Bộ trưởng Tài chính: Lỗ hổng đất đai gây thất thoát ngân sách hậu cổ phần hóa
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định việc doanh nghiệp xác định không chính xác giá trị quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất từ sản xuất – kinh doanh sang xây dựng nhà ở – đô thị là hai rủi ro chính gây thất thoát ngân sách nhà nước trước và sau cổ phần hóa.
Tại hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” ngày 17-5, ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Bộ Tài chính – cho biết có tình trạng xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa (CPH) không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại nên gây ra thất thoát lãng phí những năm vừa qua.
Điển hình là sai phạm trong việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, bán thanh lý tài sản tại Công ty Tân Thuận và Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, sai phạm do bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản và vốn của nhà nước như tại Tổng công ty Công trình giao thông 1, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương.
“Thời kỳ tôi làm Tổng kiểm toán nhà nước đã thực hiện kiểm toán giá trị doanh nghiệp tại 45 doanh nghiệp thì thấy sau kiểm toán, giá trị doanh nghiệp tăng lên bình quân 2,8 lần”, ông Phớc thông tin.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Đ.M.
Với những cơ sở này, người đứng đầu ngành tài chính nhận định rủi ro lớn nhất trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa là xác định giá trị quyền sử dụng đất.
Cụ thể, tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng tiền thuê đất một lần thì lại tính, gây bất cập là giá thuê đất một lần khó xác định sát thực tế. Thậm chí, xác định giá thuê xong thì 5-10 năm sau vẫn có khoảng cách về giá trị.
Ngoài ra, sau khi xác định xong giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được phê duyệt cổ phần hóa đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất – kinh doanh sang đất xây dựng nhà ở đô thị thì giá trị đất lại thay đổi, gây thất thoát tiếp.
“Nếu thuê đất hàng năm, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, một doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa phải tăng năng lực sản xuất lên để cạnh tranh trong lĩnh vực ngành nghề đã được cấp phép kinh doanh. Nhưng nếu chạy theo lợi nhuận từ chênh lệch đất đai, họ sẽ buông lỏng sản xuất để chuyển sang buôn đất, người lao động ra đường, máy móc mang bán rẻ, nền sản xuất ngày càng bị thu hẹp”, ông Phớc phân tích.
Về pháp lý, ông cho biết Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác, nhưng Nghị định 140/2020 của Chính phủ lại không nói rõ việc có được phép chuyển mục đích sử dụng đất không. Điều này khiến chính quyền địa phương lúng túng vì cho phép chuyển thì thất thoát, không cho phép thì sợ làm không đúng luật.
Về sắp xếp nhà đất, ông Phớc cho biết các quy định về xác định lợi thế thương mại, vấn đề liên doanh liên kết, vai trò của người đứng đầu hiện chưa rõ ràng.
“Luật Đất đai cho phép mang đất đi liên doanh liên kết, nhưng thực tế khi liên doanh liên kết thì ai có cổ phần lớn nhất sẽ làm chủ và đất của Nhà nước đương nhiên về tay tư nhân. Đây là một vướng mắc cần giải quyết”, ông Phớc nói.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – cho biết hiện vẫn tồn tại tình trạng không xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa hoặc xây dựng, phê duyệt phương án sử dụng đất sau thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp hoặc xây dựng phương án sử dụng đất khi hồ sơ pháp lý về đất đai chưa bảo đảm.
Ngoài ra, có trường hợp phương án sử dụng đất được phê duyệt chưa đầy đủ diện tích đất doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng hoặc phương án sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, không nêu rõ hình thức sử dụng đất sau cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, một số trường hợp không tính hoặc tính thiếu giá trị quyền sử dụng đất khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đã dẫn đến giá đất xác định thấp hơn giá thị trường.
Lý giải nguyên nhân, ông Hùng cho rằng việc xác định giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp có nhiều cách hiểu và khó bảo đảm cơ sở thuyết phục.
Yếu tố này và quá trình cổ phần hóa, thoái vốn kéo dài, theo ông Hùng, có thể dẫn tới thất thoát. Đồng thời, gây bức xúc và khiến dư luận hiểu sai về cổ phần hóa.
Để giải quyết tình trạng này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng cần sửa đổi sao cho nhất quán về mặt luật pháp để việc thực hiện được đúng đắn, chính xác nhất.
Còn ông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị tách việc xác định giá trị quyền sử dụng đất khỏi quy trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp vì hình thức sử dụng đất của doanh nghiệp trước và sau khi cổ phần hóa, thoái vốn vẫn là Nhà nước giao đất, cho thuê đất.
“Giá trị quyền sử dụng đất không gia tăng khi thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn mà chỉ khi có sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất”, ông Hùng giải thích.
Cũng theo ông Hùng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa (nếu có) phải phù hợp với quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Bên cạnh đó, cần tách công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất khỏi quy trình cổ phần hóa vì rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên cả trước và sau cổ phần hóa của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai để bảo đảm sử dụng đúng mục đích và hiệu quả sử dụng đất, tránh hoang hóa, lãng phí chứ không phải chỉ để thực hiện công tác cổ phần hóa, thoái vốn.
Vân Phong