết năm 2023, tổng số học sinh trúng tuyển là 56 trường hợp. Năm 2023, có 27 ứng viên trúng tuyển vào các lĩnh vực âm nhạc, sân khấu điện ảnh, múa và mỹ thuật. Hiện nay đã có 12 trường hợp tốt nghiệp đại học, thạc sĩ. Căn cứ báo cáo kết quả học tập do cơ sở đào tạo nước ngoài cung cấp, kết quả học tập của học viên đều đạt yêu cầu, một số học viên đạt kết quả giỏi, xuất sắc. Các trường hợp này sau khi về nước đều đang tham gia hoạt động nghệ thuật hoặc làm việc tại các cơ quan nghiên cứu về lĩnh vực nghệ thuật.

Sẽ đề nghị bổ sung đối tượng là các trường hợp được giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật khi sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ

Về một số tồn tại, hạn chế, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, hiện nay, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ không quy định cho đối tượng là các sinh viên đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật, do đó khó khăn trong việc tuyển dụng tài năng lĩnh lực văn hóa nghệ thuật, chưa tạo sự công bằng giữa tài năng lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với tài năng trong các lĩnh vực khác.

Công tác tuyển dụng theo Đề án 1437 chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, mới chỉ thực hiện được 3 đợt tuyển sinh trong các năm 2018, 2020 và 2023 do sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và một số thực trạng.

Cụ thể, học sinh năng khiếu tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật được đào tạo ở nhiều độ tuổi khác nhau, do đó, trình độ chuyên môn và đặc biệt là trình độ ngoại ngữ còn hạn chế, chưa đáp ứng các tiêu chí tuyển chọn của các Đề án. Một số quốc gia tại châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc yêu cầu sử dụng tiếng bản ngữ trong quá trình học, gây khó khăn cho các học viên.

Cùng với đó, các chuyên ngành như Xiếc, Múa… yêu cầu học năng khiếu từ cấp học phổ thông cơ sở (8-15 tuổi) và phải đào tạo theo nhóm chương trình, tiết mục biểu diễn nên việc tuyển chọn các ứng viên đủ điều kiện để cử đi theo nhóm gặp nhiều khó khăn; đồng thời phải có bảo mẫu theo quy định riêng của mỗi nước đối với các trường hợp dưới 18 tuổi, do đó vướng mắc cả về thủ tục pháp lý và kinh phí.

Thủ tục và các yêu cầu liên quan đến chi phí học tập của mỗi cơ sở đào tạo nước ngoài là khác nhau, dẫn đến công tác thanh quyết toán gặp nhiều khó khăn. Đơn cử, các lưu học sinh được cử đi học tại Nga đến nay chưa thể thực hiện thanh toán học phí do các nước phương tây đang áp dụng lệnh cấm vận đối với hệ thống thanh toán của nước Nga. Nhiều chi phí phát sinh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng không có cơ chế để thanh toán.

Cũng theo Bộ trưởng, công tác tuyển chọn tài năng theo Đề án 1341 cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn tuyển. Hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều gửi Thông báo tuyển ứng viên tới các địa phương, các cơ sở đào tạo nghệ thuật trên toàn quốc nhưng không nhận được hồ sơ dự tuyển, chỉ có hồ sơ từ các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ.

Về nhiệm vụ và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ đề nghị bổ sung đối tượng là các trường hợp được giải thưởng quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật khi sửa đổi Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Đối với đề án 1341, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ sở đào tạo chuẩn bị đội ngũ giảng viên, giáo viên có chất lượng, đồng thời mời chuyên gia, giảng viên, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước tham gia đào tạo, hướng dẫn chuyên môn các lớp tài năng.

Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật địa phương chú trọng công tác phát hiện, tuyển chọn học sinh, sinh viên có năng khiếu vượt trội để cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Tổ chức các Hội thi tài năng học sinh, sinh viên các trường nghệ thuật, công diễn các tiết mục biểu diễn xuất sắc, động viên, khích lệ các tài năng nghệ thuật tiếp tục học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao kỹ năng, trình độ biểu diễn.

Đối với đề án 1437, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các đợt tuyển sinh đầu vào trong đó, tập trung: Chuẩn bị nguồn tuyển ứng viên, mở rộng ngành, nghề đào tạo. Đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo chuẩn bị nguồn tuyển để tổ chức đào tạo các ngành mà Việt Nam chưa đào tạo được. Xúc tiến triển khai đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn.

Tăng cường truyền thông về Đề án. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý lưu học sinh. Mở rộng hợp tác với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật tại nước ngoài, thống nhất tạo cơ chế đào tạo phù hợp với ứng viên Việt Nam (thiết kế khóa học bổ trợ tiếng bản địa (trừ tiếng Anh) trước khi bắt đầu học chuyên môn)./.

Hiện nay, trên cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 01 Viện nghiên cứu và gần 80 cơ sở đào tạo công lập, tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.

Cụ thể, các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 16 cơ sở, gồm: 10 trường đại học, học viện; 03 trường cao đẳng; 02 trường trung cấp và 01 Viện nghiên cứu có chức năng đào tạo tiến sĩ.

Các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật thuộc các tỉnh/thành và các bộ, ngành khác có 21 trường, gồm: 01 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp.

Gần 80 cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực có tham gia đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở các trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học.

Hệ thống các cơ sở đào tạo tổ chức đào tạo lĩnh vực văn hóa nghệ thuật gồm: trình độ trung cấp 83 ngành/nghề, trình độ cao đẳng 53 ngành/nghề, trình độ đại học 50 ngành, trình độ thạc sĩ 20 ngành và trình độ tiến sĩ 16 ngành.

Thế Công - Xuân Trường

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bo-truong-nguyen-van-hung-se-de-nghi-bo-sung-doi-tuong-la-truong-hop-duoc-giai-thuong-quoc-gia-quoc-te-ve-van-hoa-nghe-thuat-khi-sua-doi-nghi-dinh-so-140-2017-nd-cp-cua-chinh-phu-20240529145122378.htm