Bộ trưởng ra 'tối hậu thư' về tiến độ dự án thu phí tự động không dừng
Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án thu phí tự động không dừng. Qua đánh giá tình hình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng cho thấy còn nhiều vướng mắc, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu cần thực hiện quyết liệt để đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay trên toàn quốc có 93 trạm thu phí trên các tuyến quốc lộ và cao tốc (82 trạm trên các tuyến quốc lộ và 11 hệ thống thu phí kín trên các cao tốc), trong đó: Bộ GTVT quản lý 74 trạm (65 trạm trên các tuyến quốc lộ và 9 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc). UBND các tỉnh quản lý 19 trạm (17 trạm trên các tuyến quốc lộ và 02 hệ thống thu phí kín trên các tuyến cao tốc).
Tại Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2019, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối với các trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, chậm nhất đến ngày 31/12/2018 nhà đầu tư phải bàn giao toàn bộ trạm dịch vụ sử dụng đường bộ đang vận hành cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện việc thu phí theo hình thức điện tử tự động không dừng. Đối với các trạm còn lại trên toàn quốc, chậm nhất đến ngày 31/12/2019 phải bàn giao toàn bộ việc quản lý, vận hành trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các nhà cung cấp dịch vụ thu phí để thực hiện thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng.
Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT do Bộ GTVT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền được chia làm hai dự án tiến độ cụ thể: Dự án giai đoạn 1 với tổng số trạm thuộc phạm vi là 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên QL1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án. Đối với các trạm trên quốc lộ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã lắp đặt và vận hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (chỉ còn trạm tránh TP. Thanh Hóa đang dừng thu do thay đổi vị trí trạm). Đối với 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án thì đã vận hành thương mại được 4 trạm (Mỹ Lộc, Tân Đệ, An Sương - An Lạc và QL10 qua Quán Toan - Cầu Nghìn).
Phát biểu chỉ đạo công tác kiểm điểm tình hình thực hiện thu phí không dừng mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, tình hình thực hiện dự án thu phí tự động không dừng còn nhiều vướng mắc, nhất là đối với giai đoạn 1. Nếu không thực hiện quyết liệt sẽ khó đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. “Đơn vị nào gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện cần liên lạc trực tiếp với lãnh đạo Bộ GTVT, không chờ báo cáo bằng văn bản sẽ mất nhiều thời gian”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Đối với việc ký hợp đồng, Bộ trưởng yêu cầu mời các nhà đầu tư BOT về Bộ GTVT để ký kết, cần thiết có thể mời Văn phòng Chính phủ và cơ quan pháp luật cùng dự. Đây là chủ trương của Quốc hội, Chính phủ nên không thể chần chừ, phải ra ngay “tối hậu thư”, nếu nhà đầu tư nào chậm ký phụ lục hợp đồng sẽ dừng thu phí.
Dự án giai đoạn 2 với tổng số trạm thuộc phạm vi dự án là 33 trạm, bao gồm 10 trạm trên QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (các trạm này đã triển khai tự động không dừng theo công nghệ cũ trước đây là “OBU”, hiện nay đang điều chỉnh công nghệ cho phù hợp) và 23 trạm trên tuyến cao tốc và các quốc lộ khác.
Dự án giai đoạn 2 đã hoàn thành công tác đấu thầu, có 4 nhà đầu tư đã qua sơ tuyển và kết quả lựa chọn được Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Công ty Cổ phần Viettinf và một số doanh nghiệp công nghệ khác là nhà đầu tư thực hiện dự án từ tháng 5/2019. Hiện nay, nhà đầu tư đang triển khai thiết kế kỹ thuật và chuẩn bị tổ chức lắp đặt ngoài hiện trường. Dự án sẽ lắp đặt và vận hành các trạm trong năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ