Bộ Tứ mở rộng mục tiêu: Lợi hay hại?
Tại Hội nghị Thượng đỉnh vừa diễn ra cuối tháng 5, Bộ Tứ (Quad) đang tìm cách mở rộng chương trình nghị sự nhằm vượt ra ngoài mục tiêu ban đầu là kiềm chế Trung Quốc. Song các chuyên gia đặt câu hỏi: liệu hướng đi này của Quad sẽ củng cố vị thế hay làm suy yếu sự gắn kết của nhóm?
Mối quan tâm ban đầu
Như câu thoại nổi tiếng về các Avengers từ Vũ trụ Điện ảnh Marvel: “Có một ý tưởng tập hợp một nhóm những người đáng chú ý lại với nhau, để xem liệu chúng ta có thể trở thành một thứ gì đó hơn thế nữa hay không”. Cũng như vậy với Quad, sẽ là: “Có một ý tưởng để tập hợp một nhóm các quốc gia đáng chú ý lại với nhau. Bây giờ chúng ta hãy xem liệu họ có nên trở thành một thứ gì đó hơn là một nhóm được thiết lập chỉ để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc”.
Bất chấp hoạt động ngày càng tăng trong vài năm gần đây, sự tái sinh của Quad vẫn là một sáng tạo rất mơ hồ. Tổ chức này không phải là một liên minh, vậy chính xác thì nó là gì? Trong khi các thành viên Quad - bao gồm Ấn Độ, Australia, Mỹ và Nhật Bản - tiếp tục nhấn mạnh rằng chương trình nghị sự của họ không chỉ tập trung vào Trung Quốc, thì rõ ràng thách thức từ CHND Trung Hoa chính là chất keo gắn kết họ lại với nhau. Nhưng thời gian gần đây, với tốc độ xúc tiến các hoạt động của Quad, người ta có thể nhận thấy nhiều khía cạnh khác đã được thêm vào các tuyên bố của tổ chức này, từ giải quyết đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu đến kêu gọi phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hay kêu gọi giải quyết tình hình Myanmar. Việc mở rộng chương trình nghị sự của Bộ Tứ theo hướng như vậy sẽ củng cố vị thế của nhóm hay làm suy yếu sự gắn kết của nó?
Lãnh đạo các nước Bộ Tứ họp Thượng đỉnh tại Tokyo ngày 25.5 vừa qua
Nguồn: Reuters
Mục tiêu mở rộng
Sử dụng yếu tố Trung Quốc làm thước đo, các tuyên bố của Bộ Tứ vào tháng 3.2021, tháng 9.2021 và mới nhất, tháng 5.2022 có thể được chia thành ba nội dung: đề cập gián tiếp đến Trung Quốc như một thách thức cần phải kiềm chế (không đề cập trực tiếp); đề cập đến các thách thức khác, có thể được cho là liên quan đến Trung Quốc; và tham chiếu đến các vấn đề không liên quan đến Trung Quốc.
Loại thứ nhất là các tuyên bố về vấn đề như UNCLOS hoặc về trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và trong tất cả những tuyên bố này, hai từ Trung Quốc mặc dù không xuất hiện nhưng người ta đều nhận thấy rất rõ ràng. Tương tự với các tuyên bố tham gia Sáng kiến cơ sở hạ tầng Blue Dot Network (tháng 9.2021), vốn được coi là đối trọng của Sáng kiến Vành đai và Con đường; hay lời hứa “mở rộng hơn 50 tỷ USD hỗ trợ cơ sở hạ tầng và đầu tư vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (tháng 5.2022). Đây đều là những nỗ lực rõ ràng để cạnh tranh với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc.
Nội dung thứ hai là những tuyên bố giống như kêu gọi chung tay chống đại dịch Covid-19, đó có thể được coi là nỗ lực của Bộ Tứ nhằm cạnh tranh với chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc. Tương tự, việc tập trung vào “các công nghệ quan trọng và mới nổi” có thể được coi là một nỗ lực chung nhằm giảm sự phụ thuộc về công nghệ vào Trung Quốc.
Nội dung thứ ba là các tuyên bố về giải quyết khủng hoảng khí hậu (tháng 9.2021), hỗ trợ cho Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương (tháng 5.2022), khám phá không gian (tháng 5.2022), hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai (HADR) ở Ấn Độ - Thái Bình Dương (tháng 5.2022), điều phối các chính sách nhân quyền đối với Afghanistan (tháng 9.2021)... Những điều này dường như không có mối liên hệ nào với mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Và những nội dung như vậy trong chương trình nghị sự có thể làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa các thành viên Bộ Tứ; thậm chí giúp nâng cao hình ảnh của nhóm. Tuy nhiên, thành thật mà nói, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu là điều mà nhiều quốc gia khác có thể hợp tác với nhau. Do đó, những ý tưởng như vậy làm cho mục tiêu của Quad trở nên “thừa thãi” như đánh giá của một số chuyên gia.
Ngoài ra, việc mở rộng mối quan tâm của Quad sang nhiều chủ đề khác có nguy cơ làm lộ rõ những khác biệt trong lợi ích, quan điểm, chính sách, như các vấn đề liên quan đến Afghanistan, Myanmar và CHDCND Triều Tiên. Chẳng hạn ban đầu, tuyên bố của Bộ Tứ liên quan đến Triều Tiên chỉ là: thúc giục “Triều Tiên tuân thủ các nghĩa vụ của LHQ, kiềm chế các hành động khiêu khích”, nhưng sau đó là kêu gọi “phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên” (tháng 5.2022). Đây rõ ràng là một mục trong chương trình nghị sự của Nhật Bản, và Hàn Quốc chắc chắn không đồng ý với cách diễn đạt như vậy. Trong khi đó, Hàn Quốc là đối tác của tất cả các thành viên Bộ Tứ (và thậm chí có thể là ứng cử viên của một Bộ Tứ mở rộng trong tương lai), vì vậy người ta có thể tưởng tượng Seoul có thể nghĩ như thế nào về sự thay đổi điểm nhấn như vậy trong các tuyên bố của Quad. Hoặc một phản ứng gay gắt với cuộc đảo chính ở Myanmar là điều mà Nhật Bản, Mỹ và Australia có thể đồng ý. Ấn Độ cũng có thể âm thầm đồng ý, nhưng một cách chính thức, New Delhi muốn giữ mối quan hệ tích cực với chính phủ Myanmar.
Một trong những thách thức lớn nhất để giữ cho chương trình nghị sự mở rộng của Bộ Tứ được mạch lạc là sự khác biệt giữa các mục tiêu chính sách đối ngoại của Ấn Độ và các thành viên còn lại. Nhật Bản và Australia đều nằm trong khối phương Tây, nên thái độ của họ đối với nhiều quốc gia rất giống nhau. Nhưng Ấn Độ không phải là một phần của khối này và có quan hệ tốt đẹp với một số quốc gia mà chính phủ của các thành viên Quad khác thường phản đối: chẳng hạn như Nga, Iran hoặc Myanmar. Trong khi đó đối với New Delhi, Pakistan mới là “mối bận tâm” lớn nhất của họ, nhưng ba thành viên khác của Bộ Tứ lại không nhìn nhận mối quan hệ với Islamabad theo cách tương tự.
Con đường trung dung
Vì vậy, Trung Quốc vẫn là mẫu số chung của Bộ Tứ - quốc gia duy nhất mà cả bốn thành viên đều coi là một thách thức cần phải giải quyết. Việc bổ sung các khía cạnh địa chính trị khác có thể làm cho Bộ Tứ có vẻ táo bạo hơn, nhưng cũng sẽ dẫn đến những bất đồng nhất định. Mở rộng mối quan tâm theo hướng tập trung vào các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu sẽ không giúp nhóm nổi bật so với vô số các thiết chế toàn cầu khác đang nỗ lực giải quyết các vấn đề như vậy. Nhưng nếu chương trình nghị sự của Bộ Tứ chỉ tập trung cạnh tranh rõ ràng với Trung Quốc, nhóm này sẽ dễ cho cảm giác họ đang trở nên “hiếu chiến” và “gay gắt” hơn với Bắc Kinh, điều mà nhóm đã cố gắng tránh cho đến nay.
Các chuyên gia cho rằng, trừ khi quan hệ với CHND Trung Hoa trở nên căng thẳng quá mức, Bộ Tứ nên theo đuổi con đường trung gian, bằng cách thúc đẩy chương trình nghị sự theo nội dung thứ hai: hợp tác trong các lĩnh vực có thể thách thức Trung Quốc, nhưng ở đó các dự án của Bộ Tứ không được coi là động thái hiếu chiến chống lại Bắc Kinh, chẳng hạn như phát triển chung công nghệ mới.