Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp với công cuộc xây dựng và bảo vệ chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám

Giữ trọng trách Bộ trưởng trong một thời gian không dài (từ ngày 28/8/1945 đến ngày 02/3/1946), trong bối cảnh tình thế đất nước nguy nan và bộn bề công việc cấp thiết cần giải quyết, đồng chí Võ Nguyên Giáp hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặt nền móng cho việc xây dựng ngành Tổ chức nhà nước, giải quyết các vấn đề nội trị, gìn giữ an ninh trật tự, đáp ứng yêu cầu của một nhà nước non trẻ lúc bấy giờ.

VỚI CÔNG TÁC XÂY DỰNG, CỦNG CỐ CHÍNH QUYỀN CÁCH MẠNG

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền cách mạng thiết lập trên phạm vi cả nước, tuy nhiên do mới thành lập nên vẫn chưa xây dựng hệ thống chính quyền các cấp đồng bộ, kiện toàn trong phạm vi cả nước. Trong thời gian sáu tháng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Võ Nguyên Giáp đã tham mưu, chỉ đạo xây dựng trình Chính phủ ban hành 100 sắc lệnh, trong đó có 30 sắc lệnh đồng chí thay mặt Chính phủ ký ban hành. Những sắc lệnh này có tính chất pháp quy ở nhiều lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý để tổ chức bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, xây dựng đội ngũ công chức, chế độ công vụ và quản lý điều hành đất nước theo chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công việc đầu tiên trong cải tổ bộ máy hành chính công quyền là xóa bỏ các ngạch quan lại cũ của bộ máy chính quyền thực dân, tổ chức hệ thống các cơ quan chính quyền mới. Ngày 3/10/1945, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ra Sắc lệnh số 41/SL quy định tất cả các công sở và các cơ quan thuộc phủ Toàn quyền Đông Dương đã thành lập ở Việt Nam đều bị bãi bỏ. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới, giải quyết thấu đáo vấn đề công chức cũ của bộ máy chính quyền thực dân để lại, cũng như khắc phục tình trạng thiếu cán bộ, công chức thông thạo nghiệp vụ hành chính công, Sắc lệnh 41 còn quy định việc tuyển chọn và sử dụng nhân viên, công chức của hệ thống chính quyền cũ theo tiêu chí có hạnh kiểm, tư cách tốt, có trình độ nghiệp vụ cao. Đồng thời, Bộ còn đề nghị Chính phủ ra Sắc lệnh số 161/SL (ngày 23/8/1946) quy định những công chức Việt Nam vì lý do chính trị đã bị bãi chức hay cách chức trước ngày 19/8/1945, có nhu cầu sẽ được trở lại chức cũ hoặc ngạch tương đương. Ngoài ra, Bộ đã bước đầu nghiên cứu và đề nghị Chính phủ thông qua sắc lệnh về chế độ hưu bổng; chế độ tiền lương và phụ cấp. Bộ Nội vụ đã thiết lập một Hội đồng nghiên cứu và lập Dự án quy tắc chung cho các ngạch công chức Việt Nam.

Trong tình thế cấp bách của công cuộc xây dựng chính quyền mới, nhiệm vụ quan trọng nhất của Bộ Nội vụ lúc này là khẩn trương chỉ đạo, tổ chức việc xây dựng, củng cố, kiện toàn chính quyền từ Trung ương đến kỳ, tỉnh, thành phố, thị xã, huyện, xã trong cả nước. Với việc hình thành, củng cố hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước trong chính thể mới sẽ gia tăng sức mạnh bộ máy nhà nước, tạo nên sự thống nhất trong việc điều hành, quản lý đất nước và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, nhất là vấn đề liên quan dân quyền, dân sinh, giữ gìn trật tự và an ninh chính trị.

Với chính quyền Trung ương, Bộ Nội vụ đã ban hành các quy chế hoặc đề nghị Chính phủ ra các Sắc lệnh quy định nền nếp công tác, chế độ làm việc, dựa trên một cơ sở pháp lý và quy trình hành chính chặt chẽ, hiệu quả. Tính từ “sau Cách mạng Tháng Tám đến trước ngày Toàn quốc kháng chiến, chỉ tính riêng sắc lệnh có tính chất pháp quy, được đăng công báo, Bộ Nội vụ đã trực tiếp nghiên cứu xây dựng hoặc tham gia xây dựng tất cả 146 sắc lệnh trên tất cả các lĩnh vực”(1).

Đối với tổ chức Bộ Nội vụ, sau khi Chính phủ lâm thời cải tổ thành Chính phủ Liên hiệp lâm thời (ngày 1/1/1946), ngày 19/1/1946, Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Nghị định số 14/NĐ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ. Lãnh đạo Bộ Nội vụ thời kỳ này bao gồm: Bộ trưởng, Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng; cơ quan bộ có hai bộ phận là Văn phòng và các Nha: Nha Công chức và Kế toán, Nha Pháp chế và Hành chính, Nha Thanh tra và Nha Công an.

Với chính quyền địa phương, sau cách mạng, các hình thức quá độ của chính quyền cách mạng đều chuyển thành các Ủy ban nhân dânỦy ban hành chính. Tuy nhiên, việc chuyển đổi, xây dựng chính quyền mới thống nhất trong cả nước khi đó phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, phức tạp. Ở nhiều địa phương, do cán bộ phụ trách thiếu kinh nghiệm, vận dụng sai chính sách đại đoàn kết và tổ chức bầu cử không chặt chẽ, một số phần tử kỳ hào, lý dịch, quan lại, thậm chí cả phần tử phản động đã chui được vào các Ủy ban nhân dân. Cá biệt, có nơi vẫn xảy ra tình trạng "mua quan, bán tước" trong "xây dựng" chính quyền mới. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ mới tuy giàu nhiệt tình cách mạng nhưng do đa số chưa có kinh nghiệm, chưa được đào tạo về quản lý, nghiệp vụ hành chính nên trong công tác tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém mà phổ biến là nhất là thiếu đầu óc tổ chức, thiếu kỹ năng, nghiệp vụ. Khi được nắm giữ quyền lực công, một số cán bộ bắt đầu có biểu hiện tha hóa quyền lực: cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo… ảnh hưởng đến niềm tin nhân dân vào chính quyền cách mạng và tạo cớ cho hành động phá hoại, lật đổ của các thế lực thù địch từ cơ sở. Do vậy, dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuối tháng 10/1945, một Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương đã được thành lập với sự tham gia của các Đổng lý Văn phòng, Chánh Văn phòng và chuyên viên cao cấp của Bộ Nội vụ, một số Bộ trưởng và đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân Bắc Bộ, do Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khẩn trương, sau thời gian gần một tháng, dựa trên kiến nghị cụ thể của Ban nghiên cứu tổ chức chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ đã đệ trình để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 63 về tổ chức, quyền hạn, cách làm việc của Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp (xã, huyện, tỉnh, kỳ). Sắc lệnh này gồm 4 chương, 115 điều, quy định chặt chẽ các nguyên tắc và quy trình xây dựng và tổ chức các cấp chính quyền cấp trung gian và cơ sở. Với quy định này, tổ chức và hoạt động của các cấp chính quyền trung gian, cơ sở đã ổn định, đi vào nề nếp, quy củ, góp phần xây dựng nền hành chính thống nhất, tập trung, hiệu quả.

Trong xây dựng nền hành chính liêm khiết và phụng sự nhân dân, công tác thanh tra, giám sát, xử lý kỷ luật với đội ngũ cán bộ có ý nghĩa đặc biệt, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tha hóa quyền lực, đi ngược lợi ích nhân dân. Ngày 23/11/1945, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Tư pháp đã đệ trình để Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 64, về việc thành lập và quy định quyền hạn Ban Thanh tra đặc biệt và Tòa án đặc biệt. Theo đó, Ban Thanh tra đặc biệt có thẩm quyền và nhiệm vụ giám sát và thanh tra tất cả các công việc của các Ủy ban nhân dân và các cơ quan của Chính phủ, có đầy đủ quyền hạn kiểm tra tất cả các văn bản và đề nghị bắt giam những nhân viên vi phạm khuyết điểm trước khi đưa ra Hội đồng Chính phủ hay Tòa án đặc biệt để xét xử; có quyền đề nghị lên Chính phủ điều cần sửa đổi trong các cơ quan công quyền(2). Ban Thanh tra đặc biệt là tổ chức tiền thân của ngành Thanh tra Việt Nam.

Chính quyền cách mạng tuy đã được thành lập từ kết quả cuộc đấu tranh giành độc lập của toàn dân, tuy nhiên trước khi tổ chức bầu cử trong cả nước, chính quyền mới vẫn chưa thực sự có đầy đủ cơ sở pháp lý mạnh mẽ, vững chắc. Vì vậy, ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra một trong những công việc cấp bách cần làm ngay là tổ chức Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, để quy định Hiến pháp, và thành lập Chính phủ hợp hiến, hợp pháp. Trong công việc trọng đại này của đất nước, Bộ Nội vụ có đóng góp quan trọng. Ngày 8/9/1945, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ký Sắc lệnh số 14 - sắc lệnh đầu tiên về việc mở cuộc tổng tuyển cử để bầu Quốc dân Đại hội. Sắc lệnh này quy định về thời hạn, độ tuổi được tuyển cử, ứng cử, số đại biểu của Quốc dân đại hội…, trong đó có quy định thể hiện tư duy lập hiến hiện đại, tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng, là "Tất cả công dân Việt Nam cả trai và gái từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử, trừ những người bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường..."(3). Tiếp đó, theo đề nghị của Bộ Nội vụ, ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 51, gồm 12 khoản với 70 điều quy định chặt chẽ, cụ thể và chi tiết các vấn đề về tổng tuyển cử như: thời gian tổng tuyển cử, quyền ứng cử và bầu cử, vận động tuyển cử, đơn vị tuyển cử, danh sách ứng cử, danh sách bầu cử, tổ chức bầu cử, quy định về điểm phiếu, kiểm soát cuộc bầu toàn tỉnh hay thành phố, vấn đề khiếu nại và triệu tập Quốc dân đại hội..., giao cho Bộ Nội vụ và Bộ Tuyên truyền cùng phối hợp tổ chức thực hiện.

Nhận thức rõ ý nghĩa thiêng liêng của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Bộ trưởng Võ Nguyên giáp trực tiếp chỉ đạo Bộ Nội vụ những công việc cụ thể, trong đó đồng chí đặc biệt chú ý việc đảm bảo tự do, dân chủ trong bầu cử. Tại Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Bắc Bộ, ngày 5/12/1945, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh nhiều lần vấn đề đảm bảo tự do dân chủ trong bầu cử. Trên tinh thần đó, Ban phụ trách Tổng tuyển cử ở Bắc Bộ đã xuất bản tờ báo Quốc hội để giải thích và thông tin sâu rộng hơn trong dân chúng. Với các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ, Bộ Nội vụ gửi các bức điện nêu rõ ý nghĩa cuộc Tổng tuyển cử; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân địa phương trong việc vận động nhân dân bầu cử, chuẩn bị các điều kiện cần thiết, đảm bảo tính dân chủ, không được can thiệp vào, hoặc làm trở ngại quyền tự do vận động của người ra ứng cử; chỉ can thiệp trong trường hợp ứng cử viên vận động một cách không hợp pháp để giữ vững trật tự… Từ việc theo dõi sát sao công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử ở từng địa phương, Bộ Nội vụ nhận thấy nhận thấy có nhiều nhân sĩ muốn ra ứng cử nhưng không có đủ thời gian nộp đơn và vận động. Căn cứ tình hình cụ thể, báo cáo và đề nghị của Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp tiếp ký Sắc lệnh số 71/SL ngày 2/12/1945, bổ khuyết điều thứ 11, chương 5, đạo sắc lệnh ngày 17/10/1945 về thể lệ Tổng tuyển cử, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử; tiếp đó Chính phủ ra Sắc lệnh số 76 (ngày 18/12/1945) hoãn cuộc Tổng tuyển cử từ ngày 23/12/1945 sang ngày 6/1/1946. Với tinh thần nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong điều kiện kẻ thù tìm mọi cách chống phá, khủng bố, ngày 6/1/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức thành công, với 89% cử tri đi bỏ phiếu và 333 đại biểu được bầu. Sự ra đời của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất thông qua cuộc bầu cử theo nguyên tắc phổ thông, trực tiếp, bỏ phiếu kín trong cả nước, đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong quá trình xây dựng nền dân chủ, chế độ mới ở Việt Nam. Cũng trong thời gian này, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phụ trách việc thành lập Ban dự thảo Hiến pháp, góp phần vào sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 – bản hiến pháp đầu tiên, dân chủ và tiến bộ của dân tộc.

Bên cạnh nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính quyền, Bộ Nội vụ dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp còn phối hợp với nhiều Bộ khác của Chính phủ hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ khác của công cuộc nội trị, như cứu đói, phòng chống thiên tai, bình dân học vụ, lập lại kỷ cương văn hóa / xã hội...

Trên cương vụ Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp ký nhiều sắc lệnh quan trọng, liên quan mật thiết với các vấn đề dân sinh, dân quyền. Đó là: Sắc lệnh số 7 ngày 5/9/1945 về buôn bán và chuyên chở thóc gạo quy định việc buôn bán và chuyên chở thóc gạo ở Bắc Bộ hoàn toàn được tự do, Chính phủ cần thóc gạo sẽ mua thẳng của tư gia, tuy nhiên, những người đầu cơ, tích trữ gạo nếu làm ảnh hưởng đến nền kinh tế sẽ bị nghiêm phạt theo luật và bị tịch thu gia; Sắc lệnh bãi bỏ thuế thân ngày 7/9/1945; Sắc lệnh số 19 và 20 ngày 8/9/1945 về thiết lập lớp học bình dân cho nông dân thợ thuyền và bắt buộc học chữ quốc ngữ, không mất tiền trong đó quy định mục tiêu cụ thể là “Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam nào trên tám tuổi mà không biết đọc và biết viết chữ quốc ngữ sẽ bị phạt tiền”(4); Sắc lệnh số 25/SL ngày 10/9/1945 về việc ấn định cho Bộ Tài chính lấy tiền ở Kho bạc mỗi khi có việc cấp bách; Sắc lệnh số 53/SL về việc quy định về Quốc tịch Việt Nam... Những sắc lệnh đó góp phần cải thiện đời sống dân sinh, nâng cao dân trí, đảm bảo dân quyền; thể hiện rõ bản chất nhân văn, tinh thần phụng sự nhân dân, sự ưu việt của nhà nước mới - nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu

VỚI CÔNG TÁC BẢO VỆ CHÍNH QUYỀN

Mục tiêu hàng đầu của các thế lực thù địch trong và ngoài nước là tiêu diệt chính quyền cách mạng, xóa bỏ Đảng Cộng sản Đông Dương, Mặt trận Việt Minh. Bởi vậy đi đôi với xây dựng, kiện toàn chính quyền mới, việc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ và giữ vững chính quyền là công việc cấp thiết. Với tài năng thiên bẩm, bản lĩnh và sự thấu hiểu kẻ thù của mình, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng đầu tiên ngành công an, tham mưu cho Chính phủ cũng như trực tiếp chỉ đạo xóa bỏ các tổ chức phản động, đạp tan âm mưu chống phá kẻ thù, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự trị an, bảo vệ vững chắc chính quyền dân chủ nhân dân.

Thời kỳ này, cơ cấu tổ chức chính quyền chưa có Bộ Công an, ngành Công an nằm trong Bộ Nội vụ. Bởi vậy, Bộ Nội vụ có vai trò chủ chốt, trọng yếu trong bảo vệ an ninh chính trị và trật tự xã hội, bảo vệ chính quyền. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao quyền ký nhiều Sắc lệnh ban bố những vấn đề nội vụ, an ninh của đất nước. Để giữ an toàn cho ngày Tuyên ngôn Độc lập (2/9/1945), Bộ trưởng Nội vụ đã thay mặt Chính phủ lâm thời ban hành sắc lệnh số 3 tuyên bố "thiết quân luật tại Hà Nội", trong đó cấm đi lại trên phố từ 12 giờ đêm đến 6 giờ sáng, và không ai được mang khí giới, trừ những người có giấy phép. Ngày 5/9/1945, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã thừa ủy quyền Chính phủ ký Sắc lệnh cấm dân chúng đi lính, bán thực phẩm hay làm tay sai cho Pháp.

Nhận thấy sự cần thiết tổ chức bài bản ngành Công an - ngành giữ vị trí trọng yếu trong bảo vệ trật tự, an ninh, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã có chủ trương và đề xuất quan trọng. Những ngày mới thành lập ngành Công an, Bộ Nội vụ vừa sử dụng bộ máy Liêm phóng và cảnh sát cũ đi đôi với cải tổ và tập trung xây dựng tổ chức và lực lượng cán bộ mới. Ngày 24/9/1945, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Nghị định cải tổ Ty Liêm phóng theo nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hòa. Đồng chí là người nêu lên kiến nghị để Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh ngày 21/2/1946 "hợp các sở Cảnh sát và các sở Liêm phóng toàn quốc thành một cơ quan đặt tên là Việt Nam Công an vụ"(5). Việt Nam Công an vụ do một ông Giám đốc điều khiển, dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Nội vụ(6). Đây là chế định đầu tiên hình thành tổ chức ngành Công an của chế độ mới, đáp ứng những yêu cầu cấp thiết của công tác bảo vệ chính quyền, bảo vệ trị an lúc đó.

Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ thực thi nhiều sắc lệnh của Chính phủ, giao cho Ty Liêm phóng bắt những người nguy hiểm đến nền dân chủ, đưa đi an trí; thiết lập tòa án quân sự xử tội phạm làm phương hại đến nền độc lập. Ngoài tổ chức công an, Bộ Nội vụ đã xây dựng được các đội cảnh vệ ở các tỉnh để bảo vệ các cơ quan, trại giam. Ở cấp cơ sở, các tổ chức tự vệ và du kích được củng cố, tăng cường và tổ chức rộng khắp trên phạm vi cả nước, là công cụ đắc lực của chính quyền, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự xã hội và sự an toàn của nhân dân.

Với tinh thần chủ động, Bộ Nội vụ điều tra, khám phá và ngăn chặn kịp thời các âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn đặc vụ Tưởng, bọn mật thám gián điệp Pháp câu kết với các loại phản động trong các đảng phái chính trị phản động, tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác giết người của chúng, đập tan âm mưu gây rối, bắt cóc, ám sát cán bộ gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân. Căn cứ kết quả điều tra của Ty Liêm phóng Bắc Bộ, ngày 5/9/1945, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 08/SL giải tán “Đại Việt quốc gia xã hội Đảng” đã tư thông với ngoại quốc để mưu những việc có hại cho sự độc lập Việt Nam và Đại Việt Quốc dân Đảng đã âm mưu những việc hại cho sự độc lập quốc gia và nền kinh tế Việt Nam(7). Ngày 12/9/1945 Bộ trưởng Bộ Nội vụ lại thay mặt Chính phủ ký Sắc lệnh số 30/SL giải tán tổ chức “Việt Nam hưng quốc thanh niên hội” và “Việt Nam thanh niên ái quốc hội” vì hoạt động có phương hại đến lợi ích quốc gia(8)… Bên cạnh đó, lực lượng Công an phối hợp với lực lượng, tự vệ, du kích đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động quần chúng xây dựng chính quyền, xây dựng cuộc sống mới, bài trừ các tệ nạn xã hội và chống tội phạm hình sự.

Thực hiện chủ trương hòa hoãn của Đảng và Chính phủ, nêu cao thiện chí hòa bình của ta, tránh xung đột không cần thiết, Bộ Nội vụ ban hành Thông tư quy định cách xử trí với những Pháp kiều: không khiêu khích, cần đối đãi ôn hòa, bảo vệ tính mạng tài sản của họ, tránh xung đột gây tổn hại đến tình hình trị an và ngoại giao của Chính phủ. Đồng thời, phải đề phòng cẩn mật và sẵn sàng đối phó với mọi hành vi xâm phạm chủ quyền.

Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Nội vụ, đồng chí Võ Nguyên Giáp còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiều nhiệm vụ đối ngoại đặc biệt, như: tiếp xúc với Phái bộ Mỹ mới sang Việt Nam, gặp gỡ với J. Xanh-tơ-ny tại phòng lớn của Phủ Toàn quyền, chuẩn bị tiến tới Hiệp định ngày 6/3/1946 … Tại cuộc gặp gỡ đó, đồng chí tỏ rõ thiện chí, tranh thủ mọi cơ hội đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình, kéo dài hòa hoãn, có thêm thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc sắp bùng nổ.

Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Việt Nam

Tháng 3/1946, Chính phủ Liên hiệp kháng chiến được thành lập. Đồng chí Võ Nguyên Giáp đảm nhận chức vụ mới, là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ liên hiệp, chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ do cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ trí thức, có uy tín lớn, không thuộc đảng phái nào đảm trách.

Trong bối cảnh đất nước mới giành độc lập, lại phải đối phó với thù trong giặc ngoài, công tác nội trị và trị an, xây dựng và củng cố chính quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi đó là việc xây dựng nền móng chế độ mới, tạo nên sức mạnh nội lực cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc. Để giải quyết khối lượng công việc đồ sộ, phức tạp vừa có tính cụ thể, vừa cấp bách, vừa mang tính định hướng, xây dựng nền tảng, đòi hỏi người đứng đầu Bộ Nội vụ - một cơ quan trọng yếu của Chính phủ, phải là người có tầm nhìn xa trông rộng, nhanh nhạy, sáng tạo, quyết liệt, nhiệt huyết vì dân, vì nước, có cả tài năng và uy tín, bản lĩnh và sự tinh tường. Có lẽ bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng tin tưởng lựa chọn, giao trọng trách đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng đầu tiên của Bộ Nội vụ. Trên cương vị Bộ trưởng chỉ trong sáu tháng, Bộ trưởng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc các nhiệm công tác của Bộ, góp phần tạo nên cơ sở vững chắc cho sự phát triển của chính quyền dân chủ nhân dân trong các giai đoạn sau này./.

TS. Lê Thị Hằng

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/nghien-cuu/bo-truong-vo-nguyen-giap-voi-cong-cuoc-xay-dung-va-bao-ve-chinh-quyen-sau-cach-mang-thang-tam-135185