Bộ truyện Doraemon đã đến Việt Nam như thế nào?

Đằng sau tượng đài truyện tranh mèo máy Doraemon là một hành trình dài của những người biên tập. Sau 30 năm nhìn lại, hành trình đầy khó khăn cũng thật vinh quang.

 Ảnh tư liệu của Nhà xuất bản Kim Đồng được phục chế màu. Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Ảnh tư liệu của Nhà xuất bản Kim Đồng được phục chế màu. Nguồn: Nhà xuất bản Kim Đồng.

Doraemon là nhân vật truyện tranh nổi tiếng tại nhiều nước châu Á từ những năm 1990. Với hơn 30 năm xuất hiện tại Việt Nam, chú mèo máy dường như chưa bao giờ hết hấp dẫn trong mắt độc giả nhí.

Tuy nhiên, hành trình để trở thành một tượng đài đi sâu vào văn hóa đại chúng như vậy không phải là điều dễ dàng. Đã có những nỗi lo, lời phê phán và sự bất đồng từ nhiều phía, nhưng sau cùng với sự nỗ lực và tinh thần đổi mới, đội ngũ biên tập truyện tranh Doraemon đã thành công.

Nhà văn Lê Phương Liên, biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng, người tham gia vào quá trình xuất bản bộ truyện Doraemon tiếng Việt kể hành trình này.

Nhiều người lo rằng Doremon sẽ thất bại

- Thưa nhà văn Lê Phương Liên, đâu là cơ duyên giúp Nhà xuất bản Kim Đồng lần đầu biết tới bộ truyện tranh Doraemon?

- Từ cuộc tập huấn Mùa thu năm 1991 với Trung tâm văn hóa Châu Á thuộc UNESCO (ACCU), Nhà xuất bản Kim Đồng đã có hai người bạn quốc tế đáng quý. Đó là nữ họa sĩ Noriko Matsui ( Nhật Bản) về sau là người phổ biến nghệ thuật tranh truyện Kamishibai ở Việt Nam và ông Wiriya Sirisingh, chủ tịch một nhà xuất bản tư nhân ở Thái Lan.

Ông là người giới thiệu với Nhà xuất bản Kim Đồng bộ sách Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio (Nhật Bản) đã được dịch sang tiếng Thái Lan. Theo ông Sirisingh, bộ truyện được trẻ em Thái Lan rất yêu thích. Thông tin này đã được ông Nguyễn Thắng Vu (khi ấy là giám đốc, tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng) rất chú ý. Ông Vu bày tỏ với ông Wiriya Sirisingh niềm mong muốn tìm đọc bộ sách này. Sau khi về nước, ông Sirisingh đã gửi ngay cho Nhà xuất bản Kim Đồng một số cuốn sách Doraemon phiên bản tiếng Thái Lan.

- Vào thời điểm đó, mọi người có cảm xúc gì khi đọc Doraemon?

- Chúng tôi cảm thấy những trang đầu của cuốn truyện này rất khó hiểu. Vì mọi người đã quen với kiểu đọc tranh ở trên, câu chữ ở dưới chứ không phân khung như này. Có những khung tranh chỉ viết mỗi tiếng “bíp…bíp”, chúng tôi càng không nắm được văn cảnh của câu chuyện. Vì vậy, một số người cho rằng xuất bản bộ truyện này quá “liều mạng”, chúng có thể thất bại và khiến nhà xuất bản thua lỗ.

 Phiên bản đầu tiên cuốn truyện Doraemon được in tại Việt Nam mà nhà văn Lê Phương Liên còn lưu giữ. Ảnh: Đức Huy.

Phiên bản đầu tiên cuốn truyện Doraemon được in tại Việt Nam mà nhà văn Lê Phương Liên còn lưu giữ. Ảnh: Đức Huy.

Hơn nữa, để dịch thoát được thần thái lãng mạn trẻ thơ của bộ truyện quả thực không hề dễ dàng. Nhà xuất bản Kim Đồng rất trân trọng những bản dịch khai phá nội dung bộ sách Doraemon của ông Nguyễn Quý Quý (từng là cán bộ tại Bộ Ngoại Giao) và ông Đoàn Ngọc Cảnh (chuyên gia Nhật Bản tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng), nhưng không thể đưa vào kế hoạch biên tập.

Thế rồi khi đọc những bản dịch từ tiếng Thái của dịch giả Việt Hùng (tên thật là Nguyễn Đức Kim) tôi, ông Nguyễn Thắng Vu và một số cán bộ khác tin rằng bộ truyện tranh Doraemon có tính giáo dục sâu sắc sẽ đem lại cho trẻ em Việt Nam một niềm vui vô bờ bến từ chú mèo máy Doraemon!

- Trong quá trình biên tập, bộ truyện đã được Việt hóa ra sao?

- Từ quyết định sẽ biên soạn bộ sách Doraemon thành một phiên bản tiếng Việt, ông Nguyễn Thắng Vu đổi tên các nhân vật cho dễ nhớ với người đọc trong nước. Chỉ riêng Nobita nhân vật chính được giữ nguyên. Đó là một cái tên độc đáo mang ý nghĩa sâu sắc đặc trưng của bộ truyện Doraemon. No-bi-ta được cấu tạo bởi ba chữ. “Ta” (tôi), “bi” đọc âm tiếng Anh chữ “be” nghĩa tiếng Anh: “Là”, “No” nghĩa tiếng Anh là “không”. Nobita có nghĩa: “Tôi là số 0”, “Tôi không là gì cả”. Nhân vật cậu bé Nobita yếu kém mọi mặt nên cần có người bạn Doraemon bên cạnh để thúc đẩy Nobita thay đổi bản thân.

 Những trang bản thảo của bà Lê Phương Liên từ những năm 1997-1998.

Những trang bản thảo của bà Lê Phương Liên từ những năm 1997-1998.

Đồng thời, Giám đốc nhà xuất bản Kim Đồng lúc bấy giờ giao nhiệm vụ cho tôi: “Người đọc Việt Nam chưa biết Doraemon là cái gì? Bây giờ cô phải viết một lời dẫn truyện để người đọc quen biết với các nhân vật chính của truyện. Như một chiếc chìa khóa để mở chiếc cổng bước vào tòa lâu đài Đô rê mon”.

Sau đó ông Nguyễn Thắng Vu vào TP.HCM mang bản thảo, lời dẫn truyện của tôi cùng khoảng hơn 1.000 trang bản dịch của các truyện ngắn Doraemon từ bản tiếng Thái và các bản dịch truyện ngắn từ tiếng Nhật để đối chiếu. Ông sẽ giao cho họa sĩ Đức Lâm sử dụng các bản dịch để biên soạn ra bản tiếng Việt.

Cuối cùng, ngày 11/12/1992, bốn tập Đô rê mon chú mèo máy thông minh (tên gọi trước đây của bộ truyện Doraemon) đầu tiên đã ra mắt bạn đọc ở TP.HCM. Khi đó, ông Nguyễn Thắng Vu cũng không thể tưởng tượng nổi bộ sách đã thành công ngoài mong đợi như thế nào!

Thành công không dễ dàng của mèo máy Doraemon

- Khi ra mắt bộ truyện Doraemon, bà nhận thấy công chúng phản ứng như nào?

- Cơn sốt Doraemon không chỉ ấn tượng với bạn đọc trẻ em mà còn khiến cả giới nhà văn, họa sĩ Việt Nam rung động. Ngày 20/4/1993, Hội đồng Văn học thiếu nhi thuộc Hội Nhà văn Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng đã phối hợp tổ chức cuộc Hội thảo “Bàn về Viết và Vẽ cho thiếu nhi qua Đô rê mon”. Cuộc hội thảo đã có hơn 80 nhà văn, họa sĩ ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc tham dự.

 Nhà văn Lê Phương Liên xem lại các trang bản thảo truyện tranh Doraemon.

Nhà văn Lê Phương Liên xem lại các trang bản thảo truyện tranh Doraemon.

Trong cuộc hội thảo có nhiều ý kiến hoan nghênh bộ tranh truyện Đô rê mon chú mèo máy thông minh do Nhà xuất bản Kim Đồng chọn lọc giới thiệu với bạn đọc thiếu nhi Việt Nam một món ăn tinh thần hấp dẫn, bổ ích. Nhiều ý kiến đã phân tích về nội dung và tranh vẽ của tác giả Fujiko. F. Fujio như là một bài học kinh nghiệm cho nhà văn, họa sĩ Việt Nam chuyên sáng tác sách cho thiếu nhi.

Tuy nhiên cũng có những ý kiến phê phán, đặc biệt từ phía phụ huynh. Họ cho rằng ngôn ngữ trong truyện không phù hợp với trẻ em Việt Nam, rằng nó không mang tính giáo dục cao và thậm chí có phần "kích động bạo lực". Khi đi ra hiệu kính mắt, người bán kính biết tôi là biên tập viên của bộ truyện Doraemon còn nói rằng: “Bà làm hỏng mắt con tôi”.

- Vậy bà đã làm thế nào để đối mặt với những sự phê phán đó?

- Tôi luôn cố gắng giải thích rằng ngôn ngữ và hình ảnh trong truyện tranh Nhật Bản, đặc biệt là Doraemon, không phải là điều gì tiêu cực hay xấu xa. Đây chỉ là một hình thức kể chuyện khác, một cách tiếp cận mới giúp trẻ em mở rộng tầm nhìn, phát triển trí tưởng tượng và khám phá những điều mới lạ.

Tôi đã nhiều lần khẳng định rằng, truyện tranh không chỉ đơn thuần là giải trí, mà còn là một công cụ giáo dục đầy tiềm năng. Như trong trường hợp của Doraemon, nó giúp các em hiểu về tình bạn, lòng dũng cảm và khát khao phiêu lưu, khám phá.

Dần dần, qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, Doraemon đã trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ của nhiều thế hệ trẻ em Việt Nam. Những câu chuyện về chú mèo máy đến từ tương lai đã giúp các em mở rộng tầm nhìn, không chỉ về thế giới xung quanh mà còn về khả năng của bản thân. Các em không chỉ đọc truyện mà còn sống cùng những cuộc phiêu lưu, mơ về những điều kỳ diệu và dần dần, nhận ra rằng trí tưởng tượng không có giới hạn.

 Tập cuối bộ truyện ngắn Doraemon phiên bản 1992-1995.

Tập cuối bộ truyện ngắn Doraemon phiên bản 1992-1995.

- Sau hơn 30 năm, khi nhìn lại hành trình làm bộ truyện Doraemon, nhà văn đã rút ra được bài học gì đối với người làm sách?

- Tôi nhận ra rằng, để đạt được thành công trong ngành xuất bản, chúng ta cần có tinh thần quyết tâm và dám đổi mới. Đặc biệt, trong những thời điểm đất nước biến đổi, việc thay đổi thói quen đọc sách của công chúng là một thách thức lớn. Tôi rất tự hào khi chúng tôi đã thành công trong việc phát hành những cuốn truyện tranh này tại Hà Nội, một thành phố với bề dày lịch sử và văn hóa.

Điều đó chứng tỏ rằng, khi chúng ta tự tin và kiên định với mục tiêu của mình, chúng ta có thể biến đổi và mở rộng thói quen đọc sách của một vùng đất, giúp văn hóa Việt Nam hội nhập với thế giới.

Dù có một số người vẫn cho rằng những cuốn truyện tranh này là độc hại và bạo lực, nhưng tôi tin rằng, việc chúng ta làm là vì thế hệ tương lai. Thực tế đã chứng minh, những tư tưởng tiên tiến qua những cuốn sách mà Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng một thế hệ trẻ em Việt Nam năng động, sáng tạo và có tầm nhìn quốc tế.

Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/chu-meo-noi-tieng-khap-the-gioi-da-den-viet-nam-nhu-nao-post1489814.html