Bộ trưởng Quốc phòng thời Biden sẽ 'rắn' với Trung Quốc?
Bộ trưởng Quốc phòng thời ông Biden (nếu ông chính thức đắc cử vào giữa tháng 12) nhiều khả năng sẽ là nữ Thứ trưởng Quốc phòng Michele Flournoy dưới thời Tổng thống Barack Obama người có chủ trương rắn với Trung Quốc.
Bà Michele Flournoy – Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ dưới thời chính phủ Tổng thống Barack Obama – nhiều khả năng sẽ trở thành Bộ trưởng Quốc phòng trong nội các chính phủ sắp tới của ứng viên tổng thống Joe Biden, theo báo South China Morning Post (SCMP).
Ông Biden được truyền thông Mỹ xác định là người chiến thắng trước đương kim Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3-11, dựa vào thống kê kết quả kiểm phiếu.
Đánh chìm toàn bộ tàu Trung Quốc trong 72 tiếng?
SCMP ngày 14-11 có bài viết về khả năng bà Flournoy một khi trở thành bộ trưởng quốc phòng mới của Mỹ có thể sẽ quyết liệt hơn trong chủ trương quốc phòng với Trung Quốc – vốn đã rất cứng rắn hiện nay.
Trong một bài viết trên tạp chí Foreign Affairs hồi tháng 6, bà Flournoy nhận xét năng lực và quyết tâm của Mỹ trong đối phó tính quyết liệt của quân đội Trung Quốc trong khu vực đều đã giảm. Mỹ cần một nền tảng ngăn chặn vững mạnh để hạn chế rủi ro từ sự “tính toán sai” của lãnh đạo Trung Quốc, theo bà Flournoy.
“Để tái lập sức mạnh phòng thủ đáng tin với Trung Quốc, Mỹ phải có khả năng ngăn chặn mọi hành động xâm phạm quân sự của Bắc Kinh, có thể bằng cách kiềm chế năng lực đạt được mục tiêu của quân đội Trung Quốc hoặc đưa ra các cái giá đắt để các lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng xác định được hành động đó không phục vụ mục đích của quốc gia họ” – theo bà Flournoy.
“Chẳng hạn, nếu quân đội Mỹ có năng lực đe dọa một cách đáng tin về khả năng đánh chìm toàn bộ tàu chiến, tàu ngầm của quân đội Trung Quốc, tàu thương mại của nước này trên Biển Đông trong vòng 72 tiếng, các lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ nghĩ lại trước khi thực hiện phong tỏa hay đưa quân sang Đài Loan, họ sẽ phải tự hỏi liệu có đáng đặt toàn bộ hạm đội tàu của mình vào rủi ro” – bà Flournoy viết.
Nhiều nhà quan sát quốc phòng và ngoại giao cho rằng để hiện thực hóa ý tưởng của bà Flournoy sẽ phải tốn khoản chi phí khổng lồ, nhưng chỉ việc nghĩ nêu nó ra cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ sẽ duy trì tăng áp lực lên Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Collin Koh tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam thuộc đại học công nghệ Nanyang (Singapore) cho rằng cứng rắn với Trung Quốc là chủ trương của chính phủ Mỹ sắp tới, bất kể ai là tổng thống.
“Không cần biết ai ở Nhà Trắng, việc duy trì khả năng ngăn chặn đáng tin và nếu cần thiết thì chống lại động thái (của quân đội Trung Quốc) với Đài Loan phù hợp với Luật quan hệ Đài Loan, được xem là điều đã định sẵn” – theo nhà nghiên cứu Koh.
Đưa công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào quân đội
Trong bài viết, bà Flournoy cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới, đặc biệt về tăng đưa trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống tự hành, cũng như việc phòng thủ mạng và phòng thủ tên lửa, các mạng lưới viễn thông và chỉ huy.
Bà Flournoy cho rằng Mỹ đã đầu tư quá mức vào “các hệ thống mang tính kế thừa mà các hệ thống vũ khí” trong khi lại đầu tư chưa đúng mức vào các công nghệ mới nổi vốn được xem giúp xác định ai có được lợi thế trong tương lai.
Theo bà, quân đội Mỹ nên phụ thuộc hơn nữa vào các lực lượng quy mô nhỏ hơn và nhanh nhẹn hơn trong hoạt động như các loại xe tự hành dưới nước, các đơn vị vũ khí có tính di động cao có thể gây phức tạp cho kế hoạch hành động của Trung Quốc.
Tuy nhiên nhiều nhà quan sát cho rằng đại dịch COVID-19 đang phủ bóng lên ngân sách quốc phòng tương lai của Mỹ. Bên cạnh đó cũng chưa chắc chắn về việc tiền có thể chuyển đổi hướng đầu tư như bà Flournoy nói hay không.
Ông Wu Xinbo – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại đại học Phúc Đán (Trung Quốc) cho rằng thậm chí Mỹ có chuyển đổi và tăng sức mạnh ngăn chặn thì kế hoạch quân sự của Trung Quốc với Đài Loan cũng sẽ không thay đổi.
“Đe dọa kiểu này khó có hiệu quả, vì quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng và luôn luôn tính tới khả năng can thiệp của Mỹ khi lên kế hoạch cho các chiến dịch quân sự về Đài Loan” – ôn Wu nói.
Nên tranh thủ đồng minh, đối tác trong khu vực
Bà Flournoy cũng nhấn mạnh các lợi thế chỉ có Mỹ có trước Trung Quốc – một mạng lưới đồng minh và đối tác rộng lớn, và gợi ý Mỹ nên vươn tay đến các nước trong khu vực để cùng đối phó các “biện pháp cưỡng ép” của Trung Quốc.
Bà Flournoy đề xuất rằng Mỹ nên tập trận quân sự thường xuyên hơn với các đồng minh và đối tác. Mỹ cũng nên đưa thêm quan chức cấp cao và triển khai thêm quân đến khu vực. Bên cạnh quân cự Mỹ cũng nên có các biện pháp hợp tác về kinh tế, công nghệ và chính trị với khu vực.
Ông Su Hao – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Hòa bình tại đại học Các vấn đề đối ngoại Trung Quốc nói so với chủ nghĩa đơn phương của ông Trump thì chính phủ của ông Biden sẽ ưu tiên chọn cách tiếp cận đa phương và tập thể để kiềm chế Trung Quốc.
Theo ông Su Hao, chủ trương của ông Biden có thể sẽ bao gồm tăng cường quan hệ quân sự thông qua liên minh Mỹ-Nhật-Hàn, qua nhóm Bộ tứ Mỹ-Nhật-Úc-Ấn, và qua quan hệ đối tác với các nước Đông Nam Á có tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc.
Tuy nhiên theo ông Su, dù chính phủ của ông Biden có tăng cường quan hệ liên minh thì một “NATO ở châu Á” chống Trung Quốc khó có khả năng thành hiện thực, vì các nước châu Á sẽ tránh đối đầu hay có thái độ thù địch với nền kinh tế lớn nhất khu vực.