Bộ trưởng Y tế phản hồi đề nghị sớm 'thông tuyến' khám chữa bệnh BHYT toàn quốc

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan vừa có ý kiến phản hồi đề nghị sớm 'thông tuyến' khám chữa bệnh BHYT toàn quốc và xem xét thực hiện khám chữa bệnh BHYT kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật tại các cơ sở y tế để thuận tiện cho nhân dân.

Xem xét thực hiện khám chữa bệnh BHYT kể cả thứ Bảy, Chủ nhật

Liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, cử tri thành phố Cần Thơ trong ý kiến gửi trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV đề nghị Bộ Y tế xem xét thực hiện khám chữa bệnh BHYT kể cả ngày thứ Bảy, Chủ nhật tại các cơ sở y tế để thuận tiện cho nhân dân.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết tại khoản 2, Điều 2, Nghị định 96/2023 của Chính phủ quy định giờ làm việc hành chính của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở xác định, công bố để giải quyết các công việc hành chính của cơ sở, bảo đảm phù hợp với quy định về thời giờ làm việc của pháp luật về lao động.

Khoản 10, Điều 27, Nghị định 146/2018 cũng quy định thanh toán chi phí khám chữa bệnh đối với cơ sở có tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, ngày lễ. Theo đó, người có thẻ BHYT đến khám chữa bệnh được Quỹ BHYT thanh toán trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT.

Cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm bảo đảm về nhân lực, điều kiện chuyên môn, công khai những khoản chi phí mà người bệnh phải chi trả ngoài phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT và phải thông báo trước cho người bệnh; thông báo bằng vǎn bản cho cơ quan BHXH để bổ sung vào hợp đồng khám chữa bệnh trước khi thực hiện hoạt động khám chữa bệnh vào ngày lễ, ngày nghỉ để làm cơ sở thanh toán.

"Như vậy khi khám bệnh vào thứ Bảy, Chủ nhật đối với các bệnh viện có tổ chức khám chữa bệnh BHYT vào ngày nghỉ, người có BHYT vẫn sẽ được chi trả trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT", Bộ trưởng Y tế cho biết.

Đối với các bệnh viện không tổ chức khám chữa bệnh vào thứ Bảy, Chủ nhật, người bệnh được xác định là đúng tuyến BHYT trong trường hợp cấp cứu.

Theo quy định, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh và bất cứ thời gian nào. Trong ảnh là người nhà bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai chờ trước cửa Trung tâm A9. Ảnh: Phạm Hải

Theo quy định, người bệnh được cấp cứu tại bất kỳ cơ sở khám chữa bệnh và bất cứ thời gian nào. Trong ảnh là người nhà bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai chờ trước cửa Trung tâm A9. Ảnh: Phạm Hải

Đề nghị sớm thông tuyến khám chữa bệnh BHYT toàn quốc

Cử tri thành phố Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm thông tuyến khám chữa bệnh BHYT toàn quốc. Theo Bộ trưởng Y tế, việc mở rộng chính sách thông tuyến lên tuyến Trung ương (cho phép chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh trái tuyến) cần được nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng.

Điều này nhằm tránh tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến Trung ương, vốn chỉ chiếm chưa đến 100 cơ sở trong tổng số gần 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc, đồng thời đảm bảo chất lượng điều trị và sự cân đối Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo người đứng đầu ngành y tế, các bệnh viện tuyến Trung ương được giao nhiệm vụ chuyên môn cao như điều trị bệnh nặng, triển khai kỹ thuật chuyên sâu, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực, do đó không thể tập trung vào điều trị các bệnh lý thông thường hoặc chǎm sóc ban đầu.

"Nếu quá tải, nguy cơ xảy ra sai sót, tai biến y khoa sẽ tăng cao, làm giảm chất lượng và hiệu quả điều trị, ảnh hưởng đến người bệnh", Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Danh sách các bệnh viện thuộc Bộ Y tế được xếp cấp chuyên sâu

Ngoài 4 bệnh viện được xếp cấp chuyên sâu kỹ thuật cao, gồm: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Đa khoa Trung ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, có 23 bệnh viện khác được xếp cấp chuyên sâu.

Cụ thể, ở Hà Nội có 18 bệnh viện cấp chuyên sâu gồm: Hữu nghị Việt Đức, Nhi Trung ương, E, K (3 cơ sở), Nội tiết Trung ương, Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội, Phổi Trung ương, Mắt Trung ương, Da liễu Trung ương, Y học cổ truyền Trung ương, Châm cứu Trung ương, Tâm thần Trung ương I, Lão khoa Trung ương, Tai-Mũi-Họng Trung ương, Phụ sản Trung ương, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y Hà Nội và Viện Huyết học truyền máu Trung ương.

Ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác có 5 bệnh viện: Răng hàm mặt Trung ương TP Hồ Chí Minh, Thống Nhất, Đa khoa Trung ương Cần Thơ, C Đà Nẵng và Đa khoa Trung ương Thái Nguyên.

Ngày 1/1/2025, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 01 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT trong đó có danh mục 62 bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo không cần giấy chuyển viện, người bệnh vẫn được hưởng 100% mức hưởng BHYT; quy định chuyển người bệnh về cơ sở khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

Ngoài 62 bệnh, nhóm bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được lên thẳng bệnh viện cấp chuyên sâu mà không cần giấy chuyển viện, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục 105 bệnh, nhóm bệnh được khám chữa tại cơ sở cấp cơ bản, người dân được thanh toán BHYT tối đa trong phạm vi được hưởng.

Hiện, trong 48 cơ sở y tế thuộc Bộ Y tế (trước gọi là tuyến trung ương), có 19 đơn vị được xếp cấp cơ bản như Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới... Nhiều bệnh viện thực hành của các trường đại học y dược như: Bệnh viện Đại học kỹ thuật Y tế Hải Dương, Bệnh viện Đại học Y Thái Bình, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng, Bệnh viện Đại học Y Dược Cần Thơ hay Bệnh viện Tuệ Tĩnh thuộc Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam... được xếp cấp cơ bản.

Bệnh nhân mắc các bệnh trong danh mục 105 bệnh trên đây được đến thẳng các bệnh viện này mà không cần giấy chuyển viện.

Võ Thu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-y-te-phan-hoi-de-nghi-som-thong-tuyen-kham-chua-benh-bhyt-toan-quoc-2363155.html