Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Nâng cao kỹ năng số cho học sinh từ cấp học đầu tiên
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị ASEAN - UNICEF về 'Chuyển đổi kỹ thuật số hệ thống giáo dục trong ASEAN' do Bộ GD-ĐT phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức ngày 15/10.
Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và trong bối cảnh ngành giáo dục các nước trong khu vực đang cố gắng ứng phó với dịch Covid-19, đảm bảo cho mọi học sinh được an toàn và không bị gián đoạn việc học.
Nâng cao kỹ năng số phải là ưu tiên hàng đầu
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, một phần chính trong thảo luận là làm thế nào phát triển năng lực kỹ thuật số cho thế hệ trẻ.
Tiến bộ không ngừng về công nghệ cùng nguồn thông tin khiến năng lực kỹ thuật số trở nên cần thiết đối với mỗi học sinh. Năng lực kỹ thuật số ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập, hỗ trợ khả năng tìm kiếm tài liệu học tập, kết nối kiến thức. Bộ kỹ năng này rất có giá trị, giúp thúc đẩy năng lực sáng tạo vượt ra ngoài môi trường lớp học hoặc trường học thông thường. Vì vậy, nâng cao kỹ năng số, mở rộng khả năng tiếp cận thế giới số của học sinh phải là ưu tiên hàng đầu, ngay từ cấp học đầu tiên.
Để giải quyết được thách thức này, theo ông Nhạ, học sinh và giáo viên cần được tiếp cận không hạn chế ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, khai thác, tận dụng tri thức của nhân loại.
Để làm được điều này, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ giảng dạy, quản lý phải được phát triển trong trường học, nơi mỗi học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý đều có quyền, khả năng khai thác, sử dụng hệ thống.
“Nhiệm vụ của chúng ta là tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình này, đồng thời thiết lập một nền tảng chung để chia sẻ tài nguyên kỹ thuật số nhằm thu hẹp khoảng cách tiếp cận giáo dục do chênh lệch công nghệ trong khu vực gây ra”, ông Nhạ chia sẻ.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng công nghệ rộng rãi và có hệ thống.
“Tôi muốn đề cập đến trách nhiệm của chúng ta với tư cách là lãnh đạo khu vực là phải đề xuất chính sách, khuôn khổ pháp lý hiệu quả cho số hóa giáo dục. Đây là cách chúng ta có thể tận dụng tối đa tiềm năng, tích hợp tất cả công nghệ, năng lực thành một khối tổng thể thống nhất, toàn diện; giúp cho công tác quản lý hiệu quả hơn, chất lượng giảng dạy tốt hơn và hệ thống đáp ứng tốt hơn nhu cầu, nguyện vọng của người học” - ông Nhạ nói.
Đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong ASEAN
Ông Nhạ cho hay, một trong những mục tiêu của hệ thống giáo dục Việt Nam là trang bị cho học sinh kỹ năng kỹ thuật số ở tất cả các cấp. Đặc biệt, môn Tin học đã được đưa vào giảng dạy ngay từ bậc tiểu học, tập trung vào 3 lĩnh vực: Kỹ năng số, Ứng dụng CNTT và Khoa học máy tính, bao gồm các chủ đề mới nổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như trí tuệ nhân tạo, Dữ liệu lớn và người máy. Giáo dục STEM cũng được đẩy mạnh thông qua mô hình học tập dựa trên dự án và phát triển trung tâm đổi mới trong trường học. Chương trình học không chỉ giới hạn trong việc truyền tải kiến thức mà còn chú trọng đến khả năng tiếp thu, khả năng tư duy kỹ thuật số cùng khả năng làm chủ công nghệ của người học.
Ngoài ra, việc ứng dụng CNTT trong thực hành giảng dạy và chia sẻ kiến thức đã sớm được hình thành ở Việt Nam. Bộ GD-ĐT hàng năm tổ chức các cuộc thi quốc gia về thiết kế bài học điện tử nhằm nâng cao năng lực chuyển đổi số của giáo viên, góp phần xây dựng kho dữ liệu số để chia sẻ trong toàn ngành (đến nay đã có hơn 7.000 bài học chất lượng cao được chia sẻ trên Internet). Hay để chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới được triển khai từ năm học này, giáo viên trên cả nước đã được tập huấn trực tuyến liên tục dựa trên hệ thống LMS.
Về quản lý quy mô lớn cấp quốc gia, ông Nhạ cho hay Bộ đang xây dựng khung năng lực số cho học sinh, từ mầm non đến THPT, trong đó không chỉ coi trọng kỹ năng sử dụng, kiến thức công nghệ mà còn hướng đến năng lực tư duy, khả năng tạo ra sản phẩm sáng tạo và thích ứng với thế giới số.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng kêu gọi các bộ trưởng giáo dục ASEAN cùng chung tay xây dựng một bộ tiêu chuẩn kỹ năng số thống nhất trong khu vực, hướng tới hình thành một khung năng lực số được các nước thành viên công nhận.
“Chúng ta đang tạo ra một tương lai cho tất cả người dân ASEAN, ở mọi lứa tuổi trẻ hay già. Tương lai không chỉ cho những người hiểu biết về công nghệ, mà cho tất cả mọi người. Tôi đang hình dung một cộng đồng học tập thông minh - một nền giáo dục tốt hơn mà người dân được thụ hưởng, một cộng đồng trong đó có sự chia sẻ kiến thức mạnh mẽ hơn và mọi người sẽ có nhiều cơ hội hơn”, ông Nhạ nói.