Bộ trưởng Tô Lâm: Công an không đụng chạm đến các cơ sở sát hạch lái xe
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định Bộ không đụng chạm gì tới các cơ sở sát hạch vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa.
Sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tổ về các dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Tách luật sẽ tránh lãng phí
Trước các ý kiến lo ngại sẽ nảy sinh bất cập khi Bộ GTVT đầu tư rất nhiều vào các cơ sở sát hạch nhưng theo dự thảo Luật mới lại chuyển về Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm khẳng định "Công an không đụng chạm gì đến cơ sở này vì chủ yếu việc sát hạch, đào tạo lái xe đã xã hội hóa".
Theo Tư lệnh ngành Công an, Bộ chỉ kiểm soát việc cấp bằng lái xe, quản lý việc cấp phải đúng tiêu chuẩn, quy định, chống tình trạng làm giả, gian lận.
"Chỉ quản lý việc đó thôi còn các cơ sở sát hạch vẫn hoạt động bình thường”, Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Thừa nhận việc đầu tư camera giám sát hiện nay đang rất lãng phí, Đại tướng Tô Lâm cho rằng quy định mới sẽ khắc phục được tình trạng về đầu tư khoa học kỹ thuật trong giao thông.
“Camera, nhà đầu tư họ chỉ quản lý theo kiểu đếm đầu xe, khi cần phải xem xe đó màu gì, biển số bao nhiêu thì lại không đáp ứng được. Do đó, cần phải có kết nối dữ liệu thông tin”, Bộ trưởng nói.
Liên quan đến việc tách Luật giao thông đường bộ cũ thành 2 luật mới, ông Tô Lâm cho biết thông qua đánh giá tổng kết, Luật Giao thông đường bộ có rất nhiều bất cập cần phải thay đổi.
"Theo suy nghĩ của chúng tôi nếu tách ra hai luật thì sẽ tiết kiệm, tránh lãng phí...Nếu theo quy định mới này, lực lượng thanh tra giao thông sẽ không còn hoạt động trên mặt đường. Bộ Giao thông Vận tải có đề nghị chúng tôi nhận 20.000 thanh tra giao thông nhưng tôi nói Chính phủ không có chỉ tiêu này”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Đề cập tới tình trạng chồng chéo giữa hai lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông, Đại tướng Tô Lâm nêu quan điểm: “Không có nước nào trên thế giới mà cảnh sát giao thông giữ xe để thanh tra giao thông đi kiểm tra. Trước đây có những trường hợp lái xe vi phạm đóng cửa bỏ đi, thanh tra giao thông phải nhờ cảnh sát giao thông kéo xe ra chỗ khác, rất là bất cập”.
Theo Bộ trưởng, quy định như dự thảo các luật mới thì nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát giao thông vẫn vậy nhưng công việc giảm đi. Bởi, chúng ta sẽ áp dụng khoa học công nghệ để thực hiện những điều này. Ví dụ như trong đường cao tốc, không cần cảnh sát giao thông tuần tra vì nếu xe vi phạm thì sẽ xử lý ở điểm ra.
Việc dân sự nên để cơ quan dân sự làm
Thảo luận về các dự thảo luật này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cho biết, không chỉ cá nhân ông mà nhiều cử tri và nhân dân đều không đồng tình với việc tách 2 luật.
"Nếu tách riêng ra thì sẽ có nguy cơ không ăn khớp, “như kiểu một nhà mà tách ông riêng bà riêng thì là không ổn rồi", ông nói. Tại các tổ thảo luận vấn đề chuyển sát hạch và cấp giấy phép lái xe từ bộ GTVT sang Bộ Công an nhận được nhiều ý kiến.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: "Nếu vì lý do làm chưa được tốt ở việc, ở mặt nào đó mà chuyển sang bộ khác thì không nên. Trong Nhà nước pháp quyền, có sự phân công kiểm soát rất rõ, nhiệm vụ của bộ ngành nào thì bộ ngành đó làm, nếu có làm không tốt thì kiểm điểm, quy trách nhiệm người đứng đầu chứ không phải hôm nay làm không tốt là chuyển sang cho bộ ngành khác".
Cùng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) và đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam định) cho rằng, nhiệm vụ cấp giấy phép lái xe trước đây của Bộ Công an nhưng từ năm 1995 đã chuyển sang Bộ Giao thông Vận tải.
“Việc dân sự nên để cơ quan dân sự làm, tại sao Bộ Công an phải ôm”, đại biểu Sinh nêu quan điểm.