Bộ trưởng Tài chính giải thích lý do tồn ngân quỹ hơn 1 triệu tỷ đồng nhưng không thể dùng để cứu doanh nghiệp
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói rằng, do tắc nghẽn giải ngân đầu tư công nên đang phải gửi ngân quỹ hơn 1 triệu tỷ đồng. Đây là nguồn vốn đã được phê duyệt mục đích sử dụng nên không thể dùng cho việc khác.
Tiếp chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tại phiên thảo luận hội trường sáng 1/6 về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc được mời phát biểu giải trình về một số vấn đề do Bộ Tài chính quản lý được các đại biểu Quốc hội thảo luận trước đó.
Đối với ý kiến vì sao tồn dư ngân quỹ Nhà nước đang gửi ngân hàng hơn 1 triệu tỷ đồng mà không chi dùng cho việc khác, trong đó có đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính thông tin, hiện số tiền tồn dư ngân quỹ có 1,043 triệu tỷ đồng.
Số tiền này Bộ Tài chính đang gửi Ngân hàng Nhà nước 895.000 tỷ đồng với lãi suất 0,8%/năm; gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại là 130 tỷ đồng.
"Số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn này là nguồn nhàn rỗi tạm thời đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn như bố trí vào dự án đầu tư công, dự án chương trình mục tiêu quốc gia... Tồn đọng vì chúng ta chưa giải ngân hết chứ không phải có thể phân bổ vào việc khác", Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Trước đó, một số đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn vì doanh nghiệp đang thiếu vốn mà ngân sách có hơn 1 triệu tỷ đồng chưa tiêu được. Tại phiên thảo luận hội trường ngày 31/5, đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đề xuất có thể dùng nguồn tiền tồn ngân quỹ hơn 1 triệu tỷ đồng để linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.
Về vấn đề nói trên, tại kỳ họp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội hôm 25/5. Bộ trưởng cho biết, do nghẽn giải ngân vốn đầu tư công nên Bộ Tài chính phải gửi tiền ngân quỹ tại Ngân hàng Nhà nước, với lãi suất 0,8%/năm.
Nhìn nhận đây là một hạn chế, Bộ trưởng nói nguyên nhân là do chưa chuẩn bị dự án. Cụ thể, theo quy định Luật Đầu tư công, chỉ khi có tiền mới lập dự án, tức là vốn phải chờ công trình. Thêm nữa là vướng mắc trong khâu chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án mới giải phóng mặt bằng, làm cho khâu này quá dài... khiến khoản tiền chuẩn bị cho giải ngân, quyết toán này trở thành "cục máu đông".
Từ đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phải sửa luật, trong đó có Luật Đầu tư công, nếu cần có thể tiếp tục sử dụng phương pháp dùng một luật sửa nhiều luật như đã từng làm.
Giải trình, làm rõ về việc lập dự toán không sát dẫn đến số vượt thu cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thời điểm lập dự toán 2022 là vào tháng 9/2021, đó là giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, thời điểm đó tăng trưởng âm, thu ngân sách âm so với cùng kỳ. Dự toán ngân sách phù hợp với bối cảnh thời điểm đó.
Tuy nhiên đến năm 2022, nước ta đã chống dịch thành công, tăng trưởng đạt 8,02% cả năm, từ đó vượt thu ngân sách. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng làm rõ, dầu thô vượt thu so với dự toán là do tăng giá dầu và tăng sản lượng. Bên cạnh đó, tăng cường kê khai và tăng thu từ chuyển nhượng bất động sản; thu nội địa cũng tăng…
Liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính cho biết, sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2022/NĐ-CP về miễn giảm thuế, theo đó đã có nhiều có nhiều chính sách như giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giảm thuế bảo vệ môi trường 50%, v.v.
Năm 2023 Chính phủ dự kiến tiếp tục giảm 195.000 tỷ đồng trong đó miễn giảm thuế phí 72.000 tỷ đồng, gia hạn 121.200 tỷ đồng...
Về quản lý hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng nhận định, vừa qua có những tồn tại tại khâu liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm, các hợp đồng dài, chưa rõ ràng, người mua thường thua thiệt khi xảy ra khiếu kiện.
Trước tình hình này, Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đã kiểm tra và xử lý nghiêm những ngân hàng và những công ty bảo hiểm vi phạm; đồng thời liên tục hội ý với nhau để thực hiện nhiệm vụ này.
"Bộ Tài chính cũng đang tham mưu xây dựng nghị định và xây dựng thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, tập trung vào nguyên tắc cung cấp các sản phẩm bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn hơn, trọng tâm hơn, làm rõ quyền lợi, thời hạn và nghĩa vụ của các bên; quy định gói định mức tối đa chi thưởng, quy định các vấn đề về chi đại lý, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm", ông Phớc nói.
Ngoài ra, lãnh đạo ngành Tài chính cũng giải đáp một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm như vấn đề kinh phí cho chương trình tiêm chủng, vấn đề quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia...
Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương và các bộ, ngành, chẳng hạn như vốn chương trình mục tiêu, chi thường xuyên để sửa chữa, nâng cấp các công trình công và các máy móc thiết bị, hay đánh giá tác động môi trường. Tập trung giải quyết những vướng mắc về mặt pháp lý, đặc biệt là đất đai và các công trình điện, giải quyết thị trường và cung ứng vốn, hướng đến hoàn thiện dần các quy định và hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp...
Bộ trưởng cũng cho biết đã tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội và sẽ nghiên cứu tiếp thu tối đa.