Bộ trưởng Tài chính: 'Gian lận hoàn thuế VAT, ai làm người đó chịu trách nhiệm'
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật lần này bổ sung trách nhiệm người nộp thuế, cơ quan thuế, cán bộ thuế và quy định rõ ràng, rạch ròi theo nguyên tắc ai làm người đó chịu, không thể DN làm sai lại bắt công chức thuế phải chịu và ngược lại.
Thảo luận ở tổ về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (thuế VAT - sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc giảm thuế giá trị gia tăng chiều 27/6, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho rằng, Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) quan trọng để hoàn thiện chính sách thuế, bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ hội sở hữu và đổi mới các nội dung theo hướng gia tăng các quy định, thực hiện nhằm ổn định các văn bản dưới luật.
Tán thành với một số nội dung sửa đổi Luật, đại biểu Nghĩa cho rằng, việc điều chỉnh, sửa đổi mức doanh thu bán hàng dịch vụ không chịu thuế VAT của hộ cá nhân kinh doanh, từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm năm là phù hợp. Cùng với đó, dự kiến sửa đổi quy định không cần chứng từ thanh toán (không dùng tiền mặt) đối với hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.
Tuy nhiên, đại biểu góp ý với Điều 15 dự thảo Luật về trách nhiệm của cơ quan thuế trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT. Bởi quá trình này hiện vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do Luật quản lý thuế chỉ mới quy định người nộp thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế, chưa quy định cụ thể về trách nhiệm của công chức thuế khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế VAT cho người nộp thuế.
“Vừa qua xảy ra một số vụ án hình sự về hoàn thuế VAT có liên quan đến công chức thuế, khi DN cố tình thành lập DN cả trong và ngoài nước nhằm hợp thức hồ sơ đề nghị hoàn thuế. Trong khi đó, thời gian hoàn thuế kiểm tra chỉ sau 6 ngày, nên cơ quan thuế không đủ thời gian để điều tra xác minh hành vi vi phạm của các DN. Vì vậy, đề nghị dự thảo Luật quy định rõ: Cơ quan thuế sẽ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đề nghị hoàn thuế VAT; người nộp thuế chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực đầy đủ hồ sơ hoàn thuế VAT”, đại biểu Nghĩa đề xuất.
Thất thu lớn từ hàng hóa miễn thuế khu biên mậu
Quan tâm đến danh mục các loại hàng hóa là quà biếu, quà tặng cũng như tài sản nằm trong khu biên mậu có định mức miễn thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng chịu thuế VAT, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Cần Thơ) nêu thực tế, những hàng hóa loại này qua chuyển phát nhanh và có giá trị dưới 1 triệu đồng cũng nằm ngoài đối tượng chịu thuế VAT. Nghịch lý là hiện nay các giao dịch nhỏ lẻ giá trị dưới 1 triệu đồng nằm trong diện được miễn thuế xuất - nhập khẩu cùng với miễn thuế VAT qua các sàn giao dịch điện tử lại có số lượng vô cùng lớn, nên Chính phủ nên có quy định để chúng ta có thể có nguồn thu nhất định từ phần này.
“Mặc dù giá trị từng đơn hàng là nhỏ, nhưng số lượng giao dịch lại vô cùng lớn, đặc biệt là những hàng hóa nhập khẩu qua biên giới Việt - Trung hay một số nước xung quanh như Thái Lan,…những sàn giao dịch như vậy mua bán với số lượng hàng hóa rất lớn nên cần cân nhắc tính toán để có thêm nguồn thu bền vững từ những giao dịch loại này”, đại biểu Hùng lưu ý.
Đại biểu Hùng cũng đề cập đến việc bổ sung đưa phân bón vào hàng hóa chịu thuế VAT, để người làm nông nghiệp giảm được chi phí đầu vào từ giảm giá phân bón đầu vào. Trên thực tế, tổng thể người dân lại không được lợi do nước ta đã có nhiều nhà máy sản xuất phân bón, cơ bản tự chủ được các nguồn cung và chỉ phải nhập khẩu gần như 100% phân Kali.
Trong trường hợp để DN phân bón trong nước chịu thuế VAT, khi đó đầu vào nhập khẩu vẫn chịu thuế VAT sẽ khiển giá thành sản phẩm cao hơn, bản thân DN sẽ rất khó có thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu. Nếu không được khấu trừ VAT đầu vào, DN sẽ thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ/năm - đây là con số quá lớn.
“Hiện nay có hai luồng ý kiến, 1 là ủng hộ đưa thuế VAT vào phân bón và luồng 2 là băn khoăn vì nếu đưa vào giá phân bón sẽ tăng lên. Nhưng phương án đưa thuế VAT vào phân bón sẽ mang lại hiệu quả cho DN, vì DN sẽ có nguồn thu liên quan đến khấu trừ, từ đó gia tăng cạnh tranh với các DN nước ngoài. Đặc biệt, khi DN phân bón trong nước mạnh lên, họ sẽ tìm mọi cách để giảm giá thành đầu ra, giúp người mua được hưởng lợi”, đại biểu Hùng nêu ý kiến.
Bổ sung trách nhiệm người nộp thuế, cơ quan thuế và cán bộ thuế
Tại thảo luận, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc áp thuế VAT với phân bón, các đại biểu Quốc hội cần nghiên cứu và thống nhất việc quyết định, đảm bảo lợi ích đất nước và nông nghiệp phát triển bền vững.
Đối với quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ, Bộ trưởng cho biết, đến nay một số quốc gia đã bãi bỏ quy định này. Đơn cử như ở EU bỏ quy định miễn thuế với lô hàng dưới 22 EURO, Anh bỏ quy định miễn thuế VAT nhập khẩu có giá trị từ 135 bảng Anh trở xuống từ tháng 1/2021, còn Thái Lan thu thuế VAT 7% với tất cả hàng nhập khẩu, không phân biệt giá trị.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng giải thích, dự thảo Luật lần này bổ sung trách nhiệm người nộp thuế, cơ quan thuế, cán bộ thuế và quy định rõ ràng, rạch ròi theo nguyên tắc ai làm người đó chịu, bởi không thể DN làm sai lại bắt công chức thuế phải chịu và ngược lại.
“Dựa trên hồ sơ hoàn thuế, DN đưa hóa đơn giả vào nên cơ quan thuế không thể kiểm tra hay lần tới nguồn gốc từng hóa đơn, trong khi cơ quan thuế bị khống chế về thời gian kiểm tra hồ sơ, hoàn thuế và hậu kiểm nên cuối cùng cán bộ thuế phải chịu hết trách nhiệm. Cần phải quy định rõ chức năng, pham vi công tác, giới hạn trách nhiệm về việc này mới làm chặt chẽ được”, Bộ trưởng chỉ ra.
Cũng theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trước tình trạng gian lận hóa đơn để hoàn thuế, cơ quan công an đã khởi tố nhiều vụ, Bộ Tài chính muốn rạch ròi ra để những người làm gian dối phải chịu trách nhiệm theo hướng: Nếu cơ quan thuế kiểm tra hồ sơ không đúng, người kiểm tra phải chịu trách nhiệm và người tạo ra tài liệu giả cũng phải chịu trách nhiệm, điều này tránh mập mờ, người nọ đổ lỗi cho người kia.