Bộ Truyền thông Malaysia đề xuất hợp pháp hóa tiền ảo
Bộ Truyền thông và đa phương tiện Malaysia đề xuất hợp pháp hóa một số đồng tiền ảo bao gồm bitcoin để hỗ trợ tầng lớp thanh niên, vốn đang hoạt động tích cực trong ngành công nghiệp này.
Phát biểu trước Quốc hội Malaysia hôm 21-3, Thứ trưởng Bộ Bộ Truyền thông và đa phương tiện Malaysia (KKMM), Zahidi Zainul Abidin kêu gọi các cơ quan quản lý hợp pháp hóa bitcoin và một số đồng tiền ảo khác.
Ông cho rằng điều này sẽ mang lại sự hỗ trợ có ý nghĩa cho lớp trẻ khi ngành công nghiệp tiền ảo ngày càng phát triển và được thế hệ thanh niên đón nhận rộng rãi. Ông cũng nói rằng KKMM đang thăm dò các biện pháp để thúc đẩy sự tham gia của giới trẻ trong ngành công nghiệp này. “Chúng tôi hy vọng chính phủ có thể cố gắng hợp pháp hóa vấn đề này để có thể thúc đẩy những người trẻ tuổi tham gia vào ngành công nghiệp tiền ảo”, ông nói.
Ông lưu ý dù Ngân hàng trung ương Malaysia và Ủy ban Chứng khoán Malaysia là hai cơ quan có thẩm quyền quản lý các hoạt động liên quan đến các tài sản kỹ thuật số, nhưng KKMM sẵn sàng nêu ra vấn đề vì nhận thấy ngành tiền ảo là “chương trình thương mại và tài chính của tương lai, đặc biệt đối với lớp trẻ hiện nay”.
Malaysia không cấm mua bán các đồng tiền ảo như bitcoin nhưng cũng không chính thức xem chúng là tiền pháp định. Hiện nay, có bốn sàn giao dịch tiền ảo được phép hoạt động ở nước này. Trên thế giới, mới chỉ có El Salvador, một quốc gia ở Trung Mỹ, hợp pháp hóa đồng bitcoin, có nghĩa là người dân và doanh nghiệp có thể sử dụng nó để thanh toán.
Hiện vẫn còn nhiều tranh cãi xung quanh việc Malaysia có nên hợp pháp hóa tiền ảo hay không. Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Malaysia, Tengku Zafrul Aziz, nhấn mạnh việc thanh toán bằng các đồng tiền ảo như bitcoin hay ether là bất hợp pháp ở Malaysia vì chúng không đáp ứng được các đặc tính phổ quát của tiền tệ.
Ông nói: “Nhìn chung, các tài sản kỹ thuật số không phải là nơi lưu trữ giá trị và phương tiện trao đổi hiệu quả. Điều này là do tài sản kỹ thuật số có tính đầu cơ cao, dẫn đến dễ biến động về giá, cũng như có rủi ro bị đánh cắp qua mạng máy tính và thiếu khả năng mở rộng”.
Ông cho biết thêm rằng Ngân hàng trung ương Malaysia đang nghiên cứu khả năng giới thiệu một loại tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương và các phát triển khác liên quan đến công nghệ blockchain (chuỗi khối) để đáp ứng với xu hướng phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành tài sản kỹ thuật số.
Hôm 21-3, Thứ trưởng Zahidi Zainul Abidin cũng đề xuất chính thức hợp pháp hóa việc sử dụng điện đào tiền ảo để ngăn chặn nạn ăn cắp điện nhức nhối hiện nay của các “thợ đào” bitcoin.
Hồi tháng trước, Giám đốc Cục điều tra hình sự thuộc Cơ quan cảnh sát hoàng gia Malaysia, Jalil Hassan cho biết trong trong năm 2021, giới chức trách đã mở 570 cuộc điều tra ăn cắp điện để đào tiền ảo, bắt giữ 528 người và thu giữ các thiết bị đào có tổng trị giá 54 triệu ringgit (293 tỉ đồng VN). Đây là các con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Năm trước đó, giới chức trách chỉ tiến hành 26 vụ điều tra và bắt giữ 26 người bị cáo buộc ăn cắp điện để đào tiền ảo.
Ông Jalil Hassan ghi nhận đa số các nghi can ở độ tuổi từ 18-30. Họ thường chọn đào tiền ảo trái phép ở các khu công nghiệp để người dân không nghe thấy tiếng ồn và sức nóng tỏa ra từ các dàn máy đào.
Trên thực tế, Malaysia không cấm đào tiền ảo nhưng nhiều người câu trộm điện để vận hành các dàn máy đào bitcoin, giúp họ kiếm lợi nhuận cao hơn. Hồi đầu tháng này, Tập đoàn điện lực đa quốc gia Tenaga Nasional Bhd (TNB) của Malaysia đề xuất tính giá bán điện đặc biệt cho những người đào bitcoin để ngăn chặn nạn ăn cắp điện. TNB cũng đề xuất Ủy ban Năng lượng Malaysia khuyến khích “thợ đào” bitcoin đăng ký sử dụng điện hợp pháp.
Đào tiền ảo là một quá trình xử lý các thuật toán tiêu tốn nhiều năng lượng mà dựa và đó bitcoin và một số đồng tiền ảo khác được tạo ra.
Theo TNB, số vụ ăn cắp điện để đào bitcoin ở Malaysia tăng vọt lên con số 7.209 trong năm 2021 so với 610 vụ trong năm 2018. Đáng chú ý, trong giai đoạn này, có 18 cá nhân bị bắt giữ vì bị cáo buộc ăn cắp điện với trị giá lên đến 2,3 tỉ ringgit (550 triệu đô la). Để truy tìm thủ phạm ăn cắp điện đào tiền ảo, TNB đang sử dụng máy bay không người lái để phát hiện nhiệt độ trong không khí ở những khu vực đáng ngờ.
Giám đốc điều hàng TNB, Baharin Din nói: “Những kẻ vô trách nhiệm đang ăn cắp điện, gây đe dọa an ninh và độ tin cậy của nguồn cung điện cho công chúng.”
Theo Bloomberg
Chánh Tài
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bo-truyen-thong-malaysia-de-xuat-hop-phap-hoa-tien-ao/