Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cảnh báo sự tồn vong của Ukraine đang gặp nguy hiểm
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cảnh báo sự sống còn của Ukraine đang bị đe dọa, đồng thời tiếp tục khẳng định cam kết của Mỹ với Kiev, dù về cơ bản Washington đã hết tiền để tiếp tục cung cấp trang bị vũ khí cho nước này trong cuộc xung đột với Nga.
Phát biểu được đưa ra khi ông Austin chủ trì cuộc họp hằng tháng của Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG) tại căn cứ không quân Ramstein ở Đức, cùng với khoảng 50 đồng minh đang hỗ trợ Ukraine.
“Hiện nay, sự sống còn của Ukraine đang gặp nguy hiểm và an ninh của Mỹ đang gặp nguy hiểm”, ông Austin nói trong cuộc gặp báo chí ngày 19/3.
“Hôm nay tôi rời khỏi đây với quyết tâm tiếp tục duy trì sự hỗ trợ an ninh và đạn dược của Mỹ. Và đó là vấn đề sống còn và chủ quyền đối với Ukraine, cũng là vấn đề danh dự và an ninh đối với Mỹ”, ông nói thêm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ không cho biết Washington sẽ hỗ trợ Ukraine như thế nào, trong bối cảnh gói viện trợ bổ sung mà Nhà Trắng đề xuất vẫn bị chặn ở Hạ viện.
Tình trạng thiếu tiền và vũ khí đang ảnh hưởng đến tình hình chiến trường Ukraine, khi lực lượng Nga đang đẩy mạnh tấn công, trong khi quân đội Ukraine vất vả xoay xở với nguồn lực hạn chế.
Cũng trong ngày 19/3, Tổng thống Ukraine Volodymir Zelensky kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm hệ thống phòng không, cho biết Nga đã phóng 130 tên lửa, hơn 320 máy bay không người lái tấn công và gần 900 quả bom dẫn đường trong tháng này.
Trong phát biểu bằng video hằng đêm, ông Zelensky cho biết phòng không vẫn là mối quan tâm chính của Ukraine và cảm ơn những người tham gia cuộc họp đã hỗ trợ Kiev thực hiện ưu tiên này.
Sau khi dự họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov viết trên Telegram rằng những người tham gia "đã thể hiện sự đoàn kết và quyết tâm giúp đỡ Ukraine. Lực lượng của chúng tôi đang rất cần đạn dược. Đạn sẽ được chuyển giao!".
Tuần trước, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden cho biết sẽ gửi 300 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, nhưng đây chỉ là gói bất thường, có được từ việc tiết kiệm chi phí thực hiện các hợp đồng của Lầu Năm Góc.
Các chuyên gia cho rằng ông Austin sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi ở châu Âu.
Rachel Rizzo, thành viên cấp cao tại Trung tâm châu Âu của Hội đồng Đại Tây Dương ở Washington, đánh giá: “Việc các nhà lãnh đạo Mỹ tới châu Âu ngày càng trở nên khó khăn hơn để truyền tải thông điệp rằng Mỹ cam kết với Ukraine về lâu dài”.
“Thông điệp về cam kết tài chính, quân sự, kinh tế lâu dài này đi ngược lại với thực tế những gì đang diễn ra trên Đồi Capitol”, ông nói.
Tại cuộc họp báo chung ở Berlin cuối tuần trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với Ukraine.