Bộ trưởng Tô Lâm tham dự Hội nghị về phòng, chống khủng bố tại Liên bang Nga
Nhận lời mời của Đại tướng Bortnikov Aleksandr Vasilievich, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao dự Hội nghị về phòng, chống khủng bố lần thứ XVIII tại Sochi, Liên bang Nga từ ngày 15 đến 18-10-2019.
Hội nghị về phòng, chống khủng bố được tổ chức thường niên xuất phát từ sáng kiến của Cơ quan An ninh Liên bang Nga nhằm tăng cường sự hiểu biết, nhận thức của cơ quan thực thi pháp luật các nước, các tổ chức quốc tế về chủ nghĩa khủng bố, hậu quả khốc liệt của các hoạt động, các cuộc tấn công khủng bố; qua đó mở rộng hợp tác quốc tế, huy động sức mạnh chung của từng nước, từng khu vực và toàn thế giới vào cuộc chiến chống khủng bố.
Hội nghị năm nay có sự tham gia của 372 đại biểu đến từ 79 nước và 4 tổ chức quốc tế. Các đại biểu tập trung trao đổi, trình bày về ba chủ đề chính của Hội nghị, là: Giải pháp mang tính hệ thống trong tổ chức phòng, chống khủng bố; Phòng, chống hoạt động của các tổ chức khủng bố quốc tế và chiến binh khủng bố nước ngoài; Phát triển quan hệ hợp tác giữa các cơ quan đặc biệt trong lĩnh vực đảm bảo an toàn không gian thông tin của các quốc gia.
Đoàn Việt Nam tham gia với bài tham luận “Phát triển quan hệ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan đặc biệt nước ngoài trong lĩnh vực đảm bảo an toàn không gian thông tin” và thảo luận chuyên đề “An ninh thông tin quốc tế”.
Bài tham luận tại Phiên toàn thể của Bộ trưởng Tô Lâm được các đại biểu đánh giá cao. Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển bùng nổ của các công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), máy tính lượng tử, công nghệ điện toán đám mây, dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh... đã và đang làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, tạo ra những bước nhảy vọt về hiệu quả sản xuất, tính chất ứng dụng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo của nhiều quốc gia, dân tộc và mang lại những thành tựu vượt bậc cho nhân loại.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế cũng đã và đang phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với những thách thức an ninh phi truyền thống từ không gian mạng.
Hoạt động tấn công, xâm nhập, đánh cắp thông tin, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin quan trọng trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Công nghệ số hóa thông tin, điện toán đám mây làm gia tăng nguy cơ bị tấn công mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu.
Các thiết bị kết nối Internet ngày càng phổ biến nhưng có nguy cơ cao bị sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công mạng quy mô lớn. Không gian mạng đã trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự hận thù và bạo lực.
Tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao ngày càng gia tăng cả quy mô và tính chất nguy hiểm, hoạt động xuyên quốc gia, khó kiểm soát, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các tổ chức, cá nhân, để lại những hệ lụy tiêu cực cho xã hội.
Theo ước tính của các chuyên gia bảo mật quốc tế, cứ mỗi giây có 2 mã độc mới ra đời, mỗi phút có 2,7 triệu người trở thành nạn nhân của tội phạm mạng; thiệt hại do tội phạm mạng gây ra lớn hơn bất kỳ loại hình phạm pháp nào, kể cả tội phạm ma túy, ước tính hàng năm thế giới thiệt hại 600 tỉ đô la do tội phạm mạng gây ra.
Thời gian gần đây, tại nhiều diễn đàn quốc tế song phương và đa phương, vấn đề an ninh mạng, tội phạm mạng luôn là chủ đề nóng, được quan tâm đưa ra bàn bạc, thảo luận để tìm ra các biện pháp, giải pháp xử lý những thách thức từ không gian mạng.
Cuối tháng 5-2019, tại Phiên họp lần thứ 28, Ủy ban Phòng chống tội phạm và tư pháp hình sự của Liên Hợp quốc đã đưa ra thảo luận và thông qua 11 Nghị quyết, trong đó có 1 Nghị quyết về tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm mạng.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển Internet nhanh nhất thế giới, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, không gian mạng Việt Nam cũng xuất hiện nhiều nguy cơ, thách thức lớn tác động trực tiếp đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể, không gian mạng đang bị lợi dụng để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Xuất hiện nhiều cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Hoạt động tội phạm mạng và những hành vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng gia tăng về số vụ, thủ đoạn tinh vi, gây thiệt hại nghiêm trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc qua mạng.
Nhiều doanh nghiệp, loại hình mới hoạt động trên lĩnh vực công nghệ xuất hiện chưa được quản lý, có nhiều hoạt động phức tạp, gây ảnh hưởng đến trật tự kinh doanh, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng, cần phải có sự sắp xếp, quản lý và đưa vào khuôn khổ để tạo môi trường bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Để đối phó hiệu quả với những thách thức về an ninh mạng nêu trên, Đại tướng Tô Lâm đề nghị các quốc gia cần thống nhất cách hành xử trên không gian mạng dưới hình thức các nghị định thư, công ước và điều luật quốc tế. Tăng cường đa dạng hóa quan hệ đối tác và xây dựng sự đồng thuận trên phạm vi toàn cầu thông qua việc đẩy mạnh hợp tác song phương giữa các quốc gia; thúc đẩy hoạt động hợp tác đa phương trên lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng và phòng, chống tội phạm mạng; cộng tác với các đối tác thuộc khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp sở hữu và vận hành hạ tầng của không gian mạng, các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm, nội dung trên Internet.
Tăng cường trao đổi, chia sẻ thông tin nhằm ứng phó sự cố và tham gia các cuộc diễn tập an ninh mạng, thành lập các nhóm tác chiến trên không gian mạng. Hỗ trợ, nâng cao năng lực đảm bảo an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng thông qua hợp tác đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm mạng. Có cơ chế thường xuyên chia sẻ thông tin về tình hình an ninh mạng, hoạt động của tội phạm mạng, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn đảm bảo an ninh mạng và phòng chống tội phạm mạng; nâng cao khả năng bảo vệ an ninh mạng, đối phó với tội phạm mạng của các quốc gia.
Bộ trưởng Tô Lâm một lần nữa đánh giá cao ý nghĩa của Hội nghị lần này; khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế; sẵn sàng họp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các cơ quan thực thi pháp luật, các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực này. Bộ trưởng tin tưởng thành công của Hội nghị sẽ tạo ra xung lực mới, thúc đẩy quan hệ họp tác ngày càng chặt chẽ giữa cơ quan thực thi pháp luật các nước nhằm đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm mạng, góp phần đảm bảo sự ổn định và an ninh thế giới, khu vực và của mỗi quốc gia.