Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng tuân thủ quy định chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật

Bộ Tư pháp vừa có văn bản góp ý, đề nghị Bộ Xây dựng cần tuân thủ quy định của Bộ Chính trị về chống tham nhũng trong công tác xây dựng pháp luật.

Ngày 16/9/2024 vừa qua,Bộ Tư pháp đã có văn bản số 5186/BTP-PLDSKT về việc góp ý dư thảo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vị sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị (gọi tắt dự thảo Thông tư).

Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vị sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị (Ảnh: Thu Hường)

Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vị sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị (Ảnh: Thu Hường)

Văn bản trên của Bộ Tư pháp nhằm trả lời công văn số 5146/BXD-KTXD ngày 5/9/2024 của Bộ Xây dựng về việc góp ý dự thảo Thông tư, trên cơ sở hồ sơ được cung cấp và chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Tư pháp có ý kiến:

Theo Bộ Tư pháp, dự thảo Thông tư chủ yếu là các vấn đề kinh tế, kỹ thuật chuyên ngành thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng. Theo duy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) (sau đây gọi là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật), Bộ Tư pháp không có trách nhiệm thẩm định dự thảo Thông tư. Theo quy định tại Điều 102 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Điều 46 và Điều 48 Nghị định số 34/2016/NĐ- CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 và Nghị định số 59/2024/NĐ-CP ngày 25/5/2024 của Chính phủ), Vụ Pháp chế, Bộ Xây dựng có trách nhiệm thẩm định dự thảo Thông tư trước khi trình Bộ trưởng Bộ Xây dựng ký ban hành văn bản.

Dưới góc độ pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Xây dựng rà soát tổng thể dự thảo Thông tư, đảm bảo dự thảo Thông tư chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Xây dựng, không quy định thủ tục hành chính, trừ trường hợp được Luật giao (theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật); không quy định điều kiện đầu tư kinh doanh (theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Đầu tư năm 2020); đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, tỉnh khả thi (và chịu trách nhiệm về các vấn đề này)…

Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã đề nghị “cơ quan chủ trì soạn thảo” (Bộ Xây dựng) rà soát toàn bộ dự thảo Thông tư để đảm bảo tuân thủ đúng và đầy đủ: (i) Quy định số 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; (ii) Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật" – Mục 3); (iii) Nghị quyết số 853/NQ-UBTVQH15 ngày 30/8/2023 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (yêu cầu: “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc kiểm soát quyền lực phòng, chống tham những, tiêu cực, “lợi ích nhóm", "lợi ích cục bộ" trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật" - Mục 2.1); (iv) Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 của Chính phủ về một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngra tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Chi tiết văn bản xem tại đây!

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-tu-phap-de-nghi-bo-xay-dung-tuan-thu-quy-dinh-chong-tham-nhung-trong-xay-dung-phap-luat-347310.html