Bộ trưởng Quốc phòng Nga: Bộ ba hạt nhân đã sẵn sàng
Ba lực lượng răn đe hạt nhân trên đất liền, trên không và tàu ngầm đã bắt đầu bước vào chế độ chờ, sẵn sàng vận hành với nhân lực được tăng cường, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu báo cáo Tổng thống Vladimir Putin, Sputnik đưa tin ngày 28/2.
Hôm 27/2, Tổng thống Putin ra lệnh đặt các lực lượng răn đe hạt nhân của Nga vào tình trạng báo động cao sau khi NATO có “tuyên bố gây hấn” liên quan hoạt động quân sự của Nga ở Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cảnh báo rằng, nếu Nga không “dừng lại ở Ukraine”, cuộc khủng hoảng giữa hai nước có thể leo thang thành xung đột với NATO.
Chế độ tác chiến đặc biệt
Tổng thống Putin đã yêu cầu Bộ trưởng Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov đưa lực lượng răn đe chiến lược vào “chế độ tác chiến đặc biệt”. Sau đó, Bộ trưởng Shoigu thông báo tình hình với Tổng thống Putin.
“Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Đại tướng lục quân Sergei Shoigu đã báo cáo với Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Vladimir Putin rằng, theo lệnh của ông, các sở chỉ huy Binh chủng Tên lửa chiến lược, Hạm đội Phương Bắc và Thái Bình Dương và Bộ tư lệnh hàng không tầm xa đã bắt đầu thực hiện nhiệm vụ chiến đấu với các nhân viên được tăng cường”, Bộ Quốc phòng Nga nói với các phóng viên hôm 28/2.
Lệnh của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi “các quan chức hàng đầu của các quốc gia hàng đầu NATO đã đưa ra những tuyên bố gây hấn về đất nước chúng ta”, bên cạnh các lệnh trừng phạt mà Washington và các đồng minh của họ áp dụng với Mátxcơva.
Tổng thống Putin không nói rõ “các quan chức hàng đầu” này là ai hoặc ông đang đề cập đến những nhận xét “gây hấn” cụ thể nào, nhưng chỉ vài giờ trước khi đưa ra bình luận của mình, Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Sky News rằng, trừ khi hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine để phi quân sự hóa nước này dừng lại, cuộc khủng hoảng có thể “kết thúc bằng một cuộc xung đột với NATO”.
Nhà Trắng muốn giảm bớt những lời “đao to búa lớn” của ông Putin
Những ngày gần đây, căng thẳng giữa Nga và phương Tây tăng lên mức chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh Lạnh, sau khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24/2. Mỹ và các đồng minh đối phó cuộc khủng hoảng bằng cách tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, trừng phạt nặng nề các quan chức chính phủ, ngân hàng và doanh nhân Nga, đồng thời tăng hiện diện quân sự của NATO gần biên giới Nga. Tuy nhiên, liên minh này đã loại trừ khả năng can dự quân sự trực tiếp vào Ukraine.
Nhà Trắng ngày 28/2 cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden muốn giảm bớt những lời “đao to búa lớn” của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông Putin đã ra lệnh cho các lực lượng răn đe của Nga, bao gồm vũ khí hạt nhân, được đặt trong tình trạng báo động cao.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với MSNBC: “Chúng tôi đã thấy mô hình này từ Tổng thống Putin trong vài tháng qua và thậm chí trước đó, khi ông đưa ra lời đe dọa để biện minh cho một hành động gây hấn lớn hơn”. Bà nói thêm: “Người Nga, trong đó có Tổng thống Putin, đã cam kết thực hiện các bước để giảm bớt mối đe dọa hạt nhân”.
Bà Psaki cho biết, Mỹ có “sự chuẩn bị của riêng mình” và có “khả năng và năng lực riêng để bảo vệ Mỹ”, nhưng không thay đổi mức độ cảnh báo. “Chúng tôi đã không thay đổi các cảnh báo của riêng mình và chúng tôi không thay đổi đánh giá của chính mình trong lĩnh vực đó. Nhưng chúng tôi cũng cần phải nhìn nhận rất rõ ràng về việc sử dụng các mối đe dọa của chính ông ấy”, bà nói.
Chính quyền Mỹ đang làm nhẹ vấn đề không sử dụng quân đội Mỹ để lập vùng cấm bay ở Ukraine. Theo họ, lập vùng cấm bay là “ý tưởng không hay” và “không phải điều mà Tổng thống muốn làm”.
Bà Psaki nói: “Việc quân đội Mỹ thực hiện vùng cấm bay về cơ bản có nghĩa là binh sĩ Mỹ sẽ bắn hạ máy bay, máy bay Nga”.