Bộ trưởng Quốc phòng Anh cảnh báo sau vụ 'bắn xịt' tên lửa Trident
Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps tối 21-2 cảnh báo vụ thử tên lửa Trident thất bại đã 'làm suy yếu' khả năng răn đe hạt nhân.
Theo tờ Daily Mail, trong một sự cố được coi là "tệ hơn cả xấu hổ", Trident - tên lửa trị giá 17 triệu bảng Anh (hơn 21 triệu USD) - rơi xuống biển ngay bên cạnh tàu ngầm đã phóng tên lửa này (tàu HMS Vanguard).
Mặc dù vậy, Bộ trưởng Shapps ngày 21-2 khẳng định khả năng răn đe hạt nhân của Anh vẫn "vững chắc, hiệu quả và đáng tin cậy".
Ông Shapps nhấn mạnh cuộc thử nghiệm bất thường này "không ảnh hưởng gì đến độ tin cậy của các hệ thống cũng như kho dự trữ tên lửa Trident. Cũng không có bất kỳ tác động nào đến khả năng khai hỏa vũ khí hạt nhân của chúng tôi".
Theo ông Shapps, chính phủ Anh vẫn giữ "niềm tin tuyệt đối" vào hệ thống vũ khí hạt nhân Trident mặc dù đây lần thử nghiệm thất bại thứ 2 liên tiếp của tên lửa Trident, sau sự cố bắn hỏng vào năm 2016.
Vụ phóng hỏng mới nhất được thực hiện ngày 30-1, từ tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân HMS Vanguard, ngoài khơi bờ biển Florida - Mỹ. Thông tin về sự cố được tờ The Sun đăng tải đầu tiên vào ngày 21-2.
Sau đó, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận đã xảy ra "sự bất thường" trong quá trình thử nghiệm.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Grant Shapps và Đô đốc Ben Key - Tư lệnh Hải quân Anh - có mặt trên tàu HMS Vanguard vào thời điểm thực hiện cuộc diễn tập về ngày tận thế.
Tên lửa Trident 2 nặng 58 tấn với đầu đạn giả đã được phóng lên không trung trong cuộc diễn tập. Báo The Sun tiết lộ tầng đẩy giai đoạn đầu của tên lửa không đánh lửa và tên lửa đã rơi xuống biển, gần tàu ngầm HMS Vanguard.
Theo nguồn tin của đài CNN, lỗi này xảy ra ở bộ dụng cụ thử nghiệm và vụ phóng có thể thành công nếu sử dụng đầu đạn hạt nhân thực sự.
Một người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Anh nói với báo chí ngày 21-2 rằng "sự bất thường này là một tình huống cụ thể và do đó không có liên quan gì đối với độ tin cậy của hệ thống tên lửa Trident".
"Tàu HMS Vanguard và thủy thủ đoàn đã được chứng minh là có đầy đủ khả năng vận hành Hệ thống răn đe liên tục trên biển của đất nước, vượt qua tất cả bài kiểm tra trong hoạt động vận hành thử gần đây cũng như một cuộc kiểm tra định kỳ để xác nhận tàu ngầm có thể trở lại hoạt động sau khi bảo trì sâu" - người phát ngôn nói thêm.
Bất chấp vụ thử thất bại, tập đoàn Lockheed Martin (Mỹ) khẳng định tên lửa Trident 2 vẫn là một trong những hệ thống vũ khí tiên tiến và đáng tin cậy nhất trên thế giới, đã được thử nghiệm thành công với con số kỷ lục 191 lần, kể từ năm 1989.
Dù cả Bộ Quốc phòng Anh lẫn nhà sản xuất tên lửa đã lên tiếng song vẫn chưa làm một số cựu chỉ huy quân đội Anh yên lòng. Một cựu chỉ huy Hải quân nói với tờ Daily Mail: "Bộ Quốc phòng khẳng định đây là vấn đề liên quan đến tên lửa. Tôi tin họ nhưng lời giải thích chưa rõ ràng".
Đại tá Richard Kemp, cựu chỉ huy lực lượng bộ binh Anh, nhận xét: "Khả năng răn đe hạt nhân của Anh là nền tảng tuyệt đối cho hệ thống phòng thủ. Một khi bị coi là thất bại một cách công khai, việc đó sẽ làm giảm giá trị của khả năng răn đe nói chung".