Bộ trưởng Tư pháp Pháp đề xuất bãi bỏ giao dịch tiền mặt

Mới đây, Bộ trưởng Tư pháp Pháp Gérald Darmanin đã đề xuất việc bãi bỏ các giao dịch tiền mặt và cho rằng các hình thức thanh toán kỹ thuật số bao gồm cả tiền điện tử dễ dàng truy vết hơn.

Trong những năm gần đây, các quy định hạn chế giao dịch tiền mặt ở Pháp và toàn Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên chặt chẽ hơn. Theo Bộ trưởng Tư pháp Pháp Gerald Darmanin, việc bãi bỏ các giao dịch tiền mặt sẽ giúp giới chức kiểm soát tốt hơn hoạt động buôn bán ma túy cũng như các hành vi phạm pháp khác.

Phát biểu trước Ủy ban Thượng viện vào ngày 22/5, ông Darmanin cho biết “phần lớn các hành vi vi phạm pháp luật hàng ngày, thậm chí cả các mạng lưới tội phạm đều dựa vào tiền mặt”, ông tuyên bố rằng “việc chấm dứt sử dụng tiền mặt sẽ ngăn chặn việc hình thành các điểm buôn bán ma túy”.

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Gerald Darmanin tại Cung điện Elysee ở Paris. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Tư pháp Pháp Gerald Darmanin tại Cung điện Elysee ở Paris. Ảnh: Reuters

Từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính công, ông Darmanin thừa nhận rằng việc cấm hoàn toàn tiền mặt sẽ không xóa bỏ hoàn toàn nạn buôn bán ma túy, nhưng khẳng định rằng khi dòng tiền có thể bị truy vết, thì việc lẩn tránh sự giám sát tài chính của cả người tiêu dùng lẫn người bán sẽ trở nên khó khăn hơn.

Bộ trưởng Tư pháp cũng thừa nhận rằng các tổ chức tội phạm có thể sẽ chuyển sang sử dụng tiền điện tử thay vì tiền mặt nhưng ông cho rằng đây là một bước tiến tích cực, bởi “tiền điện tử thường dễ truy vết hơn” nhờ hệ thống blockchain và các quy định mới của EU về giám sát giao dịch. Theo một chỉ thị của Hội đồng châu Âu dự kiến có hiệu lực vào năm 2026, các nhà cung cấp dịch vụ tài sản mã hóa sẽ phải thu thập và chia sẻ thông tin về người gửi và người nhận với cơ quan thuế, về cơ bản chấm dứt việc chuyển tiền điện tử ẩn danh trong khối.

Tuy nhiên, đề xuất cấm dùng tiền mặt có thể sẽ vấp phải phản ứng từ công chúng Pháp, nơi người dân vẫn xem đây là công cụ quan trọng để bảo vệ quyền riêng tư và quản lý chi tiêu. Theo khảo sát năm 2024 của Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France), dù thanh toán bằng thẻ hiện đang chiếm ưu thế nhưng vẫn có 60% số người cho rằng việc giao dịch tiền mặt là “quan trọng hoặc rất quan trọng”. Những lợi ích khác được người dân nêu ra bao gồm: tính ẩn danh (40%), khả năng thanh toán ngay lập tức (37%), và kiểm soát chi tiêu tốt hơn (31%).

Các nhà phê bình cảnh báo rằng việc cấm hoàn toàn tiền mặt có thể làm dấy lên lo ngại về giám sát tài chính và ảnh hưởng đến quyền tự do cá nhân. Ông Darmanin thừa nhận những lo ngại này, nhưng cho rằng việc lưu thông tiền mặt bất hợp pháp gây ra rủi ro hệ thống nghiêm trọng hơn.

Tại Pháp, bất kỳ khoản thanh toán bằng tiền mặt nào vượt quá 1.000 euro cho một thực thể chuyên nghiệp đều bị cấm và có thể bị phạt tới 5%, trừ khi người trả không có tài khoản ngân hàng hoặc phương tiện thanh toán kỹ thuật số nào khác. Đối với các giao dịch giữa cá nhân với nhau, giới hạn là 1.500 euro, trừ khi hai bên ký hợp đồng bằng văn bản có đầy đủ tên tuổi và thông tin liên lạc theo hướng dẫn từ Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp.

Ở cấp độ châu Âu, Nghị viện châu Âu đã thông qua một chỉ thị áp đặt mức trần 10.000 euro cho các giao dịch tiền mặt trên toàn khối bắt đầu từ năm 2027. Theo Ủy ban châu Âu, mục tiêu áp đặt mức trần này là để bịt kín các kẽ hở pháp lý hiện tại giúp các nhóm tội phạm di chuyển các khoản tiền lớn mà không bị phát hiện.

Giang Bùi/VOV.VN (biên dịch) Theo: RT

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bo-truong-tu-phap-phap-de-xuat-bai-bo-giao-dich-tien-mat-post1201698.vov