Bộ trưởng Tô Lâm chủ trì họp Tổ công tác triển khai Đề án 06
Hôm nay, tại Hà Nội, Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã tổ chức cuộc họp tháng 03/2024. Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 chủ trì.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, việc triển khai Đề án 06 trong tháng tiếp tục đạt được những kết quả nổi bật tại các bộ, ngành, địa phương. Cụ thể, vừa qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện Sổ sức khỏe điện tử với hơn 8 triệu hồ sơ được thiết lập. Đã tổ chức kết nối, liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế của 47 bệnh viện, 32 phòng khám đa khoa và 286 trạm y tế để hiển thị hồ sơ sức khỏe điện tử của công dân trên ứng dụng VneID.
Về phát triển công dân số, đến nay, Bộ Công an đã thu nhận trên 86 triệu thẻ căn cước gắn chíp. Đã thu nhận trên hơn 74 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 600 nghìn tài khoản so với tháng 02/2024), kích hoạt trên 53 triệu tài khoản (tăng 500 nghìn tài khoản so với tháng 2/2024; tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt gần 72%). Đối với 08 tiện ích trên VneID, trong tháng 3 đã có hơn 29 triệu lượt truy cập vào VneID trong đó, một số tiện ích có người dùng cao, như: Dịch vụ công thông báo lưu trú; Thông báo, phổ biến chính sách pháp luật mới cho công dân... Đến nay, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối với 18 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đề xuất những giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06 như: Tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính; hướng dẫn các bộ, ngành có liên quan chuẩn hóa dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí...); đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ; tiến độ tích hợp nội dung đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số nói chung và Đề án 06 nói riêng vào Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp tham mưu với Tổ Công tác của Chính phủ về rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, khẩn trương hoàn thành rà soát, đề xuất phương án giải quyết dứt điểm đối với 428 thủ tục hành chính còn chưa thực thi phương án đơn giản hóa, hoàn thành trước 31/3/2024.
Đồng thời, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị 13 bộ, ngành có văn bản tham gia ý kiến đối với dự thảo Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, điều chỉnh phương án đơn giản hóa, lộ trình xử lý văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thành trong tháng 3/2024 để Tổ Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về dịch vụ công, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị các bộ, ngành bám sát vào các danh mục 28 nhóm dịch vụ công trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia năm 2024 tại Quyết định số 206 ngày 28/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo thực hiện theo lộ trình quy định tại Quyết định này.
Đối với việc thúc đẩy, triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội, làm tiền đề thúc đẩy triển khai Đề án 06/CP trên toàn quốc, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, các bộ, ngành (Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tư pháp) khẩn trương phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tập trung thực hiện 09 nhiệm vụ phối hợp với Thành phố Hà Nội theo Thông báo số 06 ngày 17/3/2024 của Ban chỉ đạo chuyển đổi số Đề án 06 thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, để phục vụ xây dựng Luật căn cước, là căn cứ pháp lý để triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ Tư pháp hoàn thành việc thẩm định các văn bản liên quan đến Luật này đảm bảo báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/4/2024. Đồng thời, các Bộ, ngành khẩn trương rà soát, triển khai các điều kiện đảm bảo kết nối chuẩn hóa, làm sạch theo quy định của Luật căn cước để kết nối, làm sạch và đồng bộ với dữ liệu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Rà soát, triển khai các điều kiện về an ninh, an toàn thông tin để kết nối, khai khác và chia sẻ từ 01/7/2024 theo quy định của Luật căn cước.