Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Xử lý tận gốc rễ, không chùn tay trước vi phạm

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đối với lực lượng quản lý thị trường sau khi đi kiểm tra tình hình kinh doanh tại chợ Kim Biên (quận 5), chợ Bình Tây (quận 6) và Trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1) - Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại chợ Kim Biên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã trực tiếp gặp gỡ các tiểu thương kinh doanh mặt hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm. Trao đổi với Bộ trưởng, các tiêu thương cho biết đều tuân thủ các quy định của Nhà nước đối với các mặt hàng chuyên biệt này và thẳng thắn nêu những vấn đề khó khăn, bất cập trong hoạt động buôn bán.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp đến chợ Kim Biên (quận 5)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ đã trực tiếp đến chợ Kim Biên (quận 5)

Bà Nguyễn Thị Hương - Chủ sạp kinh doanh hương liệu, phụ gia thực phẩm Tuyết Hồng cho biết, các hộ kinh doanh hương liệu tại chợ Kim Biên hoạt động bài bản nhưng không ít kẻ mạo danh bán những loại hương liệu dởm trên mạng nói là hàng của Kim Biên. “Trên mạng rao bán hương liệu cà phê với giá 150.000 đồng/lít chính hàng Kim Biên, nhưng chợ Kim Biên không ai bán loại hàng này gây hiểu lầm và mang tiếng cho người kinh doanh”, bà Hương phản ánh.

Trong khi đó, chủ sạp Linh số 22 kinh doanh mặt hàng bơ sữa, hương liệu, bột màu cho biết, mỗi năm các cơ quan chức năng đến kiểm tra về điều kiện kinh doanh một lần và sạp đều thực hiện đúng các quy định của pháp luật như nguồn gốc hàng hóa, chứng từ hóa đơn.

Tại đây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao đổi và đề nghị người kinh doanh lưu ý kỹ về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, điều kiện bảo quản, san chiết, phòng vệ cháy nổ và một số vấn đề liên quan đến chuyên môn của người kinh doanh, bán hàng …

Bộ trưởng kiểm tra sạp Linh số 22 kinh doanh mặt hàng bơ sữa, hương liệu

Bộ trưởng kiểm tra sạp Linh số 22 kinh doanh mặt hàng bơ sữa, hương liệu

Bà Lâm Thị Tuyết Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên thông tin, hiện nay có 16 sạp chợ được cấp phép kinh doanh mặt hàng hương liệu, phụ gia thực phẩm tại chợ Kim Biên. Các tiểu thương thường xuyên được tập huấn về điều kiện kinh doanh, mới đây các tiểu thương này đã ký hợp đồng kinh doanh trong 5 năm tới, sau khi có trung tâm kinh doanh hóa chất của thành phố ra đời thì các tiểu thương này thực hiện theo chủ trương của thành phố.

Bà Lâm Thị Tuyết Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên đưa Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ đi khảo sát một số cửa hàng tại chợ.

Bà Lâm Thị Tuyết Hồng - Trưởng Ban quản lý chợ Kim Biên đưa Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ đi khảo sát một số cửa hàng tại chợ.

Theo bà Hồng, các tiểu thương kinh doanh hương liệu đều tuân thủ các quy định của pháp luật, tuy nhiên ở xung quanh khu vực chợ Kim Biên, một số cửa hàng, văn phòng đại diện của các công ty vẫn tồn tại tình trạng bày bán hóa chất, mặc dù chính quyền thành phố đã có quyết định cấm tất cả hành vi chứa trữ, kinh doanh hóa chất tại khu vực này mà phải đưa về kho ở các khu công nghiệp, nhưng do nằm ngoài sự quản lý của Ban quản lý chợ nên gặp không ít khó khăn và gây bức xúc cho người kinh doanh trong chợ.

Tại chợ Bình Tây, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác của Bộ trực tiếp khảo sát tình hình buôn bán của một số tiểu thương. Tại đây Bộ trưởng đã trao đổi với người kinh doanh và họ chia sẻ đã có tình trạng người Trung Quốc trực tiếp đưa các mặt hàng túi xách, ví, đồ tiêu dùng qua giao cho tiểu thương chợ Bình Tây kinh doanh, không thông qua sự quản lý nào của pháp luật Việt Nam.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác khảo sát tình hình buôn bán của tiểu thương ở chợ Bình Tây

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đoàn công tác khảo sát tình hình buôn bán của tiểu thương ở chợ Bình Tây

Bà Lê Thị Sang - Trưởng Ban quản lý chợ Bình Tây cho hay, Bình Tây là trung tâm thương mại lớn của TP. Hồ Chí Minh hiện có 2.358 sạp, kinh doanh hơn 40 ngành hàng với hàng nghìn loại sản phẩm, chủ yếu là túi xách, vải sợi, gia vị, đồ xi mạ, giầy dép. Các tiểu thương kinh doanh tại chợ hầu hết đều ký cam kết không bày bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc nhưng thực tế vẫn còn xẩy ra.

Bộ trưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý chợ Bình Tây

Bộ trưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban quản lý chợ Bình Tây

Ông Lê Tấn An - Phó Chủ tịch UBND quận 6 - cho rằng, theo quy định mới các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra một lần/năm, các tiểu thương cơ bản đều tuân thủ các quy định của pháp luật, tuy nhiên hàng gian, hàng giả mạo, hàng không có nguồn gốc vẫn còn xuất hiện, mặc dù công tác tuyên truyền nhắc nhở liên tục được các cơ quan ban ngành thực hiện.

Tại Trung tâm thương mại Saigon Square, Bộ trưởng và đoàn công tác trực tiếp xem kỹ những mặt hàng mang nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới song giá rất rẻ bày bán công khai và dễ dàng bắp gặp ở bất cứ cửa hàng nào tại đây. Bộ trưởng cho rằng không thể để tình trạng một trung tâm thương mại với 500 cửa hiệu bày bán hàng hóa không chính gốc công khai ngay giữa trung tâm thành phố như vậy và cần có biện pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại buổi làm việc với BQL chợ Bình Tây

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT phát biểu tại buổi làm việc với BQL chợ Bình Tây

Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tiếp tục làm việc với Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh và ghi nhận những kết quả hoạt động, những tâm tư tình cảm, nguyện vọng của cán bộ công nhân viên Cục QLTT thành phố.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh làm việc với Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh - cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2019, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 29.963 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước khoảng 54 tỷ đồng, chuyển cơ quan chức năng khởi tố 11 vụ án với giá trị hàng hóa vi phạm 10 tỷ đồng. Cùng với công tác chuyên môn, cho đến nay Cục QLTT thành phố đã thực hiện ký cam kết 32.551 văn bản không kinh doanh hàng gian, hàng giả với người kinh doanh trên địa bàn. Tuy nhiên tình trạng buôn lậu, kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa được đẩy lùi, diễn biến còn rất phức tạp. Nguyên nhân là do thành phố là trung tâm kinh tế lớn với nhiều thành phần tham gia, sự gian lận trong sản xuất kinh doanh cũng vì thế mà ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhất là hoạt động thương mại điện tử. Một nguyên nhân khác là sự phối kết hợp kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng giữa các lực lượng chưa nhuần nhuyễn, chưa quyết liệt và thiếu đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc

Ông Nguyễn Văn Bách - Quyền Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại buổi làm việc

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho rằng, TP. Hồ Chí Minh hiện chiếm 1/3 về giao dịch thương mại của cả nước, khi giải quyết được vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng ở địa bàn này thì sẽ góp phần rất lớn để bình ổn thị trường. Theo ông Linh sắp tới sẽ có những chuyên đề kiểm tra, kiểm soát sâu rộng về hoạt động kinh doanh hàng hóa và phải thực hiện trên tinh thần đồng bộ, quyết liệt để góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại.

Tại buổi họp, nhiều cán bộ thuộc Cục QLTT thành phố đã nêu nhiều vấn đề đang vướng mắc, khiến cho hoạt động chuyên ngành của QLTT thành phố bị ách tắc như thiếu nhân lực, công cụ, kho chứa hàng tang vật, nhất là kho chứa mặt hàng hóa nhất, chế độ lương bổng, vị trí công tác, sự bất cập của các văn bản pháp quy trong xử lý hàng vi phạm…

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự nỗ lực của cán bộ công nhân viên Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh về công tác chuyên môn đã đạt được từ đầu năm đến nay và tuyên dương những đóng góp của nhiều tập thể, cá nhân đã không quản ngại khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bộ trưởng cho rằng, qua khảo sát thực tế ở một số trung tâm mua bán lớn của thành phố ngày hôm nay, vấn đề hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng đang lưu chuyển trên địa bàn thành phố là rất lớn. Thực trạng này đang gây nhức nhối cho xã hội. Vấn đề là phải giải quyết ở khâu chính để bịt đường không để cho một nền kinh tế ngầm bất hợp pháp tồn tại làm băng hoại nền sản xuất trong nước, gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Cuộc chiến chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại hiện nay là rất khốc liệt nhưng không vì thế mà chùn tay. Vai trò của QLTT hiện nay là phải tìm cho ra nguyên nhân gốc rễ phát sinh để triệt tận gốc. Để làm được điều này, Bộ trưởng nhấn mạnh, nhưng bất cập, tồn tại về cơ chế, chính sách không còn phù hợp chắc chắn sẽ phải được thay đổi và phải thực thi công vụ một cách quyết liệt, đồng bộ đồng thời không khoan nhượng với những hành vi vi phạm.

Thế Vĩnh - Hoàng Tỷ

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-truong-tran-tuan-anh-xu-ly-tan-goc-re-khong-chun-tay-truoc-vi-pham-123704.html