Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: 'Toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng'
Chiều nay (15/7), dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022. Cùng dự có các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt.
Nói thẳng nói thật, đánh giá thực chất
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Bộ trưởng chào mừng lãnh đạo các địa phương, đơn vị thuộc Bộ đến dự, tham gia góp ý kiến. Bộ trưởng cho biết, 6 tháng đầu năm chúng ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, sự vượt khó của ngành đã tạo ra được bức tranh tươi sáng về ngành VHTTDL
Bộ trưởng hy vọng, trên tinh thần nói thẳng nói thật, đánh giá đúng thực chất, các đại biểu sẽ đóng góp các ý kiến xác đáng để tìm các giải pháp thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch toàn ngành năm 2022 đã được Chính phủ phê duyệt.
Báo cáo sơ kết 6 tháng trong lĩnh vực VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông trình bày nêu rõ, các lĩnh vực công tác đã được tập thể lãnh đạo Bộ chỉ đạo "từ sớm, từ xa", trên tinh thần không né tránh, luôn nhìn thẳng vào những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để có các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Qua đó, các nhiệm vụ phát triển Ngành cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng theo Kế hoạch đề ra.
Để triển khai hiệu quả các Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ VHTTDL tiếp tục thực hiện phương châm hành động "Quyết liệt hành động - Khát vọng cống hiến", phát động và triển khai chủ đề công tác năm 2022 "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ" với tinh thần quyết tâm, quyết tâm hơn nữa, để cùng với các ngành, các cấp từng bước hiện thực hóa mục tiêu chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam.
Về thể chế, Bộ chủ động tham mưu Chính phủ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Ba; tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); phối hợp hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sở hữu trí tuệ (sửa đổi) phần quyền tác giả, quyền liên quan; tham gia ý kiến dự án Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi).
Đối với thể thao, SEA Games 31 được tổ chức thành công trên nhiều phương diện, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế. Du lịch chính thức mở cửa lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2022 và phục hồi nhanh tại các địa bàn trọng điểm, khách quốc tế đến Việt Nam trong 6 tháng đạt 413.000 lượt khách, khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt chỉ tiêu 60 triệu lượt đặt ra từ đầu năm). Công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được chú trọng, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật được tổ chức đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Sự vào cuộc tích cực từ các địa phương
Bày tỏ phấn khởi dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng, toàn ngành đã đạt được nhiều dấu ấn trên cả 3 lĩnh vực, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, năm 2022, Quảng Nam vinh dự được chọn là địa phương đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia. Trong, 6 tháng qua tỉnh đã tập trung thực hiện 6 nhóm chủ đề với 64 sự kiện đã được Bộ phê duyệt, 10 sự kiện của Bộ tại tỉnh Quảng Nam. Đến thời điểm hiện nay, du lịch tại Quảng Nam lấy dược đà phát triển du lịch như thời điểm năm 2019. Trong 6 tháng, toàn tỉnh đã đón được 2,5 triệu lượt khách.
Ông Nguyễn Thanh Hồng chia sẻ thêm, trong những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách trong việc bảo tồn các di sản văn hóa, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch. Mới đây nhất, ngành đã tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết về phát triển thương mại du lịch. Ông Nguyễn Thanh Hồng mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ VHTTDL khi trình Quỹ bảo tồn di sản văn hóa Quảng Nam.
Tham luận về vấn đề xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VHTT tỉnh Nghệ An cho biết, ngay sau lễ phát động do Bộ tổ chức tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong đó tập trung cho công tác truyền thông, tích cực xây dựng mô hình điển hình, hiện nay đã có 191 mô hình văn hóa cơ sở được công nhận.
Để bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, bà Mỹ Hạnh cho hay, HĐND tỉnh cũng có Nghị quyết hỗ trợ 30 triệu đồng các CLB bảo tồn di sản văn hóa khi thành lập, đến nay toàn tỉnh có 124 CLB dân ca ví giặm, và nhiều CLB trình diễn văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Ngành cũng đã tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết hỗ trợ cho hoạt động văn hóa của mỗi xã với số tiền 100 triệu, đây được xem là bước đột phá trong thời gian qua.
Quảng Ninh địa phương đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 dự kiến diễn ra tháng 11/2022. Theo Giám đốc Sở VHTT Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Hà cho biết, đây vừa là vinh dự nhưng cũng là trách nhiệm đối với tỉnh. Xác định công tác chuẩn bị là khâu quan trọng, Quảng Ninh đã tăng cường thông tin tuyên truyền về Đại hội bằng nhiều hình thức.
Tỉnh cũng sớm ban hành các văn bản chỉ đạo, phối hợp với các vụ chuyên môn của Tổng cục TDTT rà soát các công trình, trang thiết bị để đáp ứng việc tổ chức Đại hội. Đồng thời, tỉnh cũng đã bố trí kinh phí, huy động nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Cùng đó là chuẩn bị cơ sở vật chất với 360 khách sạn đạt tiêu chuẩn, 900 nhà nghỉ nhằm đáp ứng nhu cầu các đoàn khi về tỉnh dự Đại hội.
Nếu chỉ xem SEA Games 31 là của riêng ngành TDTT chắc chắn sẽ không hoàn thành nhiệm vụ
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, thông qua công tác tổ chức, triển khai thực hiện Chủ đề công tác năm 2022 của ngành VHTTDL, các ngành, các cấp, các địa phương đã nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Qua đó từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Có thể nói, ở góc độ triển khai thực hiện đã được triển khai một cách bài bản, khoa học và quyết liệt, đến nay cũng đã có sự chuyển biến ban đầu.
Liên quan đến lĩnh vực Du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 413 nghìn lượt. Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5 tăng gấp đôi so với tháng 4; tháng 6 tăng gấp 4 lần so với tháng 5. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế trở lại Việt Nam còn hạn chế.
Để thực hiện mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế năm 2022 trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, cần khai thác tốt các thị trường đã có kết nối lại hàng không như Hàn Quốc, Nhật Bản, Tây Âu, Úc, ASEAN; chuyển hướng khai thác thị trường mới, có khả năng tăng trưởng: Ấn Độ, Mỹ, Trung Đông. Đồng thời cần tổ chức chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam; tổ chức chương trình khảo sát tại Việt Nam cho hãng lữ hành, báo chí; phối hợp với các hãng hàng không triển khai các gói kích cầu…
Về kinh nghiệm trong tổ chức thành công Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) vừa qua tại Việt Nam, Phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết, dù diễn ra trong giai đoạn gặp rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19, song với nỗ lực tổng hợp và sự phối hợp đồng bộ, chúng ta đã hoàn thành công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games 31 trên tinh thần triệt để tiết kiệm, đầu tư trọng tâm, trọng điểm song vẫn đảm bảo sự trọng thị, chu đáo, phù hợp với quy định, thông lệ quốc tế.
Ông Trần Đức Phấn cho rằng, SEA Games 31 là một ví dụ điển hình của sự phối hợp chặt chẽ giữa các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ. Nếu xem đây là một sự kiện của riêng ngành TDTT, chắc chắn Tổng cục TDTT không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của phát triển
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, trong 6 tháng đầu năm, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của lãnh đạo các địa phương, toàn ngành đã gặt hái được những thành công, trong đó có những điểm sáng quan trọng.
Thành công bước đầu rõ nét là đã chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, bám sát định hướng Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế. 4 bộ luật trong đó có 2 bộ luật do Bộ chủ trì, 2 bộ luật do Bộ phối hợp đã được Quốc hội thông qua, có bộ luật đã cho ý kiến để thông qua tại kỳ họp tới. Việc hoàn thiện hệ thống pháp luật đã tạo điều kiện để ngành thực thi công việc của mình bằng công cụ pháp luật, hướng tới tạo nguồn lực cho sự phát triển.
Cũng theo Bộ trưởng, 6 tháng đầu năm cũng là quãng thời gian mà Bộ huy động các nguồn lực, rà soát lại, tập trung chấn chỉnh đội ngũ cán bộ để từ đó vận hành tốt "cỗ xe tam mã", trong đó văn hóa giữ dây cương, là trung tâm. Ngành đã tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền, các địa phương nâng cao một bước nhận thức về văn hóa, đặt văn hóa ngang hàng với chính trị và kinh tế, từ đó để có sự đầu tư thỏa đáng hơn cho văn hóa.
Theo Bộ trưởng, chúng ta đã đi đúng hướng khi xác định môi trường văn hóa cơ sở là động lực của phát triển, là chiều sâu, là nơi tỏa sáng các giá trị văn hóa. Sau khi Bộ VHTTDL triển khai chủ đề năm công tác của Bộ tại Nghệ An, sức lan tỏa từ chủ đề năm không chỉ dừng lại ở cấp Bộ mà đã đi đến các địa phương, từ đô thị lớn đến vùng sâu, vùng xa.
Một điểm nhấn quan trọng nữa của ngành đó là việc tổ chức SEA Games 31 thành công, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Nhân dân đánh giá cao. Đây không chỉ đơn thuần là một sự kiện thể thao mà còn là hoạt động đối ngoại, nâng vị thế Việt Nam trên trường quốc tế – một điểm đến an toàn, tạo hiệu ứng cho ngành du lịch thực hiện nhiệm vụ của ngành kinh tế mũi nhọn.
Cùng với đó, Du lịch cũng đạt nhiều thành tựu quan trọng, trong đó du khách nội địa đã hoàn thành chỉ tiêu năm 2022 chỉ trong 6 tháng, lượng khách quốc tế đang tăng trở lại, đóng góp vào GDP chung của cả nước, cùng Chính phủ và Nhân dân cả nước phục hồi, phát triển kinh tế đất nước sau đại dịch.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, nhấn mạnh tinh thần "không được say sưa, ngủ quên trên chiến thắng", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng yêu cầu, các hoạt động đã được phê duyệt cần rà soát, xem xét các đầu việc đã làm được bao nhiêu, còn bao nhiêu cần quyết tâm thực hiện, không được "đánh trống bỏ dùi". Theo đó, phải chuyển hóa kế hoạch trên bàn giấy thành các việc làm thiết thực. Đầu tiên là hướng vào xây dựng thể chế. Trong đó, phải tiếp tục hoàn thiện chương trình tổng thể về chấn hưng, phát triển văn hóa Việt Nam từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045.
Một vấn đề về thể chế nữa mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là quy hoạch về điểm đến và khu du lịch. Theo Bộ trưởng, dù du lịch bùng nổ trở lại nhưng về lâu dài thì cần phải dựa trên Quy hoạch này mới thu hút đầu tư, tạo ra sản phẩm. Theo đó, Tổng cục Du lịch cần ráo riết, mạnh dạn để tổ chức thực hiện và sớm trình Chính phủ.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, thời gian tới phải tập trung cho nhiệm vụ tổng kết Nghị quyết 08 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Từ đó để xây dựng Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó chú ý đến đề án về thể thao thành tích cao.
Bộ trưởng cũng đánh giá cao các điểm sáng về du lịch của TP.HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu để có thêm các điểm đến an toàn, có thêm sản phẩm mới về du lịch.
"Về môi trường văn hóa cơ sở, thời gian tới phải chú ý đến văn hóa nghệ thuật, làm sao để có nhiều tác phẩm nghệ thuật, nhiều chương trình lưu diễn hay phục vụ khán giả. Lãnh đạo Bộ rất trăn trở về việc làm sao để có những tác phẩm sống mãi với thời gian" - Bộ trưởng bày tỏ.