Bộ trưởng Nội vụ: Tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 đồng/tháng là rất hợp lý
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 đồng/tháng là rất hợp lý, sẽ giúp giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Sáng nay, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về tình hình kinh tế xã hội. Tham gia phát biểu tại tổ có đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái) đã thông tin về vấn đề tăng lương cơ sở và tình hình công chức, viên chức nghỉ việc thời gian qua.
Trước đó vào chiều qua, 20-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có tờ trình gửi Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, trong đó đề xuất từ ngày 1-7-2023 thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo tinh thần Nghị quyết 27 của Trung ương, từ năm 2021 sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương. Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 hơn hai năm qua nên Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã xem xét rất kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định lùi thời điểm cải cách tiền lương trong thời hạn nhất định.
Khi chưa thực hiện được chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, song 3 năm vừa qua (2019 - 2021) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chưa thực hiện được tăng lương cơ sở.
Với đề xuất tăng lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng hiện nay lên 1,8 đồng/tháng từ 1-7-2023, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá là rất hợp lý, tạo ra được động lực mới, giảm hiện trạng công chức, viên chức xin thôi việc.
Mức điều chỉnh khoảng 20,8% đang tiệm cận dần với cải cách chính sách tiền lương. Bởi khung cải cách tiền lương dự kiến thấp nhất so với mức lương đang hiện hành tăng khoảng 29%, mức cao nhất trên 40%.
"Khi điều chỉnh mức lương cơ sở này cũng hướng theo mục tiêu là tiệm cận với cải cách chính tiền lương và mức này là hợp lý trong bối cảnh thực tiễn.
Nếu điều kiện đất nước năm 2023 có sự phát triển kinh tế - xã hội tốt và năm 2024 nếu tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như năm 2020, 2021, 2022 thì có thể triển khai được chính sách cải cách tiền lương" - bà Trà nêu.
Về tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc nhiều thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, tính từ 1-1-2020 và đến 30-6-2022, cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc và thôi việc trên cả nước là 39.552 người, chiếm tỉ lệ 1,94%. Trong số này tỷ lệ viên chức chiếm tỉ lệ đa số, còn công chức chỉ chiếm 1,63%, cụ thể tổng số công chức xin nghỉ việc là hơn 4.000 người, chiếm 1,98%; còn viên chức là 35.523 người.
Theo bà Trà, trong số công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu rơi vào 2 ngành giáo dục và y tế. Cụ thể, trong 2,5 năm qua, số người xin thôi việc trong ngành giáo dục là 16.427 người, chiếm 41,53%, số người xin thôi việc trong ngành y tế là 12.198 người, chiếm 30,84%.
Về giải pháp, theo bà Trà, cần tập trung để nâng cao đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và việc điều chỉnh tăng lương cơ sở chính là một cách để giảm bớt khó khăn cho người lao động. Bên cạnh đó, phải xem xét lại tổng thể, công tâm, khách quan về công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức.
Liên quan đến đề xuất tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng áp dụng từ 1-7-2023, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, mức tăng này tuy không nhiều nhưng sẽ góp phần ổn định tâm lý phấn khởi hơn cho cán bộ ngành y tế, công chức, viên chức, để họ yên tâm làm việc hơn.
Dù vậy, về lâu dài, để giữ chân được những người giỏi làm việc trong các lĩnh vực nói chung cũng như lĩnh vực y tế nói riêng thì cần có lộ trình tăng lương với những sự bứt phá hơn, hướng tới đạt được mục tiêu là không chỉ đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân mà còn để họ yên tâm và phát triển với ngành nghề mà mình lựa chọn, cống hiến.