Bộ Tư pháp có quyền cho phép khai thác dữ liệu hộ tịch điện tử để phục vụ quản lý

Thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm: Các việc hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật; Các thông tin hộ tịch của cha, mẹ, vợ, chồng của cá nhân có sự biến động.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định quy định về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Để triển khai thực hiện Đề án Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, trong điều kiện còn nhiều hạn chế về nguồn lực, Bộ Tư pháp đã chủ động xây dựng và triển khai áp dụng từ thí điểm đến nhân rộng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung, có kết nối với phần mềm quản lý số định danh cá nhân để cấp số định danh cá nhân cho trẻ em được đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016.

Trên toàn hệ thống đã có 14.035 người dùng là công chức tư pháp - hộ tịch tại 8.919 UBND cấp xã, 579 Phòng Tư pháp cấp huyện và 52 Sở Tư pháp cấp tỉnh tham gia tác nghiệp hàng ngày.

Dự thảo Nghị định nêu rõ Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử là Cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành, gồm tập hợp thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật và lưu giữ theo cấu trúc, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung thống nhất toàn quốc.

Người dân làm thủ tục hành chính về hộ tịch (ảnh: theo PLVN)

Người dân làm thủ tục hành chính về hộ tịch (ảnh: theo PLVN)

Thông tin được cập nhật vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử bao gồm: Các việc hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật; Các thông tin hộ tịch của cha, mẹ, vợ, chồng của cá nhân có sự biến động do thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc; ghi vào sổ các thay đổi theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; ghi vào sổ các việc hộ tịch của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Đáng chú ý, cá nhân có quyền khai thác Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thông qua việc thực hiện thủ tục “đề nghị cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch có thẩm quyền cấp trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch”, với phạm vi khai thác chỉ là thông tin hộ tịch của chính cá nhân đó.

Cơ quan đăng ký hộ tịch có quyền khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thông qua hình thức đăng ký hộ tịch bằng phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung; cấp trích lục hộ tịch; thống kê số liệu đăng ký hộ tịch; tra cứu dữ liệu hộ tịch và thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước khác trong lĩnh vực hộ tịch theo quy định pháp luật, không phụ thuộc vào nơi đã đăng ký việc hộ tịch, nơi cư trú của người có yêu cầu.

Cơ quan quản lý hộ tịch cấp tỉnh (Sở Tư pháp), Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, ngoài thẩm quyền như cơ quan đăng ký hộ tịch, còn có thẩm quyền xác nhận thông tin hộ tịch theo yêu cầu của cá nhân.

Riêng Bộ Tư pháp là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xem xét, cho phép cơ quan, tổ chức khác được khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước. Các yêu cầu khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử nhằm các mục đích khác (điều tra xã hội học, cung cấp dịch vụ ...) đều không được giải quyết.

Hiện, cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc đã dần được hình thành tại 52/63 tỉnh, thành với 5.186.636 trường hợp đăng ký khai sinh; 1.143.813 hồ sơ đăng ký kết hôn; 1.828.152 lượt cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 749.585 trường hợp đăng ký khai tử; 3.710 trường hợp đăng ký giám hộ; 26.782 trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con; 88.682 trường hợp đăng ký cải chính, thay đổi, bổ sung hộ tịch; 1.833 trường hợp đăng ký xác định lại dân tộc; 16 trường hợp xác định lại giới tính và hơn 17,5 triệu công dân đã được thu thập, thiết lập thông tin cơ bản về nhân thân, mối quan hệ công dân.

H.L

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/bo-tu-phap-co-quyen-cho-phep-khai-thac-du-lieu-ho-tich-dien-tu-de-phuc-vu-quan-ly-160124.html