Bộ Tư pháp dẫn đầu Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 – 'trái ngọt' từ sự đóng góp của nhiều đơn vị

Theo kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2021 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vừa được công bố, Bộ Tư pháp đứng đầu bảng xếp hạng, thuộc nhóm 3 Bộ có chỉ số trên 90%. Đóng góp vào thành tích này là sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị thuộc Bộ, nổi bật là Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực; Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm; Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật; Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế…

Cuộc họp rút kinh nghiệm về Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Tư pháp.

Cuộc họp rút kinh nghiệm về Chỉ số cải cách hành chính năm 2020 của Bộ Tư pháp.

35/73 thủ tục hành chính của Bộ Tư pháp được thực hiện ở mức độ 3, 4

Theo thống kê, hiện tại, có 73 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp, trong đó, 35 thủ tục hành chính được thực hiện theo phương thức trực tuyến mức độ 3, 4. Kết nối lên Cổng dịch vụ công quốc gia thì Bộ đã có 23/73 thủ tục được kết nối thành công.

Mở rộng phạm vi kết nối giữa 2 cơ sở dữ liệu quan trọng

Mặc dù mới thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) được gần 5 tháng, nhưng nhờ sự khẩn trương, tích cực triển khai, việc thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg của Bộ Tư pháp đã đạt được những kết quả nhất định.

Cụ thể, về thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên Thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an để thống nhất phạm vi, nội dung rà soát, đồng thời, có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ và gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn thực hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg. Trên cơ sở kết quả rà soát, ngày 29/4/2022, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 93/BC-BTP báo cáo kết quả rà soát pháp luật triển khai định danh và xác thực điện tử; tích hợp thông tin cá nhân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID.

Đặc biệt, Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử (HTĐT) và CSDL quốc gia về dân cư (QGVDC) đã được kết nối chia sẻ. Theo đó, CSDLHTĐT cung cấp các thông tin khi đăng ký khai sinh cho CSDLQGVDC; CSDLQGVDC cung cấp thông tin số định danh cá nhân cho CSDLHTĐT (thực hiện từ ngày 1/1/2016 và thực hiện kết nối theo mô hình, dịch vụ mới của CSDLQGVDC từ ngày 1/7/2021). Trong đó, thông tin cá nhân trong CSDLHTĐT được hình thành trên cơ sở luật định (Luật Hộ tịch và các văn bản quy định chi tiết thi hành).

CSDLHTĐT còn được kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDLQG về bảo hiểm để thực hiện liên thông thủ tục hành chính (TTHC): đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (hoàn toàn trên môi trường điện tử) tại tất cả các địa phương trên toàn quốc. Bộ Tư pháp (Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực) cũng đã xây dựng quy trình rà soát, đối chiếu, đồng bộ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC, trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, Bộ Tư pháp sẽ sớm hoàn thiện và phê duyệt quy trình để thống nhất triển khai thực hiện thí điểm và tiến tới áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Liên quan đến việc mở rộng phạm vi kết nối giữa 2 CSDL này, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp và Bộ Công an đã tổ chức nhiều cuộc họp để trao đổi, thống nhất theo hướng: CSDLHTĐT khai thác thông tin công dân đã có trong CSDLQGVDC, CSDLQGVDC tiếp nhận từ CSDLHTĐT các thông tin đăng ký hộ tịch khác của công dân (bao gồm thông tin của công dân có sự thay đổi sau khi đăng ký khai sinh từ ngày 1/1/2016 và công dân được đăng ký khai sinh thực hiện các việc hộ tịch khác như đăng ký kết hôn, đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung thông tin hộ tịch…).

Hiện tại, các đơn vị chuyên môn thuộc 2 Bộ thực hiện rà soát, thống nhất các trường thông tin và kỹ thuật cần chia sẻ để đồng bộ dữ liệu giữa CSDLHTĐT với CSDLQGVDC.

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng.

Năm 2021, Chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp đã vươn lên đứng đầu bảng xếp hạng.

Không những thế, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ đang nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp và nguồn lực để xây dựng, nâng cấp các CSDL của ngành Tư pháp như là các phần mềm riêng về xử lý vi phạm hành chính, quốc tịch, lý lịch tư pháp, các tổ chức hành nghề công chứng, thi hành án dân sự…) để đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ với CSDLQGVDC.

Sẽ tiếp tục kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia

Đáng chú ý trong các kết quả đạt được của việc triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg là việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (DVC) thiết yếu. Cụ thể, về tích hợp, cung cấp các DVC trực tuyến thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp trên Cổng DVCQG, thống kê cho biết, hiện có 73 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp thì trong đó, có 35 TTHC được thực hiện theo phương thức trực tuyến mức độ 3, 4. Năm 2021, Bộ Tư pháp đã kết nối thành công 20 DVC trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng DVCQG (đạt tỷ lệ 27,4%).

Trong tháng 5 vừa qua, Bộ Tư pháp tiếp tục kết nối thành công 3 DVC trực tuyến mức độ 4 thuộc lĩnh vực Lý lịch tư pháp (thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Tư pháp) lên Cổng DVCQG, nâng tổng số DVC đã kết nối với Cổng DVCQG lên 23/73 thủ tục. Thời gian tới, các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp tiếp tục rà soát TTHC để thực hiện kết nối với Cổng DVCQG khi có đủ điều kiện.

Về tham mưu thực hiện việc đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC tại Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ thực hiện đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng các nhiệm vụ được giao trong tổ chức thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Bộ Tư pháp và các đơn vị thuộc Bộ.

Thời gian tới, để kịp thời triển khai thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2018/NĐ-CP và Quyết định số 468/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, Bộ Tư pháp sẽ xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị định số 107/2021/NĐ-CP và xây dựng Đề án mới về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đối với nhiệm vụ thực hiện chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình đăng ký trực tuyến các DVC thiết yếu thuộc lĩnh vực hộ tịch, lý lịch tư pháp để hướng dẫn địa phương triển khai, Bộ Tư pháp đã xây dựng tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử, cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến, lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan (Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ) để chỉnh lý, hoàn thiện, hướng dẫn thực hiện thống nhất trên toàn quốc.

Đồng thời, tại địa bàn thành phố Hà Nội – đơn vị được lựa chọn thí điểm thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện tái cấu trúc quy trình thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn, đăng ký khai tử trực tuyến.

Bộ cũng đã tích cực phối hợp, tham gia ý kiến về tái cấu trúc quy trình liên thông TTHC: khai sinh – đăng ký thường trú – cấp thẻ bảo hiểm y tế, khai tử - xóa đăng ký thường trú – hưởng mai táng phí trên môi trường điện tử do Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng; rà soát, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ; cập nhật các lỗ hổng bảo mật và tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử.

Bộ còn thực hiện hợp nhất Cổng DVC và hệ thống thông tin một cửa điện tử, tạo thành hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của Bộ với CSDLQGVDC trên môi trường thử nghiệm, tiếp tục tiến hành các thủ tục để đăng ký kết nối với CSDLQGVDC trên môi trường chính thức; xây dựng quy trình cấp số định danh cá nhân cho công dân đăng ký khai sinh tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Có thể nói, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của Bộ Tư pháp trong thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã giúp Bộ giành thứ hạng cao nhất trong bảng xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính năm 2021, góp phần không nhỏ cùng cả nước triển khai công cuộc chuyển đổi số quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đảm bảo phục vụ hiệu quả, thiết thực cho yêu cầu của người dân và doanh nghiệp...

Đến ngày 25/5/2022, tổng số DVC của Bộ đã kết nối với Cổng DVCQG là 22 dịch vụ. Hiện Bộ Tư pháp đang tiếp tục kiểm thử đối với 17 DVC trực tuyến mức độ 3,4 tích hợp lên Cổng DVCQG (trong đó có 15 DVC thuộc lĩnh vực bổ trợ tư pháp và 2 DVC thuộc lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa). Khi kiểm thử thành công tổng số DVC trực tuyến của Bộ tích hợp trên Cổng DVCQG tăng lên 39 dịch vụ (tăng gần gấp đôi sau khi triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg).

T.Quyên

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-tu-phap-dan-dau-chi-so-cai-cach-hanh-chinh-nam-2021-trai-ngot-tu-su-dong-gop-cua-nhieu-don-vi-post448570.html