Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long: Chủng virus lây rất nhanh, mạnh
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long hôm qua nhận định: 'Chủng virus Ấn Độ có khả năng lây lan rất nhanh, mạnh, nhân lên, phát tán mầm bệnh rất rộng. Hình thái lây nhiễm cũng khác biệt khi lây nhiễm chủ yếu trong khu công nghiệp'.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bắc Giang ảnh: Danh Lam
“GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, báo cáo với tôi, thông thường, nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sau 3-4 ngày, virus mới mọc, nhưng lần này, ngày thứ 2 virus đã mọc rất nhiều, phát tán mầm bệnh rất nhanh. Chủng virus lần này nếu xử lý chậm là gặp rủi ro lớn”, ông Nguyễn Thanh Long nói.
Chiều 25/5, bên lề cuộc họp khẩn của Bộ Y tế về diễn biến tình hình dịch tại tỉnh Bắc Giang, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết, biến chủng virus gây dịch đợt này đã khiến 9 bệnh nhân tử vong. Tiểu ban Điều trị bệnh nhân COVID-19 đang xem xét và đánh giá những ca tử vong này để có thể nhận biết sớm diễn biến tăng nặng của bệnh.
Thay đổi cách đánh giá tình trạng bệnh
“Chúng tôi đang chuẩn bị phần mềm theo tiêu chí quốc tế, cập nhật từ các nước trên thế giới gồm 5-10 tiêu chí để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh nhân. Ví dụ, thấy nhịp thở bệnh nhân tăng 22 lần phải cảnh giác ngay, hoặc lưu ý chỉ số ôxy trên máu, một số chỉ số lâm sàng khác. Có thể bệnh nhân vẫn thấy khỏe nhưng các chỉ số đó sẽ cảnh báo cho bác sĩ biết tình trạng thực sự của bệnh nhân đã chuyển trạng thái xấu đi. Và nhờ đó, các bác sĩ chuẩn bị sẵn các yếu tố như ôxy máy thở và các phương tiện cấp cứu hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên”, ông Khuê cho biết.
Tối 25/5, Bộ Y tế cho biết, trong ngày Việt Nam ghi nhận thêm 447 ca mắc, trong đó 3 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tiền Giang. Các ca mắc còn lại được ghi nhận tại Bắc Giang với 375 ca, Bắc Ninh 28, Hà Nội 23, Lạng Sơn 7, Hà Nam 5, Đà Nẵng 2, Thái Bình, TPHCM, Điện Biên, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều mỗi nơi 1 ca.
Phần mềm đưa ra các tiêu chí giúp bác sĩ theo dõi bệnh nhân tốt nhất. Nhóm giáo sư đầu ngành trung ương sẽ cùng nhóm điều trị theo dõi các cảnh báo từ phần mềm. Nếu người bệnh diễn biến nặng, sẽ xuất hiện cảnh báo đỏ để các bác sĩ đang điều trị nhận biết sớm. “Chúng tôi đang đưa phần mềm trí tuệ nhân tạo vào các bệnh viện để sàng lọc các trường hợp từ F1 có thể thành F0 hoặc các trường hợp cần sàng lọc sớm để phát hiện F0. Qua điều trị telehealth (điều trị từ xa) sẽ giúp cho các tỉnh thành có thể điều trị tốt cho bệnh nhân”, ông Khuê nói.
Theo các chuyên gia, đợt dịch này số bệnh nhân nặng ít thay đổi hơn đợt trước. Tuy nhiên, lần này xuất hiện bệnh nhân trẻ tuổi bệnh nền không rõ, nhưng diễn biến viêm phổi nhanh và tử vong.
“Trong nửa tháng có hơn 2.000 bệnh nhân với 5 ca tử vong đều tuổi cao bệnh nền nặng thì trên thực tế chúng ta đã làm chủ được tình hình. Nhưng tại khu công nghiệp tăng ca nặng thì phải cảnh giác, tập trung để giảm tỷ lệ tử vong”, ông Khuê nói.