Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an luôn nhất quán mục tiêu giảm tội phạm bền vững
Năm 2021, tình hình dịch Covid -19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, song lực lượng công an nhân dân đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội.
Nhiều vụ án lớn đã được triệt phá, được dư luận đồng tình ủng hộ. Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 vừa qua, Bộ Công an đã đặt mục tiêu giảm tội phạm bền vững. Vậy đâu là những giải pháp cơ bản để thực hiện được mục tiêu đó.
Phóng viên VOV đã có cuộc phỏng vấn Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an về vấn đề này.
PV: Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương và đánh cao kết quả đạt được của lực lượng công an trong năm 2021. Những kết quả đó cụ thể là gì thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Những kết quả, thành tích của lực lượng công an nhân dân (CAND) trong năm 2021 là hết sức to lớn, toàn diện, có thành quả rõ rệt, cao hơn hẳn so với năm 2020 và các năm trước, được nhân dân đánh giá cao, tin cậy và để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp. Nổi bật là: Thứ nhất, Lực lượng công an đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để bị động, bất ngờ. Bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn Đại hội Đại biểu lần thứ XIII của Đảng và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và các sự kiện chính trị quan trọng khác của đất nước.
Thứ hai, Công tác phòng, chống tội phạm đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội đề ra tạo chuyển biến tích cực về trật tự, an toàn xã hội, kiềm chế gia tăng tội phạm. Đã giảm 11,33% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với năm 2020. Đã điều tra, khám phá 36.040 vụ phạm tội về TTXH, đạt tỷ lệ 86,37%, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90,26%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao.
PV: Trong đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 với những diễn biến phức tạp, lực lượng công an đã chủ động, nhanh chóng, linh hoạt “chuyển trạng thái”, phát huy vai trò nòng cốt, là một trong những lực lượng trọng yếu, tuyến đầu trên mặt trận phòng, chống dịch. Bộ trưởng có thể cho biết rõ hơn về việc này cũng như những đóng góp, hy sinh thầm lặng của lực lượng công an trên trận tuyến với đại dịch?
Bộ trưởng Tô Lâm: Ngay khi đợt dịch thứ 4 bùng phát và có diễn biến phức tạp, Bộ Công an đã thành lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại phía Nam. Đồng thời đã huy động hơn 130.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc; đã điều động hơn 10.000 cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường cho các địa phương có dịch; đẩy mạnh, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh những kết quả đó, trong cuộc chiến với COVID-19, lực lượng công an nhân dân cũng chịu nhiều tổn thất, mất mát, gần 19.000 cán bộ, chiến sỹ nhiễm bệnh; 17 đồng chí đã hy sinh, tử vong; hàng trăm đồng chí bị thương để lại một phần xương, máu trong cuộc chiến này.
PV: Năm 2021, lực lượng công an đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đặc biệt lớn, có tác dụng răn đe và được dư luận đặc biệt quan tâm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về công tác chống “giặc nội xâm” vừa qua?
Bộ trưởng Tô Lâm: Trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lực lượng công an chủ động dự báo, nhận diện sớm, sẵn sàng các phương án, kế hoạch nghiệp vụ vào cuộc nhanh, phát hiện các vấn đề nảy sinh mới nổi lên do tác động của dịch bệnh và ảnh hưởng từ khó khăn của kinh tế - xã hội, đặc biệt là những lĩnh vực trọng điểm, những vấn đề nhân dân, dư luận quan tâm như mua sắm thiết bị y tế, giáo dục, những vụ án tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim; vụ án tại các Sở Giáo dục Quảng Ninh, Thanh Hóa, Điện Biên, vụ án tại Công ty Việt Á...
Kết quả phát hiện, điều tra đã góp phần cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, có tác dụng răn đe nhiều đối tượng “đã biết sợ”, từng bước hạn chế vi phạm. Thứ hai, công tác điều tra đã chứng minh rõ yếu tố tư lợi trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, khẳng định các đối tượng phạm tội xuất phát từ động cơ, mục đích và lỗi cố ý cá nhân chứ không phải do “lỗi hệ thống” như các đối tượng xấu xuyên tạc.
Thứ ba, công tác thu hồi tài sản bị thát thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đạt nhiều kết quả tích cực hơn năm 2020, đặc biệt đã cảm hóa, động viên bị can khai báo thành khẩn, tự nguyện khắc phục hậu quả, nhiều trường hợp đã viết đơn tự nguyện nộp lại tài sản cho Nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân như vụ án tại Công ty XNK Bình Dương, gia đình 1 bị can đã tự nguyện nộp 125 tỷ đồng; vụ án tại Sở Giáo dục Quảng Ninh, có bị can đã tự nguyện nộp 15 tỷ đồng.
Thứ tư, qua công tác nghiệp vụ và điều tra, xử lý các vụ án, lực lượng công an đã có 12 tham mưu, kiến nghị đề xuất Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành liên quan triển khai giải pháp phòng ngừa, ngặn chặn các sai phạm tương tự và có biện pháp xác minh, truy tìm, ngăn chặn việc chuyển nhượng, tẩu tán tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt.
PV: Tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 77 vừa qua, Bộ trưởng nhấn mạnh đến mục tiêu làm giảm tội phạm một cách bền vững. Vậy để thực hiện mục tiêu này thì năm 2022, lực lượng công an triển khai thực hiện những giải pháp nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Tô Lâm: Bộ Công an luôn nhất quán mục tiêu giảm tội phạm bền vững mang tính nhân văn và ý nghĩa xã hội hết sức sâu sắc. Cho nên, ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII đã xác định và năm 2021 thực hiện đã giảm được hơn 10% số vụ.
Năm 2022 dự báo việc thực hiện mục tiêu này sẽ khó khăn hơn do dư địa giảm không còn nhiều. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng tôi từ bỏ mục tiêu, ngược lại, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Công an đã ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo việc giảm tội phạm bền vững và tập trung chỉ đạo toàn lực lượng quyết liệt triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp điển hình như: Thứ nhất là nhóm giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa nghiệp vụ của lực lượng công an và phòng ngừa xã hội của các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân và cả hệ thống chính trị, khơi dậy được khí thế cách mạng mạnh mẽ của quần chúng nhân dân và toàn xã hội tham gia phòng, chống tội phạm, giải quyết tận gốc nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm.
Nhóm giải pháp đẩy mạnh công tác nghiệp vụ tấn công, trấn áp tội phạm của lực lượng công an, đấu tranh quyết liệt với tội phạm hình sự, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy, môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao… góp phần xây dựng môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh phục vụ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trước mắt, chúng tôi đang tập trung thực hiện tốt đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo vệ cho Nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là chuyển đổi phương thức quản lý con người từ giấy tờ truyền thống sang ứng dụng công nghệ bằng việc xây dựng, hoàn thành sớm và đưa vào sử dụng, phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân gắn chip điện tử góp phần cải cách hành chính, phục vụ tốt hơn cho công tác quản trị xã hội và phòng, chống tội phạm.
Cuối cùng là nhóm giải pháp xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đề án này đã được Bộ Chính trị phê duyệt và sẽ được triển khai ngay sau tết; để điều chỉnh, bố trí lực lượng theo tiêu chí 4 cấp công an, bảo đảm “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”. Bộ đã trình Thủ tướng Đề án tăng cường toàn diện cho công an cấp huyện; bố trí hơn 50.000 cán bộ công an chính quy đảm nhận nhiệm vụ công an xã, kết hợp tăng cường phân cấp, giao quyền về nghiệp vụ và pháp luật tiếp nhận, giải quyết sơ bộ tin báo, tố giác tội phạm để phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tình hình tội phạm ngay từ cơ sở.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!