Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm 5-5 chỉ trích Trung Quốc có hành vi hung hăng ở biển Đông, đồng thời tăng cường chiến dịch tuyên truyền sai lệch nhằm chuyển hướng chỉ trích về đại dịch Covid-19 và đánh bóng hình ảnh.
Tại cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, ông Esper cho rằng sự hung hăng nói trên thể hiện rõ qua nhiều hành động, từ đe dọa tàu hải quân Philippines, tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam cho đến cản trở các nước khác phát triển dầu khí ngoài khơi.
Vào tuần rồi, 2 tàu hải quân Mỹ tiến hành hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở biển Đông. Theo ông Esper, động thái này nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc rằng Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải và thương mại cho tất cả quốc gia. Cũng theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Washington đã khiến mọi thứ trở nên khó lường hơn với Bắc Kinh, như thay đổi sự hiện diện của máy bay ném bom trên đảo Guam, triển khai nhiều chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải...
Ông Esper cũng cho rằng Trung Quốc đã không minh bạch ngay từ đầu về đại dịch Covid-19 và Bắc Kinh cần cho phép Washington tiếp xúc với những bệnh nhân đầu tiên cũng như các nhà nghiên cứu, nhà khoa học nước này. Bộ trưởng Mỹ cũng chỉ trích Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng đại dịch để quảng bá hình ảnh rằng họ là "người tốt". "Những gì chúng ta biết là họ đang cung cấp khẩu trang, vật tư y tế, dù một số chất lượng không tốt, không đạt tiêu chuẩn… Trong nhiều trường hợp còn có không ít điều kiện đi kèm" - ông Esper nhận định.
Tờ Los Angeles Times hôm 5-5 nhận định Trung Quốc đang sử dụng "ngoại giao khẩu trang" để chuyển hướng sự chú ý của thế giới khỏi những hành động sai trái của mình, trong đó có những gì đã làm ở biển Đông. Trong khi đó, ông SD Pradhan, cựu Phó Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ, hôm 6-5 nhận định những diễn biến hiện nay ở biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế đối với đại dịch Covid-19 để phục vụ mưu đồ độc chiếm khu vực này.
Viết trên trang The Times of India, ông Pradhan cho rằng điều cần làm lúc này là kiềm chế Trung Quốc ở biển Đông. Chẳng hạn như các nước Đông Nam Á có liên quan đến biển Đông có thể tiến hành tuần tra chung để gửi thông điệp mạnh mẽ đến Bắc Kinh. Cùng lúc đó, các nước như Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ cần cung cấp hỗ trợ cho những quốc gia này và sẵn sàng tham gia các cuộc tuần tra chung bất kỳ khi nào được yêu cầu.