Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường: 'Đừng đổ hết lỗi cho thủy điện nhỏ'
Trước nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh việc mọc lên quá nhiều thủy điện nhỏ gây nguy hại môi trường, ngập lụt sạt lở, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà sáng 5/11 đã có giải trình kỹ để giải tỏa băn khoăn của đại biểu.
Nói về các thiên tai liên tiếp xảy ra ở miền Trung, tư lệnh ngành tài nguyên & môi trường đưa ra một số thông tin mà theo ông là mang tính chất khoa học, khách quan cho thấy nguyên nhân lớn nhất là do biến đổi khi hậu cực đoan.
Cầm trong tay báo cáo mới nhất của Ủy ban về rủi ro thiên tai Liên hợp quốc vừa phát đi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: biến đổi khí hậu cực đoan đang ở thời điểm mà con người khó kiểm soát, khi nồng độ khí nhà kính đã đạt trên 400 đơn vị phần trăm - cường độ cũng như tần suất trong 40 năm qua đã tăng 4 lần. Điều này thể hiện bằng việc số cơn bão tăng 40% kể từ năm 2000 đến nay.
"Tất nhiên chúng ta cần phải có nghiên cứu độc lập, đánh giá của các cơ quan khoa học và cơ quan quản lý lúc này còn quá sớm nhưng cho thấy rằng hiện trạng của tất cả các điểm vừa rồi xảy ra, nó là tổ hợp các dạng thiên tai từ mưa, bão, lũ lụt, sạt lở đất. Đợt lũ vừa qua, có những ngày mưa ở Quảng Nam lên đến trên 500mm/ngày", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Phân tích kỹ các yếu tố khách quan do biến đổi khí hậu cực đoan mang lại, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, không phải hoàn toàn xuất phát từ lỗi các thủy điện nhỏ.
"Ở Na Uy rất nhiều thủy điện nhỏ. Lỗi là chính chúng ta chưa phân tích được lợi ích, phân tích được các tính năng thiết kế hiệu quả và công nghệ, nếu chúng ta tính toán tự thiết kế được các công trình này mà hài hòa được với tự nhiên, thực tế chúng ta có thể làm được thì chúng ta vẫn có thể duy trì được nguồn điện năng nhưng không làm biến đổi quá lớn đến tự nhiên", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận.
Cùng với tính toán thủy điện là vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, theo ông Trần Hồng Hà, việc chuyển đổi đó còn phải tính toán lợi ích, bởi nếu không chuyển đổi thì không thể có không gian để phát triển dân cư, đô thị khi đất nước sắp vượt mức 100 triệu dân.
"Chúng ta cần xác định chức năng những khu vực cần phải giữ, phải bảo vệ. Đó là các rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng tự nhiên", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.
Bộ trưởng Bộ TN&MT đồng thời đề cập tầm quan trọng của vài trò cắt lũ từ các hồ chứa tại khu vực này. Ông cho rằng nếu điều tiết hợp lý, nhịp nhàng, các hồ chứa có thể giảm thiểu lượng mưa đổ về vùng hạ du 50-70%. Bộ TN&MT đã đưa ra 11 quy trình điều tiết trên 11 lưu vực sông. Chức năng vừa là điều tiết nước cho mùa cạn, bổ sung 30-50% nước cho mùa cạn vừa là chốt chặn an toàn cho mùa mưa lũ.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhân đây nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Bảo vệ Môi trường. Vị tư lệnh ngành môi trường nhấn mạnh, một trong những con đường và giải pháp đã lựa chọn, đó là sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đáp ứng được những thách thức hiện nay, những thách thức mà trong rất nhiều lần trên diễn đàn Quốc hội đã nói.