Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Sức mạnh mềm của văn hóa sẽ lan tỏa và phổ biến pháp luật sâu sắc hơn
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, sức mạnh mềm của văn hóa sẽ giúp lan tỏa, đưa luật vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc hơn. Thông qua một câu hát, một lời ru, một tiểu phẩm có thể giúp con người nhận thức được pháp luật kỹ hơn việc đọc các điều luật một cách khô khan trong các hội nghị.
Sáng 8/11, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức Lễ tổng kết, trao thưởng cuộc thi "Sáng kiến, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiện quả thông qua hoạt động văn hóa ở cơ sở", hướng ứng Ngày pháp luật nước Công hòa XHCN Việt Nam năm 2022.
Dự buổi lễ có Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy; Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng.
Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa để lan tỏa và phổ biến pháp luật
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII tiếp tục khẳng định một trong ba khâu đột phá chiến lược là hoàn thiện, đồng bộ thể chế, coi đây là khâu đột phá cần phải tổ chức thực hiện trong suốt nhiệm kỳ này.
Chính vì vậy, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng, Bộ VHTTDL đã chủ động chuyển hướng hoạt động của mình bằng việc thay đổi tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa bằng công cụ pháp luật.
Bộ trưởng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất các cấp có thẩm quyền mà trực tiếp là chủ động phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ ngành có liên quan báo cáo Chính phủ trình Quốc hội để đưa vào trong các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định.
"Chỉ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, qua 4 kỳ họp Quốc hội, trong lĩnh vực văn hóa, chúng ta đã trình Quốc hội thông qua 2 luật. Trong đó, Luật Điện ảnh được xác định như một công cụ quản lý, đồng thời tạo ra bước phát triển với tư cách là một loại hình kinh tế. Luật thứ hai dự kiến được Quốc hội ấn nút thông qua trong kỳ họp này là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ góp phần hình thành gia đình văn hóa, tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Từ đó tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh ngay trong chính gia đình", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết
Ngoài ra, theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL cũng đang xây dựng các Nghị định, tìm các vấn đề đang còn những khoảng trống, chưa có các chế định để kịp thời bổ sung và hoàn thiện. Bộ đã chủ động rà soát và chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền ban hành các luật, nghị định. Trong đó, nghị định đang được Chính phủ xem xét thông qua là nghị định về phát triển văn học. Đây là khâu khó mà trong nhiều nhiệm kỳ qua, chúng ta chưa có các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý.
Đi kèm với đó là nghị định về chính sách cho những người làm nghệ thuật có tính chất đặc thù. "Như Đảng ta đã nói, họ là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa của Đảng và nhiệm vụ của họ cũng rất đỗi quang vinh. Nếu không có những chính sách này, chúng ta sẽ rất khó để có những tác phẩm nghệ thuật sống mãi với thời gian", Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng cho biết, Bộ VHTTDL đang đề xuất với Chính phủ xem xét để trình Quốc hội trong nhiệm kỳ này tiếp tục hoàn thiện sửa đổi Luật Di sản văn hóa.
Theo Bộ trưởng, đây là điểm phát triển khi chúng ta không chỉ quản lý các di tích, di sản, mà coi di tích, di sản là một trong những nguồn tài nguyên văn hóa vô tận của đất nước. Đây là nguồn tài nguyên được trao truyền từ thế hệ cha ông và từ thiên nhiên ban tặng mà chúng ta phải biết cách khai thác để hiện thực hóa nó và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
"Khái quát lại những công việc như vậy để thấy rằng, chúng ta đã có những nỗ lực, đi đúng hướng, làm đúng cách và thực sự chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa bằng công cụ pháp luật", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh sự nỗ lực chung trong vấn đề hoàn thiện thể chế theo đúng sự chỉ đạo của Đảng, Bộ VHTTDL cũng nhận được sự quan tâm, đồng hành của các bộ ngành, cơ quan hữu quan và ý thức một cách sâu sắc rằng việc ban hành luật đã khó nhưng để luật đi vào thực tiễn lại càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và từ sức mạnh mềm của văn hóa để lan tỏa, phổ biến pháp luật.
"Thông qua loại hình nghệ thuật, chúng ta có thể truyền tải được những nội dung cần đến với công chúng, với nhân dân.
Biết cách khai thác sức mạnh mềm này sẽ lan tỏa, đưa luật vào cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn, hiểu biết pháp luật một cách sâu sắc hơn. Chỉ thông qua một câu hát, một lời ru, một tiểu phẩm có thể giúp người ta nhận thức được pháp luật kỹ hơn thay vì chúng ta đọc các điều luật một cách khô khan trong các hội nghị", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Không chỉ dừng lại ở đó, theo Bộ trường, vừa gắn với tuyên truyền, chúng ta lại đạt được hiệu quả kép đó là tạo dựng được các phong trào. Các loại hình văn hóa từ cơ sở có điều kiện được nảy nở để phát huy. Chúng ta đang tập trung hướng này để xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở gắn với công tác cán bộ mà chủ đề công tác năm 2022 Bộ VHTTDL đã xác định.
Bộ trưởng nhấn mạnh, với cách tiếp cận như vậy, chúng ta đã có sáng kiến để tổ chức cuộc thi và thời gian phát động cuộc thi không nhiều nhưng đã có hàng ngàn người tham gia hưởng ứng với các bài thi, đề tài, sáng kiến rất có kinh nghiệm.
"Những mô hình được nhận các giải thưởng trong cuộc thi chính là những mô hình mà chúng ta đã thấy hiện hữu, có tác dụng thúc đẩy cho phong trào. Hôm nay chúng ta tổng kết để vinh danh, đồng thời cũng mong muốn sẽ có nhiều cách làm mới hơn nữa, sáng tạo hơn nữa trong đưa pháp luật và cuộc sống", Bộ trưởng bày tỏ.
"Thượng tôn pháp luật là mệnh lệnh chứ không đơn giản chỉ là khẩu hiệu đơn thuần"
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, những kết quả đạt được nêu trên chỉ mới là bước đầu, chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật không chỉ là khẩu hiệu, không chỉ là mệnh đề bắt buộc. Nhiệm vụ của chúng ta, những người làm công tác văn hóa, thể thao và du lịch hơn bao giờ hết phải nỗ lực để cố gắng làm tốt hơn nữa.
Trong khuôn khổ hướng tới kỷ niệm 10 năm Ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu cần phải ý thức một cách đầy đủ rằng ngày pháp luật không chỉ là một ngày tổ chức kỷ niệm mà ngày pháp luật đó phải được làm thường xuyên, làm bền bỉ, hàng ngày, hàng tháng trong mỗi cán bộ công chức, viên chức và rộng hơn là trong nhân dân. Ngày kỷ niệm chỉ là ngày chúng ta tổng kết và nhìn lại công việc đã làm trong một năm để khẳng định những kết quả đã làm được, đồng thời thấy được những khó khăn, hạn chế để bàn với nhau các giải pháp khắc phục, có như vậy, ngày pháp luật Việt Nam mới thực sự có ý nghĩa.
Đánh giá cao Vụ Pháp chế và các đơn vị có liên quan có sự chủ động, song Bộ trưởng lưu ý, chúng ta không thỏa mãn, chủ quan mà phải quán triệt sâu sắc lời căn dặn của Tổng Bí thư đó là không được say sưa, ngủ quên trên vòng nguyệt quế. Phải nhìn nhận để làm tốt hơn, triển khai tốt hơn nữa, nhất là phát huy sức mạnh mềm của văn hóa và trước mắt là tập trung rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật trong lĩnh vực quản lý nhà nước mà nghị định của Chính phủ đã ban hành cho ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành các luật, các nghị định, tháo gỡ các điểm nghẽn, thúc đẩy sự phát triển.
"Mục đích là phải giải phóng được các nguồn lực của xã hội thông qua công cụ pháp luật để kiến tạo và xây dựng một xã hội văn minh, điều hành bằng công cụ pháp luật, không ai đứng trên pháp luật, tuân thủ pháp luật, thượng tôn pháp luật là mệnh lệnh chứ không đơn giản chỉ là khẩu hiệu đơn thuần", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nhận thấy trách nhiệm nặng nề để góp phần thực hiện một trong ba khâu chiến lược mà Đảng đã xác định, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ lớn.
Thứ nhất, ngoài việc chủ động rà soát, bổ sung, xây dựng pháp luật thì phải chú ý nhiều hơn trong công tác phối hợp với Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương để tiếp tục khẳng định, đưa một số loại hình, mô hình tốt mà chúng ta đã kiểm định được trong thực tiễn, như quan điểm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đó là những gì đã đúng, đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm thì phải được áp dụng và cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó để chúng ta thực hiện có chiều sâu, căn cơ, bài bản.
Thứ hai, phải nhận thức đầy đủ về sức mạnh mềm của văn hóa và phải chuyển hóa tất các các hoạt động dưới dạng văn hóa bằng cách riêng của nghệ thuật, bằng quy luật tác động riêng của loại hình này để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục một cách tốt hơn.
"Tất cả những điều đó vì một mong muốn là chúng ta phải tập trung chấn hưng và phát triển văn hóa như tinh thần của Tổng Bí thư đã chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, để đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên, ý thức chấp hành pháp luật được tốt hơn.
Văn hóa sẽ hiện diện ở các cấp độ để lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, để bảo tồn và phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Quá trình đó chúng ta sẽ tiếp biến với những tinh hoa văn hóa nhân loại nhưng đồng thời vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng văn hóa của chúng ta trở thành động lực tinh thần của sự phát triển như tuyên bố của Hội nghị thế giới về chính sách văn hóa và phát triển bền vững vừa được tổ chức gần đây tại Mexico", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.