Bộ trưởng Tài chính lý giải 'nghịch lý' giá vé máy bay tăng cao
Trong phiên chất vấn về lĩnh vực tài chính của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra ngày 18/3 vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết thời gian qua, giá vé máy bay tăng nhưng các công ty vẫn lỗ.
Tăng giá nhưng vẫn lỗ
Tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính trong khuôn khổ Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết vì sao giá vé máy bay trong thời gian qua tăng cao và Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để người dân thuận lợi hơn trong việc đi lại và để kích cầu cho ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đối với giá vé máy bay, theo quy định của Luật Giá, Bộ Giao thông vận tải sẽ là cơ quan quyết định khung giá vé máy bay, còn giá vé máy bay vận hành trong khung đó là do các công ty kinh doanh bay thực hiện và căn cứ vào nhu cầu để định giá vé máy bay cho phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ, vừa qua giá vé máy bay dù có tăng nhưng các hãng hàng không vẫn lỗ. “Bây giờ Bamboo Airways cắt giảm nhiều đường bay, Vietjet cũng khó khăn, Vietnam Airlines lỗ đến 37.000 tỷ đồng. Năm nào lãi nhiều nhất cũng chỉ được 3.000 tỷ đồng, cho nên các công ty vẫn gặp khó khăn”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích thêm.
Trong khi đó Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc giá vé máy bay tăng cao không hẳn do vấn đề nhiên liệu hay về cung - cầu. “Liên quan đến quản lý giá hiện nay, chúng ta có Luật Giá và khuôn khổ pháp lý rất đầy đủ. Tuy nhiên có một nghịch lý đối với các mặt hàng này là càng tăng giá, doanh nghiệp Nhà nước lại càng lỗ. Câu chuyện đặt ra là phải giải được bài toán này và đặc biệt khi xác định giá, phải xác định được đầu vào, đầu ra, xác định được các các chi phí”, đại biểu Trịnh Xuân An phân tích.
Đối với giá vé máy bay, đặc biệt với VietnamAirlines, đại biểu Trịnh Xuân An nhận thấy, chi phí cao quá, ảnh hưởng ngay đến giá chứ không liên quan đến vấn đề cung - cầu và vấn đề về nhiên liệu.
Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, việc bảo đảm được cả lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân thì cần có một vai trò tổng thể của Bộ Tài chính với trách nhiệm là cơ quan quản lý Nhà nước về giá.
Trước đó, lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết có hơn 3.500 động cơ NEO trên máy bay Airbus A321, A320 phải triệu hồi để kiểm tra lỗi, khiến Vietnam Airlines có 12 máy bay A321 phải dừng bay để kiểm tra trong năm 2024.
Vì vậy, Vietnam Airlines phải tập trung quản trị để khai thác ổn định với đội máy bay hiện tại để tăng năng suất, bù đắp sự thiếu hụt khi nhiều máy bay phải đi bảo dưỡng.
Giá vé máy bay tăng cao nhưng chưa vượt khung
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang thực hiện các dịch vụ bay đã thực hiện đúng quy định về giá vé máy bay. Bởi vì trong khung giá vé máy bay do Bộ Giao thông vận tải ban hành có 15 mức và hiện các doanh nghiệp đang điều hành trong khung đó, chưa vượt ngoài khung. Tuy nhiên, một số quốc gia đã bỏ giá trần của vé máy bay để cho doanh nghiệp tự quyết định theo cung, cầu của thị trường về giá.
“Ở nước ta, Luật Giá hiện vẫn quy định giá trần đối với vé máy bay và khung trần này do Bộ Giao thông vận tải quy định. Hiện nay các hãng bay đang thực hiện theo đúng quy định trong giá trần, cho nên chưa vi phạm pháp luật về giá. Tuy nhiên trong 4 năm trở lại đây, khi diễn ra đại dịch COVID-19, các chuyến bay gần như ngưng trệ, kể cả chuyến bay nước ngoài và chuyến bay trong nước”, Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.
Cùng với đó, năm nay, do kinh tế suy giảm nên lượng khách nội địa cũng như khách nước ngoài hạn chế, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động hệ thống hàng không.
Theo Thông tư số 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, giá vé máy bay sẽ tăng từ 3,75 - 6,67%. Hiệu lực từ ngày 1/3/2024.