Bộ trưởng Tài chính giải trình vì sao 1 triệu tỷ đồng tồn ngân quỹ 'không dùng việc khác'

Bộ trưởng Tài chính cho biết, số tiền tồn dư ngân sách hiện là 1.043.000 tỷ đồng, trong đó gửi Ngân hàng Nhà nước 895 nghìn tỷ đồng, lãi suất 0,8%/ năm, số còn lại gửi tại ngân hàng thương mại, gửi ngắn hạn.

1 triệu tỷ đồng đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể

Mở đầu phát biểu giải trình tại phiên thảo luận sáng 1/6, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh rằng, dù bất cứ lý do gì thì cũng phải khẳng định, việc điều hành kinh tế xã hội của năm 2022 “thành công rực rỡ”.

Giải trình về vấn đề tồn dư ngân sách, tại sao không dùng vào việc khác, ông Phớc cho biết: Thực tế, hiện tồn dư ngân sách là 1.043.000 tỷ đồng, trong đó gửi Ngân hàng Nhà nước 895 nghìn tỷ đồng, lãi suất 0,8%/ năm, số còn lại gửi tại ngân hàng thương mại, gửi ngắn hạn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Tài chính, số tiền này đã gắn với các nhiệm vụ chi cụ thể, nên chưa sử dụng hết, chưa phân bổ hết, chứ không phải nguồn ở ngoài để dự kiến phân bổ vào việc khác.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh QH

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh QH

Phát biểu ý kiến trước đó liên quan đến ngân quỹ quốc gia đang tồn hơn 1 triệu tỷ đồng (tính đến tháng 5/2023), thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 31/5, đại biểu Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Ban đổi mới quản lý doanh nghiệp TPHCM - cho rằng, con số này cho thấy vốn dư thừa rất lớn mà không thể tiêu được.

Theo ông, nguồn này có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc làm, hay xây dựng ngay những khu nhà ở cho thuê, nhà trọ cho những người lao động ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề cho người lao động.

“Tôi nghĩ rằng nguồn lực này có thể giải quyết. Chúng ta có những giải pháp ngay về những vấn đề này thì sẽ kích hoạt nền kinh tế và đưa vốn chưa sử dụng, lượng tiền chưa sử dụng vào nền kinh tế, thay vì thực hiện những giải pháp hiện nay. Bổ sung những giải pháp này có thể kích cầu ngay cho nền kinh tế”, ông Trần Anh Tuấn nói.

"Chúng tôi liên tục có hội ý, phối hợp với nhau"

Về hoạt động quản lý kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, Bộ trưởng Tài chính thừa nhận vừa qua có vấn đề tồn tại, như kênh liên kết giữa ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm. Tức là ngân hàng thương mại ký hợp đồng với công ty bảo hiểm để bán bảo hiểm, thông qua ngân hàng giới thiệu, để hưởng hoa hồng.

Theo ông, các hợp đồng thường dài, chưa rõ ràng, người mua đọc không kỹ, cho nên bị thua thiệt khi khiếu kiện. Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước kiểm tra, xử lý nghiêm những ngân hàng và công ty bảo hiểm vi phạm.

“Chúng tôi liên tục có hội ý, phối hợp với nhau để thực hiện nhiệm vụ này”, ông Phớc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang xây dựng nghị định, thông tư để thực hiện pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó tập trung vào các hợp đồng bảo hiểm rõ ràng hơn, ngắn gọn hơn, làm rõ quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, quy định mức tối đa chi thưởng cũng như công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm…

“Chúng tôi đang tập trung vào việc quản lý, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ”, ông Phớc khẳng định.

Tại phiên thảo luận hôm qua, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đã đưa 3 kiến nghị:

Thứ nhất, Bộ Tài chính thanh tra toàn diện hoạt động bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Công an từ các đơn tố cáo, phản ánh vừa qua xác minh làm rõ có hay không có dấu hiệu lừa đảo, lừa dối khách hàng, nếu có đề nghị khởi tố điều tra.

Thứ ba, kiến nghị các công ty bảo hiểm đã đến lúc rà soát lại toàn bộ các khâu của hợp đồng bảo hiểm, từ thiết kế hợp đồng, tư vấn, ký kết và giải quyết khiếu nại.

"Chỉ khi minh bạch và thành tâm, người dân mới không quay lưng với bảo hiểm nhân thọ", bà Thủy cho hay.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bo-truong-tai-chinh-giai-trinh-vi-sao-1-trieu-ty-dong-ton-ngan-quy-khong-dung-viec-khac-post1539193.tpo