Bộ TT&TT tập huấn kỹ năng thông tin cho các tỉnh có đường biên giới với Lào
Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên các tỉnh có đường biên giới với Lào tại tỉnh Kon Tum.
Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Kon Tum hôm nay tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tuyên truyền phổ biến pháp luật và kỹ năng viết bài cho phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên và cán bộ văn hóa thông tin cấp huyện, thị xã của các tỉnh có đường biên giới với Lào.
Dự, chủ trì hội nghị có ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TT&TT và ông Nguyễn Minh Tâm, Vụ trưởng Vụ Lào – Campuchia, Ban Đối ngoại Trung ương.
Các cấp lãnh đạo sở, ngành tỉnh Kon Tum và hàng chục phóng viên, biên tập viên, báo cáo viên thường trú, công tác trên địa bàn tỉnh đã về dự hội nghị.
Báo cáo của Vụ Lào – Campuchia (Ban Đối ngoại Trung ương), Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng sống trên bán đảo Đông Dương, nằm ở khu vực hạ lưu sông Mê Kông, có chung đường biên giới dài hơn 2.200km.
Hai quốc gia có mối quan hệ khăng khít, lâu dài và hiện đang hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực như: Chính trị; An ninh quốc phòng, đối ngoại; Hợp tác về kinh tế, văn hóa, giáo dục và khoa học kỹ thuật...
Những năm qua, hai Đảng hai nước tiếp tục có những cơ chế mới, hình thức mới, nội dung mới trong quan hệ, trong đó phải kể đến cơ chế hội thảo lý luận giữa hai Đảng đã được tổ chức thường xuyên, hàng năm theo hình thức luân phiên tại mỗi nước.
Tính đến nay, hai Đảng đã tổ chức 7 cuộc thội thảo lý luận; hoàn thành biên soạn lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào; đã phối hợp triển khai xây dựng một số công trình và tôn tạo di tích lịch sử quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào tại mỗi nước.
Năm 2016, hai bên đã nỗ lực hoàn thành dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới giữa 2 nước và đã ký Nghị định thư về biên giới, mốc quốc giới; Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào.
Hai bên phối hợp chặt chẽ ngăn chặn và phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm buôn lậu và vận chuyển ma túy qua biên giới; tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hi sinh trong chiến tranh tại Lào về nước.
Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có 410 dự án đầu tư sang Lào, với tổng số đầu tư 4,22 tỷ USD và đã giải ngân lũy kế khoảng 2,2 tỷ USD.
Một số dự án lớn đã hoàn thành và đang tiếp tục được vận hành khai tác tốt như: Thủy điện Xê-ca-mản 1; Khách sạn Mường Thanh Viêng Chăn; Crown Plaza; Dự án của Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel…
Hai bên tích cực triển khai Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại biên giới, Nghị định thư sửa đổi Hiệp định quá cảnh hàng hóa Việt Nam – Lào; triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Densavanh, tổ chức xúc tiến thương mại, hội chợ, hội thảo.
Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 1 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2019 đạt 576 triệu USD, tăng 11% soi với cùng kỳ, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 347,1 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 229,8 triệu USD, tăng 3,7%.
Tính đến thời điểm này, số lưu học sinh Lào đang học tập tại Việt Nam là hơn 16.000 người; Việt Nam có 260 lưu học sinh đang học tập tại Lào…
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, theo chia sẻ của ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ TT&TT), chính phủ 2 nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về chính trị, duy trì và nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác giữa hai Đảng, hai nước nhất là tăng cường các chuyến thăm giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng bằng nhiều hình thức linh hoạt nhằm tạo gắn bó, tin cậy và trao đổi kịp thời, thống nhất những chủ trương, chính sách.
Tăng cường trao đổi thông tin kịp thời, nhất là những vấn đề có tác động đến hai nước; tăng cường hợp tác kinh tế, văn hóa, giáo dục – đào tạo, tạo nền tảng, chất keo gắn kết quan hệ bền vững giữa hai nước.
Tăng cường hợp tác, phối hợp chặt chẽ với Lào và với các nước, tổ chức quốc tế có liên quan để quản lý bền vững và có hiệu quả nguồn nước sông Mê Kông, bảo đảm hài hòa lợi ích của các nước trong lưu vực sông Mê Kông…
Tiếp tục duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn ở Biển Đông; ủng hộ vai trò và các nguyên tắc của ASEAN; thúc đẩy giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982); cùng các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất và hiệu quả, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.