Bộ trưởng Tài chính Mỹ cảnh báo nguy cơ chính phủ vỡ nợ vào tháng 6

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo với Quốc hội hôm 1.5 rằng Mỹ có thể vỡ nợ sớm nhất là vào ngày 1.6, nếu các nhà lập pháp không nâng trần nợ công trước thời điểm đó và ngăn điều có thể trở thành một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: AP

Thời điểm vỡ nợ đến sớm hơn

Trong một bức thư gửi lãnh đạo Hạ viện và Thượng viện, bà Yellen kêu gọi các lãnh đạo Quốc hội “bảo vệ niềm tin và uy tín hoàn toàn của nước Mỹ bằng cách hành động càng sớm càng tốt” để giải quyết giới hạn 31,4 nghìn tỷ USD đối với thẩm quyền vay hợp pháp của nước này. Bà nói thêm rằng không thể dự đoán chính xác ngày nào nước Mỹ sẽ cạn kiệt tiền mặt.

“Chúng tôi đã học được từ những bế tắc về giới hạn nợ trong quá khứ rằng việc chờ đợi đến phút cuối cùng để đình chỉ hoặc tăng giới hạn nợ có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, tăng chi phí vay ngắn hạn cho người nộp thuế và tác động tiêu cực đến xếp hạng tín dụng của Mỹ”, bà Yellen nói trong thư.

Cũng trong ngày 1.5, Văn phòng Ngân sách Quốc hội đã báo cáo rằng họ cũng nhận thấy nguy cơ cao về khả năng Mỹ sẽ cạn kiệt tiền mặt vào đầu tháng 6. Giám đốc Văn phòng Phillip L. Swagel cho biết do các khoản thu thuế ít hơn mong đợi trong mùa khai thuế này nên các biện pháp đặc biệt của Bộ Tài chính sẽ mất tác dụng sớm hơn chúng tôi dự kiến trước đây”.

Theo dự báo trước đó, chính phủ Mỹ có thể vỡ nợ vào khoảng ngày 5.6, nhưng bà Yellen cho rằng điều này có thể xảy ra sớm hơn do một số yếu tố biến động trong các khoản thu chi ngân sách liên bang, khiến "không thể dự đoán chính xác thời điểm Bộ Tài chính không có khả năng thanh toán hóa đơn của chính phủ". Bộ trưởng Yellen cũng hối thúc quốc hội hành động nhanh chóng để nâng trần nợ công.

Sau khi Mỹ chạm giới hạn vay 31,4 nghìn tỷ USD vào ngày 19.1, Bộ trưởng Yellen đã gửi một lá thư cho các lãnh đạo Quốc hội, nói rằng cơ quan của bà đã bắt đầu sử dụng "các biện pháp đặc biệt" như tiếp tục thanh toán nợ, trợ cấp liên bang và thực hiện các khoản chi tiêu khác bằng cách sử dụng các biện pháp quản lý tiền mặt đặc biệt để tránh nguy cơ vỡ nợ.

Kho bạc cho biết hôm 1.5 rằng họ có kế hoạch tăng khoản vay hàng quý từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, ngay cả khi chính phủ liên bang sắp vi phạm giới hạn nợ. Mỹ có kế hoạch vay 726 tỷ USD mỗi quý. Con số này cao hơn 449 tỷ USD so với dự kiến vào tháng 1, do số dư tiền mặt đầu quý thấp hơn và dự đoán về số tiền thuế thu nhập thấp hơn dự kiến và chi tiêu cao hơn.

Tổng thống và lãnh đạo Quốc hội sẽ họp khẩn cấp

Cảnh báo mới của Bộ trưởng Tài chính buộc Tổng thống Joe Biden kêu gọi tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các lãnh đạo hàng đầu của Quốc hội vào 9.5, trong đó có Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Biden đã gọi cho ông McCarthy, người đang ở Jerusalem, cũng như lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell để sắp xếp cuộc họp.

Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát và Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đang bất đồng về dự luật nâng trần nợ công, đặc biệt là các điều kiện kèm theo mà phe Cộng hòa muốn chính phủ Mỹ phải thực hiện để tránh tình cảnh vỡ nợ.

Hạ viện Mỹ tuần trước thông qua dự luật tăng 1,5 nghìn tỷ USD trong trần nợ công, nhưng kèm các điều khoản cắt giảm chi tiêu 4,5 nghìn tỷ USD. Dự luật sẽ cắt giảm ngân sách chăm sóc sức khỏe cho người nghèo và các khoản khác, trong đó có ưu đãi thuế đối với năng lượng mặt trời và các nguồn năng lượng xanh.

Tuy nhiên, Thượng viện do đảng Dân chủ kiểm soát đã tuyên bố sẽ không thông qua dự luật này. Nếu lưỡng viện Quốc hội không thể đàm phán để thông qua một dự luật chỉnh sửa trước ngày 1.6, chính phủ Mỹ có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ chưa từng có khi không thể thanh toán được một số hóa đơn.

Ông Biden tuyên bố không chấp nhận đàm phán điều kiện để tăng trần nợ công, nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi trần nợ mới được thông qua. Quốc hội Mỹ thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp chi tiêu và ngân sách khác.

Hồi năm 2011, cuộc chiến trần nợ tương tự đã đưa nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ và khiến xếp hạng tín dụng hàng đầu của đất nước bị hạ bậc. Lần này, các cuộc đàm phán được cho là có thể còn khó khăn hơn.

Nhà phân tích ngân sách Shai Akabas tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng cho rằng nguy cơ vỡ nợ trong vòng vài tuần "không phải tình cảnh phù hợp với quốc gia được coi là nền tảng của hệ thống tài chính và chỉ làm tăng thêm sự bất định với nền kinh tế vốn đã trải qua nhiều biến động".

Cuộc chiến trần nợ của Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong nhiều năm tới, với các chương trình phúc lợi như an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe chiếm phần lớn nhất trong ngân sách và dự kiến tăng lên đáng kể khi dân số già đi.

Quỳnh Vũ (Theo AP, Reuters)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/bo-truong-tai-chinh-my-canh-bao-nguy-co-chinh-phu-vo-no-vao-thang-6-i326456/