Bộ TT&TT giới thiệu Hệ thống Dashboard đánh giá các chỉ số phát triển ICT
Việc lượng hóa các chỉ số phát triển sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước có thông tin khách quan trong hoạch định và xây dựng chính sách. Sau khi các bộ có hệ thống riêng, sẽ xây dựng thành hệ thống của Chính phủ.
Quản lý bằng số liệu để hình thành Chính phủ điện tử
Sáng ngày 14/10/2019, tại trụ sở Bộ TT&TT, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác quản lý nhà nước về Thông tin và Truyền thông Quý III/2019 và nhiệm vụ công tác trọng tâm Quý IV/2019. Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng; lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ và đại diện các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, các Hiệp hội trong Ngành.
Tại hội nghị, Bộ TT&TT đã giới thiệu Hệ thống Dashboard theo dõi và đánh giá các chỉ số phát triển ngành TT&TT. Chức năng chính của hệ thống này là theo dõi và phân tích số liệu của 6 lĩnh vực gồm Bưu chính, Viễn thông, Công nghệ thông tin, An toàn thông tin, Công nghiệp ICT và Thông tin tuyên truyền. Các lĩnh vực này sẽ được phân loại tổng cộng thành khoảng 150 chỉ số phát triển trên hệ thống để theo dõi đánh giá. Đây là cách làm mới nhằm hướng tới việc sử dụng số liệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành. Hệ thống do chính doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã yêu cầu người đứng đầu các đơn vị thuộc Bộ cần dựa vào số liệu để quản lý và đề xuất chính sách đối với lĩnh vực mà mình quản lý. Để làm được việc đó, các đơn vị trong ngành cần cung cấp dữ liệu chính xác và bổ sung thêm các chỉ số mới để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng cho quản lý của Bộ TT&TT. Đây là yêu cầu bắt buộc, bởi nếu không có dữ liệu đúng và đủ sẽ không thể có chính sách trúng và kịp thời; Cơ quan quản lý nhà nước cùng các doanh nghiệp cần nỗ lực cùng nhau xây dựng và điều này còn giúp cho chính các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ của ngành, cần thị trường để xây dựng và điều chỉnh định hướng chiến lược - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
"Bộ TT&TT xác định sẽ tiên phong trong công tác quản lý nhà nước bằng cơ sở dữ liệu. Sau đó, Bộ TT&TT sẽ chia sẻ để các bộ đều có hệ thống riêng. Kết nối khai thác hệ thống của tất cả bộ ngành sẽ trở thành hệ thống của Chính phủ. Việc quản lý bằng số liệu sẽ giúp Việt Nam có thể nhìn thấy các bất cập để rồi từ đó hoạch định ra chính sách. Việc có đầy đủ số liệu sẽ giúp nhìn ra vấn đề đằng sau những con số. Sau khi có đầy đủ số liệu, chúng ta thậm chí có thể mô phỏng hay sử dụng các mô hình tính toán để dự đoán tương lai."
Khuyến khích các doanh nghiệp, hiệp hội đề xuất chính sách cho ngành, cho đất nước
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ TT&TT đã lắng nghe, trao đổi và trực tiếp giải đáp các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp, hiệp hội; Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị của Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam về việc Bộ TT&TT nên đứng ra công bố danh sách các doanh nghiệp điện tử trong nước sản xuất linh, phụ kiện trong lĩnh vực công nghiệp ICT để phục vụ nhu cầu xúc tiến thương mại; Hiệp hội Truyền thông số đề nghị Bộ bảo trợ cho Lễ ra mắt Hội KOL (Những nhân vật nổi tiếng, có uy tín trên mạng xã hội) Việt Nam.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng một lần nữa nhắc lại mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước phát triển thu nhập cao vào năm 2045. Trong đó, ngành ICT là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc đối với việc triển khai Sand-box (thử nghiệm các công nghệ mới, dịch vụ mới,…). Do vậy, các doanh nghiệp, đơn vị trong ngành có thể đề xuất thí điểm các sản phẩm dịch vụ mới thông qua Bộ TT&TT. Bộ có trách nhiệm đại diện các đơn vị đứng ra làm việc với các bộ, ngành có liên quan.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp, hiệp hội cần mạnh dạn đề xuất các ý kiến mang tính chiến lược quốc gia, chính sách cho ngành, cho đất nước. Trước hết là góp ý xây dựng văn kiện đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đối với rất nhiều lĩnh vực liên quan đến ngành ICT như đô thị thông minh, chính phủ số, chuyển đổi số, kinh tế số,.. Đây là trách nhiệm với Đảng, với đất nước, với ngành và chính với mỗi doanh nghiệp, tổ chức.
Ngành ICT cần chú trọng xây dựng nền tảng công nghệ
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra những định hướng phát triển ngành trong những tháng cuối năm 2019.
Lĩnh vực Bưu chính: phối hợp với Bộ Công thương tập trung phát triển thương mại điện tử, chú trọng xây dựng các platform công nghệ cho hoạt động bưu chính; Một số doanh nghiệp Bưu chính lớn chuyển hướng sang doanh nghiệp công nghệ và dịch vụ; Quý 4/2019 Bộ sẽ ban hành định hướng phát triển Bưu chính trên nền tảng thương mại điện tử và kinh tế số.
Về Viễn thông, năm 2020 là năm Việt Nam lần đầu đăng cai tổ chức Hội nghị Viễn thông thế giới (Telecom World), với xu hướng tiến tới chuyển đổi số, Bộ chính thức đề nghị đổi thành Digital World. Trong quý IV/2019, Bộ cần thực hiện nhanh và triệt để các sáng kiến ASEAN (roaming một giá, Hub về an toàn thông tin, đào tạo kỹ sư ICT, phát triển 5G); Thúc đẩy cạnh tranh, dịch vụ mới; phủ sóng 5G trường đua F1; Bật sóng IoT trên nền 4G tại Hà nội và TP.HCM; chuẩn bị thương mại hóa mạng 5G vào năm tới; Đấu thầu xong băng tần 2.6GHz để nâng cao chất lượng mạng 4G, thực hiện quy hoạch và đấu thầu đối với tần số 700MHZ; Tập trung xây dựng các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ cắt sóng 2G; Nâng chỉ tiêu chuyển mạng giữ nguyên số lên 80%, đồng thời quán triệt lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của các nhà mạng đối với việc kiên quyết xử lý tình trạng sim rác. Kiến nghị Chính phủ cho phép thử nghiệm Mobile money.
Lĩnh vực CNTT cần tập trung xây dựng kế hoạch của Bộ, của các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương về xây dựng Chính phủ điện tử và Đô thị thông minh; Bộ TT&TT sẽ làm việc với từng Bộ, từng tỉnh/thành phố để đẩy nhanh xây dựng Chính phủ điện tử, tháo gỡ khó khăn cho các bộ và tỉnh; Tập trung chỉ đạo một số bộ, địa phương làm mẫu, nhất là về đô thị thông minh để chậm nhất tháng 3/2020 sẽ đánh giá, hướng dẫn triển khai rộng rãi. Bộ TT&TT sẽ là Bộ mẫu về Chính phủ điện tử, kết thúc trong năm 2019 .
Trong lĩnh vực An toàn thông tin, đã có nhiều tín hiệu đáng mừng như Chỉ thị 14 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam thăng 50 và xếp thứ hạng 50/192 nước về ATTT. Bộ sẽ xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển về an ninh mạng để các doanh nghiệp, đơn vị cùng nghiên cứu, phát triển các giải pháp, ứng dụng mới. Đặc biệt, Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu hạn cuối là tháng 11/2019 các nhà mạng phải triển khai hệ thống DPI để thực hiện nghiêm các yêu cầu về an ninh an toàn thông tin.
Về công nghiệp ICT, tập trung phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam; Bộ TT&TT cần họp bàn với Liên minh chuyển đổi số Việt Nam để sớm xây dựng kế hoạch nhiệm vụ. Sắp tới Bộ sẽ ký với WEF thành lập Trung tâm xây dựng chính sách phát triển các công nghệ và mô hình kinh doanh 4.0.
Với lĩnh vực Thông tin - Tuyên truyền, yêu cầu số một là phải đảm bảo sự ổn định xã hội để phát triển đất nước; kiên quyết thực hiện đúng tiến độ Quy hoạch báo chí; Xử lý nghiêm tình trạng tin giả; các cơ quan báo chí phải tạo ra năng lượng tích cực cho xã hội, cho người dân. Đặc biệt, sắp Đại hội Đảng các cấp và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, báo chí phải tạo sự đồng thuận, niềm tin cho xã hội, tạo nên khát vọng dân tộc vì một đất nước Việt Nam hùng cường; kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch chống phá Đảng và Nhà nước.