Bộ trưởng Y tế kiến nghị chế độ chính sách mới, đội ngũ y, bác sĩ hy vọng được tăng lương
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa kiến nghị có chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, bác sĩ chuyên khoa, vùng khó khăn mở ra hy vọng tăng lương cho đội ngũ y, bác sĩ.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, hiện nay, thu nhập của cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo chuyên khoa, vùng khó khăn vẫn còn chưa tương xứng. Trong khi nhiệm vụ mà họ phải thực hiện cũng rất nặng nề.
Tình trạng này dẫn tới vấn nạn chảy máu chất xám đối với y tế cơ sở tồn tại nhiều năm nay. Đơn cử như tại tỉnh Đồng Nai trong năm 2018 đã có 97 bác sĩ nghỉ việc.
Năm 2017 số bác sĩ nghỉ việc cũng tương đương và nhiều người trong đó có trình độ CKI (chuyên khoa 1), CKII (chuyên khoa 2), thạc sĩ. Việc bác sĩ từ công nhảy sang tư đến thời điểm này chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Người bác sĩ luôn đối mặt với trách nhiệm và rủi ro nên cần có chính sách đãi ngộ tương xứng (ảnh minh họa).
Nguyên nhân của vấn đề này đã được nhiều chuyên gia phân tích trước đó như: “Công việc của người thầy thuốc đang ngày càng căng thẳng, nhiều áp lực về cả thời gian và từ phía người bệnh, nhưng mức thu nhập thấp, cho nên việc các bác sĩ xin nghỉ việc để chuyển công tác sang các cơ sở y tế tư nhân là khó tránh khỏi.
Cùng khối lượng công việc, áp lực hằng ngày như các cơ sở y tế công lập nhưng các cơ sở y tế tư nhân, liên kết nước ngoài sẵn sàng trả lương cao hơn nhiều, không ít bác sĩ khi chuyển sang được trả lương hằng tháng lên đến cả trăm triệu đồng. Nhiều chuyên gia trong ngành thẳng thắn cho rằng, cứ với cơ chế như hiện nay, bệnh viện công lập khó có thể phát triển, thì việc bác sĩ xin nghỉ việc hàng loạt là bình thường.
Tại Nghị quyết 46-NQ/TW ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị đã khẳng định: “Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tín, công tác tại Bệnh viện Răng, Hàm, Mặt Trung ương từng cho rằng: “Chính sách tiền lương trong ngành y còn mang nặng tính bình quân, hạn chế tinh thần lao động tự giác, sáng tạo, nhiệt tình công tác của y sĩ, bác sĩ.
Thực tế là các biện pháp kinh tế có sức điều tiết xã hội rất mạnh. Cũng vì lý do kinh tế và phát triển chuyên môn, nhiều bác sĩ không muốn làm việc tại tuyến y tế cơ sở, bao gồm các cơ sở y tế cấp huyện và cấp xã".
Theo ông Tín: "Chúng ta muốn đầu tư cho y tế cơ sở mà thiếu con người thì việc đầu tư đó khó đem lại hiệu quả. Bên cạnh đó, việc quá tập trung vào mục tiêu kinh tế khiến cho một bộ phận y sĩ, bác sĩ chưa dành trọn thời gian nâng cao chuyên môn, chăm sóc người bệnh".
"Để thực hiện nhiệm vụ cải cách chính sách tiền lương, nhà ở, chính sách đãi ngộ, động viên, tôi đề xuất cần tăng lương, phụ cấp và có chế độ đặc thù cho các bác sĩ công tác lâu dài ở y tế cơ sở. Đó là giải pháp căn bản để thực hiện chỉ tiêu số bác sĩ/vạn dân, số trạm y tế xã có bác sĩ nêu trong nghị quyết đại hội đảng bộ cấp tỉnh và cấp huyện. Ngành y là ngành chuyên môn, kỹ thuật, có hàm lượng khoa học cao, vai trò của những người trực tiếp khám, chữa bệnh hết sức quan trọng. Nhà nước cần có chế độ tương xứng để “giữ chân” cán bộ chuyên môn trong các cơ sở y tế công lập", ông Tín nêu quan điểm.
Bác sĩ Nguyễn Văn Tín cho biết: "Tôi cũng đề xuất có mức lương đặc thù đối với cán bộ chuyên môn, kỹ thuật, những người trực tiếp khám, chữa bệnh, nhất là nhân viên y tế có tay nghề cao. Do đó, cần quy định mức lương khởi điểm của bác sĩ được đào tạo hệ sáu năm khác với bác sĩ đào tạo hệ bốn năm".
"Thời gian học nghề y kéo dài và tốn kém hơn nhiều nghề khác, trong khi người hành nghề y phải liên tục học nâng cao, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn trong môi trường y tế có nhiều rủi ro bệnh tật.
Chúng tôi xác định, đất nước còn nghèo, đội ngũ cán bộ y tế có trách nhiệm chia sẻ khó khăn với đất nước. Trong điều kiện đó, quan trọng nhất là bảo đảm công bằng giữa lao động và tiền lương, tạo động lực làm việc cho cán bộ y tế”, bác sĩ Tín nêu.
Cũng liên quan đến vấn đề tiền lương, mới đây nhất tại Hội nghị Toàn ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã kiến nghị trong năm 2021 có chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo chuyên khoa và vùng khó khăn.
Việc Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiến nghị đã mang theo nhiều kỳ vọng lớn từ đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế. Nhiều người đang kỳ vọng kiến nghị nhanh chóng trở thành chính sách.
Thực tế thì câu chuyện tăng lương cho các bộ y tế cũng không khác nhiều so với chuyện tăng lương ngành Giáo dục. Bộ Giáo dục & Đào tạo nhiều năm qua cũng có những đề xuất mạnh mẽ trong việc luật hóa quy định tiền lương của giáo viên.
Đặc biệt, trong quá trình biên soạn Luật Giáo dục sửa đổi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng đề xuất đưa vào luật quy định: “xếp lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Tuy nhiên, đến khi Luật Giáo dục sửa đổi được ban hành thì không còn nội dung trên. Nguyên nhân là có nhiều ý kiến không đồng ý từ nhiều bộ ngành.
Đơn cử trong văn bản góp ý của Bộ Nội vụ viện dẫn các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và cho rằng: “Trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành khi xây dựng luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề”.
Theo Bộ Nội vụ, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và đã ban hành một số văn bản về chế độ phụ cấp đối với nhà giáo.
Đến nay, nhà giáo được xếp lương theo chức danh nghề nghiệp quy định tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước), được hưởng các chế độ phụ cấp lương đối với viên chức trên cùng địa bàn làm việc và được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề. Đây là sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước đối với nhà giáo.
Chính vì vậy, Bộ Nội vụ đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại khoản 23 Điều 1 Dự án Luật. Vấn đề này cần phải được nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ khi cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị trong thời gian tới, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.
Vấn đề này đã từng làm nóng nhiều diễn đàn, trong đó có cả trên diễn đàn của Quốc hội. Đơn cử bà Ngô Thị Minh khi còn là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long rằng, Bộ trưởng làm rõ hơn trách nhiệm thẩm định của mình với Luật Giáo dục về hai vấn đề quan trọng đối với việc cụ thể hóa vấn đề Nghị quyết 29 của Đảng về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hai nội dung là Nghị quyết quy định lương của nhà giáo phải được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của hệ thống hành chính sự nghiệp và việc phổ cập bắt buộc 9 năm học kể từ năm 2020.
Qua thẩm định của Bộ Tư pháp thì 2 nội dung này được đưa ra khỏi dự thảo luật, chúng tôi mong Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói rõ hơn quan điểm của mình về hai nội dung này?”.
Bộ trưởng Lê Thành Long đã trả lời: "Theo nguyên lý nhất quán là các vấn đề về chế độ chính sách không quy định trong pháp luật chuyên ngành. Việc quy định tiền lương giáo viên trong luật Giáo dục có phần ảnh hưởng nguyên tắc này".
Điểm qua một vài vấn đề liên quan đến lương như vậy để thấy để thay đổi được chính sách về tiền lương dù là nghề giáo hay nghề y cũng thật sự khó khăn.
Được biết, tại Hội Nghi toàn ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kiến nghị: “Tăng đầu tư cho y tế trong kế hoạch trung hạn 2021 – 2025, tập trung đầu tư cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện vùng khó khăn, biên giới, hải đảo. Tăng huy động từ xã hội, vốn ngoài ngân sách theo tinh thần nghị quyết 20/NQ-TW".
Ông Long cũng đề nghị đổi mới tài chính y tế theo hướng không giao dự toán quỹ bảo hiểm y tế để chuyển sang hình thức phù hợp, giải quyết dứt điểm việc nợ đọng quỹ bảo hiểm y tế từ năm 2017 đến nay;Có chế độ chính sách cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng, theo chuyên khoa và vùng khó khăn”.
Theo một số chuyên gia y tế, các kiến nghị trên đều được đánh giá là đúng và trúng những vấn đề tồn tại, bất cập của ngành y trong nhiều năm qua.