Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ ủng hộ khoản viện trợ khí hậu JETP 15 tỷ USD cho Việt Nam

Bà Janet Yellen có chuyến công du đến Hà Nội trong hai ngày bằng việc thúc đẩy phụ nữ tham gia vào nền kinh tế.

Phát biểu tại Hội nghị nữ lãnh đạo khối kinh tế - Triển vọng kinh tế và tài chính khí hậu diễn ra chiều ngày 21/7, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết, các đối tác quốc tế tham gia Tuyên bố chính trị thiết lập Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng với các đối tác quốc tế (JETP) với Việt Nam bao gồm: Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch đang huy động 15,5 tỷ USD quỹ khí hậu cho Việt Nam cho quá trình cam kết chuyển đổi năng lượng.

"Chúng tôi được khuyến khích bởi những khoản đầu tư ngày càng tăng mà các công ty đang thực hiện tại Việt Nam, từ những khoản đầu tư trong hệ sinh thái chất bán dẫn đến chuỗi cung ứng năng lượng sạch, đang tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp Việt Nam", bà Yellen nói.

Theo Bộ trưởng, Hoa Kỳ đang huy động nguồn lực từ ngân hàng phát triển đa phương, tập trung vào biến đổi khí hậu để ứng phó với những cuộc xung đột vũ trang trên thế giới và xóa đói giảm nghèo.

Nguồn lực cần rất nhiều, nhưng cần vẫn phải có hướng đi hay lộ trình mới có thể thực hiện thành công công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Nguồn lực cần rất nhiều, nhưng cần vẫn phải có hướng đi hay lộ trình mới có thể thực hiện thành công công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Đồng quan điểm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, với các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, vai trò huy động vốn từ các tổ chức tài chính đa phương như World Bank rất quan trọng, bởi đây là nguồn vốn dài hạn, rất phù hợp với các dự án này.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, nguồn lực cần rất nhiều, nhưng vẫn phải có hướng đi hay lộ trình có thể thực hiện thành công công cuộc chống biến đổi khí hậu.

Hiện tại, NHNN đã rất tích cực phối hợp với các bộ, ban ngành để trao đổi, tổ chức những hội nghị để huy động những nguồn lực phát triển công cuộc chống biến đổi khí hậu. Ngoài ra, NHNN cũng phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng trung ương khác trên thế giới để thực hiện những sáng kiến để hỗ trợ công cuộc này.

Trao đổi về điều hành chính sách tiền tệ của NHHN, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm điều hành chính sách của cơ quan này vẫn luôn kiên định với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Từ mục tiêu đó, NHNN luôn theo dõi, quan sát tình hình tài chính tiền tệ trong nước và trên thế giới, để có những giải pháp, công cụ điều hành chính sách phù hợp với từng thời điểm cũng như có điều chỉnh những trọng tâm, trọng điểm trong mỗi thời kỳ khác nhau để đạt được mục tiêu Chính phủ, Quốc hội giao phó.

Nói về thách thức của NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ trong ngắn hạn, bà Hồng cho biết, hiện nay tăng trưởng kinh tế trong quý I/2023 thấp hơn so với kịch bản được đưa ra ở mức 5,6%. Tuy nhiên, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã phân tích, nhận diện những nguyên nhân khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, từ đó, đặt ra những giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như đầu tư, tiêu dùng, xuất nhập khẩu.

“Về triển vọng dài hạn, Việt Nam là nền kinh tế có tiềm năng phát triển tốt, môi trường kinh doanh, chính trị ổn định, chính sách thu hút vốn đầu tư nước ngoài tốt. Hiện nay, Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện rất nhiều chính sách đổi mới nền kinh tế, cơ cấu ngân hàng… Vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn đang gia tăng”, bà Hồng nhận định.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thách thức đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, NHNN luôn trong tâm thế quan sát, theo dõi tình hình để theo đuổi mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phát huy tính động lực, tự chủ của nền kinh tế trong hội nhập quốc tế.

Đánh giá về thương mại quốc tế, PGS. TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, trong giai đoạn hồi phục sau đại dịch Covid-19 đã có tín hiệu tích cực từ các quốc gia đầu tàu kinh tế thế giới. Về khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam cao hơn so với mức trung bình của thế giới.

Ông Tuấn dẫn dự báo của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại của thế giới trong năm nay sẽ tăng trưởng 1,7%, tín hiệu này sẽ xán lạn hơn vào năm 2024 với dự kiến 3,2%, đây cũng là những động lực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển. Tuy nhiên, tăng trưởng thương mại thế giới vẫn gặp nhiều thách thức bởi vấn đề biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột địa chính trị, sắc tộc, chủ nghĩa bảo hộ…

"Để giải quyết tất cả những vấn đề trên, Việt Nam cần tăng cường hợp tác quốc tế, mở cửa nền kinh tế, đặc biệt là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tuấn nói.

Thanh Hồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/bo-truong-tai-chinh-hoa-ky-ung-ho-khoan-vien-tro-khi-hau-jetp-15-ty-usd-cho-viet-nam-1094071.html