Bộ trưởng Y tế: 'Nhiều cơ sở y tế trở thành con nợ'
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, sau dịch COVID-19 nhiều cơ sở y tế đang trở thành con nợ, khiến việc đấu thấu thuốc và trang thiết bị y tế gặp khó khăn.
Chiều 27/10, tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Y tế giải trình 3 vấn đề do các đại biểu Quốc hội đặt ra gồm: tình trạng nợ đọng và chậm thanh toán bảo hiểm y tế; thiếu hụt nhân lực y tế và thiếu vật tư y tế.
Giải trình vấn đề các bệnh viện bị nợ đọng và chậm thanh toán bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu nguyên nhân do vướng mắc liên quan đến triển khai Luật Bảo hiểm y tế và Nghị định 146 có những quy định chưa thống nhất.
“Những năm gần đây, các bệnh viện, cơ sở y tế bị nợ đọng do việc thanh toán theo tổng mức chưa đáp ứng yêu cầu. Nhiều cơ sở y tế thực sự trở thành con nợ. Do các chi phí khám chữa bệnh bỏ ra chưa được thanh toán nên việc triển khai khám chữa bệnh khó khăn, việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế, thuốc gặp khó vì nợ các nhà thầu chưa thanh toán được”, bà Lan nói.
Để giải quyết vấn đề này, theo bà Lan, Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi Nghị định 146 và đang được Bộ Tư pháp thẩm định. Trước mắt, Bộ Y tế trình Chính phủ nghị quyết về việc đảm bảo thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế để giải quyết khó khăn trong thanh toán vào năm 2021 và hiện nay là nghị định này.
Về thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, Bộ trưởng Y tế thông tin không chỉ Việt Nam mà nhiều nước xảy ra tình trạng chuyển dịch làn sóng nguồn nhân lực từ khu vực công sang khu vực tư nhân. Trong đó Việt Nam có điểm đặc biệt, như thuộc nhóm nước có tỷ lệ nhân viên y tế trên quy mô dân số ở mức thấp hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới. Chúng ta duy trì tỷ lệ 10 bác sĩ và 3 điều dưỡng trên 10.000 dân. Trong khi đó, tình hình nhân viên y tế công nghỉ việc chuyển sang công tác tại khu vực tư cũng tăng gần đây.
Qua quá trình triển khai thực hiện chính sách rà soát, đánh giá nhân viên y tế nghỉ việc, Bộ trưởng Y tế cho biết quy mô và phạm vi dịch chuyển diễn ra ở nhiều cấp, nhiều tuyến từ cấp y tế cơ sở, trạm y tế đến bệnh viện địa phương, Trung ương. Các bệnh viện lớn xảy ra hiện tượng này.
Về giải pháp, lãnh đạo Bộ Y tế đã trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 56 về hỗ trợ phụ cấp đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng và chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giải trình về vấn đề thiếu thuốc và vật tư y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan phân tích 2 yếu tố quan trọng là việc đăng ký lưu hành kịp thời sản phẩm thuốc, trang thiết bị y tế và việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế của các cơ sở y tế.
Với việc đăng ký sản phẩm thuốc và trang thiết bị y tế vừa qua, Bộ Y tế đã công bố danh mục trên 10.000 thuốc hết hiệu lực đăng ký lưu hành trong năm 2022 tiếp tục được cấp giấy lưu hành đến ngày 31/12. Vì thế, cơ bản đảm bảo được nguồn cung ứng thuốc trên thị trường của năm 2022, đáp ứng kịp thời thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân và phòng chống dịch.
Tuy nhiên bà Lan thừa nhận nguồn cung ứng đảm bảo, triển khai thực tiễn vướng mắc liên quan đấu thầu khiến trong một số thời điểm, một số cơ sở y tế thiếu thuốc cục bộ. “Trong quá trình triển khai chúng tôi nhận thấy nhiều quy định đã rõ nhưng nhiều nơi còn lúng túng, Bộ đang tăng cường hướng dẫn và hỗ trợ các đơn vị tập trung đấu thầu”, bà Lan nói.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/bo-truong-y-te-nhieu-co-so-y-te-tro-thanh-con-no-ar709912.html