Bộ Tứ gia tăng hợp tác và liên kết
Với mục tiêu gia tăng các hoạt động hợp tác và liên kết ở khu vực, từ ngoại giao, thương mại, an ninh và đặc biệt là quân sự, tháng 11 này, nhóm 'Bộ Tứ kim cương' gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia bắt đầu các cuộc tập trận mang tên 'Malabar 2020'.
Sự tham gia đầy đủ của cả 4 nước thành viên "Bộ tứ kim cương" không chỉ cho thấy một bước chuyển chiến lược đáng chú ý trong hợp tác của 4 nước này mà còn tác động đến môi trường địa chính trị ở khu vực.
Giai đoạn đầu tiên của cuộc tập trận hải quân Malabar hiện đang được tiến hành ngoài khơi Vishakhapatnam ở vịnh Bengal và đã nhận được nhiều sự chú ý và mong đợi trong năm nay. Việc thu hút sự chú ý phần lớn là do cuộc tập trận Malabar năm nay lần đầu tiên sau 13 năm chứng kiến sự tham gia của Australia cùng với Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản - nhóm được gọi với cái tên không chính thức là Bộ Tứ (Quad).
Kể từ khi tái khởi động, đã có nhiều cam kết và kỳ vọng đáng kể từ nhóm những quốc gia đưa ra ý tưởng về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trong đó gồm các nước ven biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như các quốc gia bên ngoài khu vực.
Cuộc tập trận Malabar bắt đầu với tư cách là một cuộc tập trận hải quân song phương thường niên vào năm 1992 giữa Ấn Độ và Mỹ, sau đó có thêm Nhật Bản tham dự vào năm 2015. Diễn ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, phiên bản năm 2020 của cuộc tập trận Malabar là cuộc tập trận "không tiếp xúc" và do đó sẽ chỉ diễn ra ở trên biển và bao gồm các hoạt động tác chiến trên mặt nước, chống ngầm và phòng không, thực hiện các hoạt động đổ bộ, đáp máy bay lên tàu của nhau.
Là 4 nền dân chủ chính trong khu vực, các nước trong nhóm "Bộ Tứ kim cương" này đã tham gia các diễn đàn khác nhau và tăng cường các cấp độ hợp tác song phương và đa phương, thường tập trung chủ yếu vào hợp tác quốc phòng, thương mại và chia sẻ thông tin tình báo. Các cuộc tập trận hải quân nhằm tăng cường khả năng tương tác, tạo điều kiện giao lưu và nâng cao năng lực hàng hải. Trong bối cảnh môi trường địa chính trị căng thẳng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Malabar 2020 cho thấy sự đồng thuận ngày càng gia tăng liên quan đến việc duy trì an ninh và trật tự trên các vùng biển dựa trên luật lệ.
Được mệnh danh là NATO châu Á, Bộ Tứ có một quá khứ đầy chông gai và chỉ gần đây mới phát triển mạnh nhờ phản ứng mạnh dạn hơn từ Ấn Độ và một Australia có tiếng nói hơn. Mặc dù nhiệm vụ của nhóm vẫn khá rộng, bao gồm an ninh hàng hải, kết nối chống khủng bố, chuỗi cung ứng linh hoạt, viện trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa, song lý do và động lực cho sự hồi sinh của Bộ Tứ tiếp tục xuất phát từ một Trung Quốc ngày càng quyết đoán. Điều này đã dẫn đến những nỗ lực lớn hơn của các quốc gia "có cùng chí hướng" nhằm hợp nhất trên một loạt các nền tảng, tập trung mạnh hơn vào việc nêu rõ các lợi ích chung.
Tuy nhiên, nó mới chỉ ở giai đoạn sơ khai. Bộ Tứ vẫn là một liên minh không chính thức và do đó đòi hỏi hình thức và chức năng bên cạnh sự quản lý nhất quán và định hướng rõ ràng. Việc Australia tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay cho thấy việc nâng cao tầm quan trọng địa chiến lược của cuộc tập trận và đánh dấu một phạm vi tham gia trong mạng lưới liên minh nhiều cấp độ mà Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã tạo ra.
Dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã bắt đầu đẩy mạnh chiến lược châu Á-Thái Bình Dương. Sau đó, Tổng thống Donald Trump đã nâng cấp cơ chế này thành chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Việc Bộ Tứ có trở thành một liên minh chính thức hay không không quan trọng, mà là tầm nhìn của việc tạo ra một liên minh như vậy mới quan trọng.
Nếu Bộ Tứ chính thức được thành lập ở châu Á-Thái Bình Dương, nó sẽ là một liên minh toàn diện tập trung vào vai trò sống còn của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, 4 quốc gia trong Bộ Tứ lại đang "đồng sàng dị mộng". Họ đang lợi dụng Bộ Tứ cho các mục đích riêng. Do đó, việc cả 4 nước thành lập một nhóm theo kiểu NATO với một cơ chế liên minh đầy đủ là điều tương đối khó.
Hợp tác quốc phòng an ninh mới chỉ là mở đầu của một "cuộc chơi mới" trong không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 4 cường quốc khu vực đang muốn tạo ra một vành đai mới nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và những kế hoạch của Bắc Kinh trong khu vực. Các nước Bộ Tứ cũng tăng cường hợp tác về kinh tế như phân bổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu, các nguồn cung hàng hóa và vật liệu thiết yếu. Có thể ví điều này như một bàn cờ chiến lược với những bước đi tuần tự.
Với Ấn Độ, mở rộng quan hệ quốc phòng với các cường quốc khu vực khác mang tới cho quốc gia Nam Á này nhiều lựa chọn về mặt chiến lược. Cuộc tập trận Malabar với 3 thành viên của nhóm Bộ Tứ là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải cân nhắc các hành động của mình, đặc biệt là những diễn biến trên các vùng biển khu vực thời gian gần đây.
Hơn nữa, không loại trừ khả năng, tập trận Malabar sẽ trở thành hoạt động thường niên của nhóm Bộ Tứ. Đây là chỉ dấu cho thấy Ấn Độ cùng các nước còn lại đang muốn ngăn chặn các ý đồ tại vùng biển Ấn Độ Dương, Biển Đông và biển Hoa Đông về lâu dài. Điều này sẽ khiến không gian an ninh chiến lược của Trung Quốc, đặc biệt là về vận tải biển không còn được như những tính toán của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, cũng cần phải có thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả và tính thực chất của Bộ Tứ, đầu tiên là hợp tác về quốc phòng, an ninh trên biển; tiếp đến là các nỗ lực thoát Trung Quốc, tái phân bổ lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Bởi đây mới chỉ là những tính toán, thành công hay không còn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị lâu dài cùng các biện pháp thực thi.