Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ: Quân đội đã sẵn sàng ứng phó mọi tình huống
Ngày 15/6, Trung Quốc và Ấn Độ đã nổ ra các cuộc đụng độ tại Thung lũng sông Galwan ở Ladakh. Hôm 15/9, Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh đã nói trước Nghị viện liên bang, quân đội Ấn đã gây nên thương vong nghiêm trọng cho PLA và đã chuẩn bị đầy đủ để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 16/9, một số cơ quan truyền thông Ấn Độ cho rằng nhận xét của ông Rajnath Singh là tuyên bố chính thức đầu tiên được chính phủ Ấn Độ đưa ra kể từ sau khi xảy ra các cuộc đối đầu liên tục giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại Tuyến ranh giới kiểm soát thực tế (LAC) ở đông Ladakh, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
Ông Rajnath Singh: quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị đối phó với mọi tình huống
Ông Rajnath Singh nói rằng Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn quân đội và vũ khí trang bị dọc theo tuyến kiểm soát thực tế, bao gồm cả bờ bắc và nam của hồ Pangong và các khu vực khác ở phía đông Ladakh. Quân đội Ấn Độ đã tiến hành triển khai đối phó phù hợp để đảm bảo rằng các lợi ích an ninh của Ấn Độ được bảo vệ đầy đủ. Ông chỉ ra rằng các hành động liên quan của phía Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng; phía Ấn Độ đã nói rõ với Trung Quốc thông qua các kênh ngoại giao và quân sự rằng các hành động trên là không thể chấp nhận được. Ông Rajnath Singh nói rằng vấn đề biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn chưa được giải quyết, nhưng ông nhắc lại rằng Ấn Độ coi trọng sự phát triển song phương và mong muốn duy trì hòa bình, yên tĩnh trên biên giới.
Cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tại Moscow hôm 6/9 không đạt kết quả gì (Ảnh: Đa Chiều).
Ông Singh chỉ ra rằng các hiệp định năm 1993 và 1996 giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã xác định rõ, việc tôn trọng và tuân thủ nghiêm ngặt Tuyến kiểm soát thực tế là cơ sở cho hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới; nhưng việc Trung Quốc tăng quân là vi phạm thỏa thuận. Ông tuyên bố rằng các hành động của PLA ở Thung lũng Galwan hồi tháng 6 cuối tháng trước là phớt lờ các thỏa thuận song phương đạt được giữa hai bên. Ngay cả khi Quân đội Ấn Độ tuân thủ các nguyên tắc, Trung Quốc đã không đáp lại điều này.
Bộ trưởng Singh nói, vấn đề biên giới Trung - Ấn vẫn chưa được giải quyết. Cho đến nay, vẫn chưa có một phương án giải quyết được cả hai bên đều chấp nhận. Trung Quốc không công nhận đường biên giới truyền thống. “Chúng tôi cho rằng, đường biên giới này cơ sở nguyên tắc địa lý cơ bản được công nhận”.
Ông nói, Ấn Độ đã thông qua kênh ngoại giao cho Trung Quốc biết, mưu đồ đơn phương thay đổi hiện trạng đã vi phạm thỏa thuận hai bên. Trung Quốc đã huy động nhiều quân đội và vũ khí trang bị ở LAC và khu vực nội địa. Tại các khu vực Ladakh. Gogra, Kongka La và hai bờ bắc, nam Hồ Pangong có rất nhiều điểm va chạm, Quân đội Ấn Độ đã có sự bố trí ứng phó ở các khu vực này.
Ông Rajnath Singh nói với các nghị sĩ: “Tôi xin bảo đảm với các ngài, chúng ta đã chuẩn bị tốt việc đối phó với mọi tình huống”.
Quân đội Ấn Độ ở tuyến trước biên giới đã ở trong trạng thái chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu (Ảnh: Deutsche Welle).
Quân đội Trung Quốc đã vào báo động cấp 2
Trong khi đó, trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 16/9 đưa tin, PLA đã tăng cường các cuộc tập trận trước chiến tranh và quân đội Ấn Độ cũng đưa thêm quân và lương thực ra biên giới. Các chuyên gia lo ngại rằng các cuộc xung đột trong tương lai xung quanh LAC sẽ bình thường hóa, khiến khu vực này trở thành một Kashmir tiếp theo.
Deutsche Welle viết, sau cuộc xung đột giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở biên giới, quan hệ hai nước tiếp tục căng thẳng, thậm chí xảy ra các vụ xả súng. Mặc dù cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ tại Moscow vào ngày 11/9 đã giúp xoa dịu tình hình, nhưng thực chất tình hình giữa quân đội hai nước không hề nới lỏng. Ngày 16/9, tờ South China Morning Post dẫn nguồn của quân đội Trung Quốc đưa tin, lực lượng PLA ở biên giới tranh chấp đã bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp hai.
PLA có tổng cộng 4 cấp độ sẵn sàng chiến đấu, con số càng thấp thì cấp độ càng cao, trong thời kỳ hòa bình thì không đưa vào phân cấp. “Trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp hai” chỉ còn cách “trạng thái sẵn sàng cấp một” sắp nổ ra chiến tranh một cấp. Lần cuối cùng PLA nâng mức sẵn sàng chiến đấu lên cấp 2 ở khu vực biên giới là vào năm 1987. Bước sẵn sàng chiến đấu cấp 2 đồng nghĩa với việc các nhà chức trách sẽ đưa thêm binh lính và vũ khí ra tiền tuyến và tất cả các sĩ quan binh sĩ bất kể cấp bậc, sẽ nhất loạt tăng cường huấn luyện sẵn sàng bước vào chiến đấu.
Ngoài ra, một bức ảnh vệ tinh trong số mới nhất của tạp chí quân sự Canada Kanwa Defense Review cho thấy PLA đang triển khai binh lính và vũ khí ven Hồ Pangong ở khu vực biên giới. Ông Andrei Chang, Tổng biên tập tạp chí cho biết, việc PLA nạp vũ khí lên các máy bay ném bom JH-7 tại sân bay tiền tiêu cho thấy chúng đã sẵn sàng tác chiến bất cứ lúc nào và đó cũng là một trong những dấu hiệu rõ ràng cho thấy lực lượng không quân ở biên giới đang ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Ông nói: “Tôi lo xung đột có thể trở nên bình thường trong tương lai, khiến Tuyến kiểm soát thực tế biên giới Trung Quốc - Ấn Độ (LAC) trở thành một Kashmir khác”.
Quân khu Tây Tạng của PLA liên tiếp tổ chức tập trận thực binh lớn (Ảnh: Weibo Jiefangjunbao).
Quân đội Ấn Độ đưa cà ri và mì gói vào doanh trại
Trong khi Trung Quốc đang nâng cấp mức báo động chiến đấu của họ, Ấn Độ cũng tỏ ra không bị tụt lại phía sau. Reuters đưa tin, trước đây, số binh sĩ được Ấn Độ triển khai ở biên giới phía đông Ladakh vào khoảng 20.000 đến 30.000 quân. Gần đây, khi tình hình trở nên tồi tệ, quân số của nước này đã tăng hơn gấp đôi. Sĩ quan quân đội Ấn Độ từ chối cung cấp số lượng binh sĩ chi tiết, chỉ nói rằng việc phía Ấn Độ tăng quân là để theo kịp phía Trung Quốc.
Reuters đưa tin, một lượng lớn vật tư đã được chất đống trong một nhà kho chứa nhiên liệu và dầu nhớt ở Leh, thị trấn chính của Ladakh, chờ được chuyển giao. Cà ri Ấn Độ, mì gói, hạt dẻ cười và các nguyên liệu khác chất như núi trong nhà kho.
Quân đội giải thích rằng do địa hình hiểm trở của Ladakh, vật liệu cần phải được vận chuyển đến các điểm hậu cần bằng xe tải, trực thăng, v.v., sau đó được vận chuyển bằng la đến các khu vực miền núi khó đi hơn.
Trong các nhà kho khác ở Leh cũng có lều bạt, máy sưởi, quần áo mùa đông và một số nhu yếu phẩm cần thiết ở khu vực có độ cao lớn. Những ngọn núi ở Ladakh sẽ bị bao phủ bởi tuyết trong ít nhất bốn tháng sau khi bước vào mùa đông, đây sẽ là một thử thách lớn đối với quân đội. Để đối phó với điều kiện môi trường khắc nghiệt, quân đội Ấn Độ phải dựa vào phương pháp kết hợp trực thăng và la để vận chuyển hơn 150.000 tấn vật tư, bao gồm một số lượng lớn vũ khí, nhiên liệu, lương thực và quần áo mùa đông, đến các doanh trại.
Quân đội Ấn Độ sử dụng máy bay vận tải C-17 vận chuyển vật tư, nhu yếu phẩm tới sân bay ở tuyến trước (Ảnh: Weibo Nanhaijulang).
Xung đột hai bên diễn ra liên tục
Kể từ khi xảy ra xung đột giữa quân đội hai bên tại thung lũng Galwan trên dãy Himalaya hồi tháng 6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng, tình hình biên giới ngày càng trở nên căng thẳng. Phía Trung Quốc tuyên bố rằng cũng có thương vong của PLA trong cuộc xung đột, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết.
Ngày 7/9, Trung Quốc và Ấn Độ lại đụng độ ở khu vực hồ Pangong, đây là lần đầu tiên thỏa thuận ngừng bắn Trung-Ấn nổ súng bị vi phạm sau 45 năm. Sau đó, hai bên đã lên án nhau vì ra tay trước. Tuyên bố của Trung Quốc lên án quân đội Ấn Độ đã vượt biên trái phép vào khu vực Shenpaoshan (Mukpari) trên bờ nam của Hồ Pangong, khu vực phía tây của biên giới Trung Quốc-Ấn Độ vào ngày 7 tháng 9 và bắn đe dọa các nhân viên tuần tra của lực lượng biên phòng Trung Quốc tới tham gia đàm phán. Ấn Độ ngay lập tức phản bác, nói quân đội Ấn Độ không vượt qua LAC (Tuyến kiểm soát thực tế) ở bất kỳ giai đoạn nào, cũng như không sử dụng bất kỳ thủ đoạn gây hấn nào, “bao gồm cả việc bắn chỉ thiên”.
Các cơ quan truyền thông Ấn Độ sau đó dẫn một nguồn tin từ quân đội Ấn Độ cho biết, quân đội Ấn Độ chỉ bắn cảnh cáo sau khi binh sĩ Trung Quốc nổ súng vào các trận địa của Ấn Độ. Cho đến nay, toàn bộ câu chuyện về vụ việc này vẫn chưa có hồi kết, chưa thể kết luận lỗi thuộc về bên nào.
Theo India Express ngày 16/9, trước khi đạt được thỏa thuận 5 điểm giữa các ngoại trưởng Trung Quốc và Ấn Độ vào ngày 10/9 tại Moscow, căng thẳng ở biên giới Trung-Ấn tiếp tục leo thang, dẫn đến việc quân đội hai bên nổ súng ở bờ phía bắc của Hồ Pangong; mức độ nghiêm trọng hơn nhiều so với vụ nổ súng cảnh báo nhau ở Chushul vào tối ngày 7/9.
Một sĩ quan cấp cao của Ấn Độ nắm được thông tin chi tiết cho biết, vụ việc xảy ra trong trận chiến giữa quân đội Trung Quốc và Ấn Độ để giành quyền kiểm soát bờ phía bắc của hồ Pangong. Theo sĩ quan này, vụ việc diễn ra trên sườn núi giữa Finger 3 và Finger 4 kéo dài về phía bắc; hai bên Trung Quốc và Ấn Độ đã bắn “từ 100 đến 200 phát chỉ thiên” theo cả hai hướng.
Lộ diện ảnh chụp tình trạng đối đầu giữa quân đội hai bên tại phía nam Hồ Pangong hôm 15/9: các điểm màu xanh là chốt quân Ấn Độ; điểm màu đỏ góc trên bên phải ảnh là chốt của PLA (Ảnh: Weibo Namhaijulang).
Bản tin nói cho đến nay, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều không chính thức đưa ra tuyên bố nào về vụ nổ súng mới này ở bờ bắc Hồ Pangong. Lần này, vụ nổ súng ở quy mô lớn hơn nhiều.
Tuy nhiên, quan chức Ấn Độ này nói tình hình dọc biên giới Trung-Ấn đã lắng dịu kể từ đó. “Hiện tại, do hai bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng đã có cuộc hội đàm, mọi chuyện đã hạ nhiệt. Tiêu điểm đã chuyển sang đối thoại”.
Ngày 10/9, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar đã tổ chức cuộc gặp song phương tại Moscow và thông báo đã đạt được “đồng thuận 5 điểm”, trong đó có thỏa thuận hai bên cần tuân theo thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được, trong đó có việc không để bất đồng giữa hai nước trở thành tranh chấp. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cho rằng tình hình khu vực biên giới hiện nay không có lợi cho cả hai bên. Lực lượng biên phòng hai nước cần tiếp tục đối thoại, nhanh chóng cách ly tiếp xúc, duy trì khoảng cách cần thiết, để làm dịu tình hình tại thực địa.