Bộ trưởng Nội vụ: Ứng dụng công nghệ số phát huy giá trị quý báu của tư liệu quốc gia

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để phát huy giá trị quý báu của khối di sản tư liệu quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản tư liệu.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước (4/9/1962-4/9/2022) vào sáng 31/8, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhắc lại, cách đây 60 năm, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định thành lập Cục Lưu trữ Phủ Thủ tướng, là một dấu mốc lịch sử đánh dấu sự phát triển của hệ thống tổ chức lưu trữ nhà nước.

Nhìn lại chặng đường 6 thập kỷ qua, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, từ một cơ sở lưu trữ đơn sơ ban đầu với vài chục người, đến nay, đã xây dựng và phát triển được 4 trung tâm lưu trữ quốc gia lớn. Với thế hệ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngày càng chuyên nghiệp, Cục đã trực tiếp bảo quản, lưu giữ một khối lượng tài liệu rất lớn và vô cùng giá trị về mọi mặt chính trị, lịch sử, văn hóa, khoa học, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Thanh Tuấn

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Ảnh: Thanh Tuấn

Tài liệu lưu trữ này là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam. Nhiều tài liệu được coi là bảo bối quốc gia; có những tài liệu quý đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới như: Châu bản triều Nguyễn và Mộc bản triều Nguyễn…

Bên cạnh đó, Cục đã ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để phát huy giá trị quý báu của khối di sản tư liệu quốc gia, góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của di sản tư liệu, thiết thực phục vụ cuộc sống cho nhân dân. Qua đó, phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn hiện nay; đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Tài liệu có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia”.

Chuyển đổi số và bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia

Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, xã hội số đòi hỏi Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước càng nhạy bén, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo đi đầu trong công tác văn thư và bảo quản, phát huy cao độ giá trị tài liệu lưu trữ nhằm phục vụ rộng rãi, hiệu quả cho công chúng, xã hội và đáp ứng yêu cầu của kiến thiết quốc gia hưng thịnh trên mọi phương diện...

Cùng với đó là xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, thực hiện chuyển đổi số và bảo quản an toàn tuyệt đối tài liệu lưu trữ quốc gia. Trong đó hình thành mô hình Kho lưu trữ tài liệu điện tử để bảo đảm được chức năng tập trung nguồn tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước; quản lý chặt chẽ tài liệu lưu trữ điện tử của Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam.

Việc xây dựng Kho lưu trữ tài liệu điện tử cần được tổ chức với quy mô phát triển rộng dần, qua nhiều giai đoạn với nguồn đầu tư phù hợp để bổ sung thường xuyên; gắn công tác lưu trữ với công nghệ thông tin, tăng cường phát huy giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đưa tài liệu lưu trữ thiết thực phục vụ quản lý xã hội và mọi nhu cầu của cuộc sống xã hội, góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ chủ quyền đất nước...

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng. Ảnh: Thanh Tuấn

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng. Ảnh: Thanh Tuấn

Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng cho hay, cục đã quản lý, tổ chức nhiều hoạt động bảo quản và phát huy hiệu quả khối di sản tư liệu quý giá của quốc gia, bao gồm hơn 33.000 mét giá tài liệu trên nhiều vật mang tin khác nhau, phản ánh đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội Việt Nam từ giữa thế kỷ XIX đến nay.

Trong đó có 2 Di sản tư liệu thế giới “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn” và 2 Bảo vật quốc gia “Tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1945-1946”, “Sưu tập Phác thảo các mẫu Quốc huy Việt Nam của Họa sĩ Bùi Trang Chước”. Các Trung tâm Lưu trữ quốc gia được đầu tư xây dựng kho lưu trữ chuyên dụng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ và bảo quản an toàn tài liệu trên các vật mang tin khác nhau.

Mỗi năm, các Trung tâm Lưu trữ quốc gia phục vụ hơn 5.000 lượt độc giả trong và ngoài nước, cấp bản sao, chứng thực hơn 100.000 trang tài liệu lưu trữ, đón trên 30.000 lượt khách đến tham quan khu trưng bày tài liệu lưu trữ; tổ chức hơn 100 cuộc triển lãm, trưng bày tài liệu lưu trữ...

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-noi-vu-ung-dung-cong-nghe-so-phat-huy-gia-tri-cua-tu-lieu-quoc-gia-2055343.html