Bộ Tư pháp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ đấu giá
Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Lạng Sơn về quy định cụ thể hơn phần thù lao dịch vụ đấu giá tài sản chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng (GTGT) và chi phí đấu giá tài sản theo quy định, Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tư pháp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ đấu giá mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư quy định cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Gửi kiến nghị đến trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri tỉnh Lạng Sơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tài chính theo hướng quy định cụ thể hơn phần thù lao dịch vụ đấu giá tài sản chưa bao gồm thuế GTGT và chi phí đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 2, Điều 66 Luật Đấu giá tài sản.
Lý do theo quy định tại khoản 2, Điều 66 Luật Đấu giá tài sản thì chi phí đấu giá tài sản bao gồm chi phí niêm yết, thông báo công khai, chi phí thực tế hợp lý khác cho việc đấu giá tài sản, do người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận.
Do đó, cử tri kiến nghị có quy định cụ thể các hạng mục chi phí thực tế hợp lý khác để căn cứ vào đó người có tài sản thỏa thuận ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản đảm bảo đúng quy định.
Trả lời kiến nghị nêu trên, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản và Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 của Bộ Tài chính quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Ngày 19/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Giá số 16/2023/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Tại điểm a khoản 10 Điều 73 Luật Giá đã sửa đổi khoản 1 Điều 66 Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 thành: “1. Giá dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này thì giá dịch vụ đấu giá được thực hiện theo quy định của pháp luật về giá”.
Tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Luật Giá quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, trong đó quy định: “Dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá” do Bộ Tư pháp định khung giá".
Căn cứ các quy định hiện hành tại Luật Giá trên, Bộ Tư pháp có thẩm quyền ban hành giá dịch vụ đấu giá mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá.
Hiện nay, Bộ Tài chính đã có Công văn số 13121/BTC-QLG ngày 02/12/2024 lấy ý kiến rộng rãi góp ý vào dự thảo ban hành Thông tư bãi bỏ 24 thông tư của Bộ Tài chính (trong lĩnh vực giá), trong đó có nội dung bãi bỏ Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 và Thông tư số 108/2020/TT-BTC ngày 21/12/2020.
Đồng thời, Bộ Tư pháp đã xây dựng và đang lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Thông tư quy định cơ chế, chính sách về giá dịch vụ đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá; chi phí đăng thông báo lựa chọn tổ chức hành nghề đấu giá tài sản, chi phí thông báo công khai việc đấu giá trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia, chi phí sử dụng phần mềm đấu giá trực tuyến trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và các chi phí khác liên quan theo quy định của pháp luật.