Bộ Tư pháp hoàn thành 104 nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao

Sáng 10-7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ tháng còn lại của năm 2024. Ông Lê Thành Long-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R.H

Quang cảnh hội nghị trực tuyến sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R.H

Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp thực hiện 113 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, đã hoàn thành 104 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 9 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Bộ Tư pháp cũng đã tiếp nhận, trả lời 328 kiến nghị, đề xuất, đề nghị hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ, ngành, địa phương.

Đồng thời, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 113 đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 222 dự thảo. Sở Tư pháp các địa phương thẩm định 2.069 đề nghị xây dựng nghị quyết của hội đồng nhân dân, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Các phòng tư pháp thẩm định 1.124 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp cũng đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.131 văn bản (gồm 107 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ; 1024 văn bản của địa phương).

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định 12 điều ước quốc tế; góp ý 132 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; cấp 4 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài. Các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp nhận 46.627 vụ việc hòa giải, với tỷ lệ hòa giải thành đạt tỉ lệ 83,4%.

Toàn ngành cũng đã thực hiện thực hiện 42.756 vụ việc trợ giúp pháp lý (tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2023); chứng thực hơn 36 triệu bản sao (giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2023), hơn 3,8 triệu việc chứng thực chữ ký (tăng 3,35% so với cùng kỳ năm 2023) và hơn 868 ngàn việc chứng thực hợp đồng, giao dịch (tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023). Hệ thống thi hành án dân sự thi hành xong 403.769 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 65,24%, tương ứng với hơn 73.015 tỷ đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R.H

Các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2024 tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: R.H

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tư pháp cũng đã trả lời kết quả tra cứu quốc tịch Việt Nam đối với 1.468 trường hợp; thay mặt Chính phủ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký trình Chủ tịch nước ký quyết định cho phép 2.164 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, thôi quốc tịch Việt Nam và được trở lại quốc tịch Việt Nam. Bộ Tư pháp cũng đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chứng viên với 11 trường hợp; miễn nhiệm công chứng viên với 5 trường hợp; miễn nhiệm thừa phát lại cho 5 trường hợp. Các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước cũng đã công chứng hơn 4 triệu hợp đồng, giao dịch, đóng góp cho ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế hơn 173 tỷ đồng. Các Sở Tư pháp đã tiếp nhận, rà soát hồ sơ và chuyển Bộ Tư pháp cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư cho 930 trường hợp; thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư đối với 500 trường hợp, các luật sư đã tham gia 63.614 việc, đạt doanh thu hơn 1.841 tỷ đồng.

Kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị thời gian tới, bộ, ngành tư pháp tập trung xây dựng, bảo đảm tiến độ chất lượng các dự án luật, thực hiện tốt hội nghị triển khai công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Đồng thời, làm tốt vai trò thường trực trong công tác rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ. Đối với cơ quan thi hành án dân sự cần mở rộng quan hệ, phối hợp với các cấp ủy Đảng, bộ, ngành địa phương để xử lý những vụ việc cụ thể. Riêng đối với các địa phương cần quan tâm, bám sát chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và thực hiện số hóa các giấy tờ cứng trong lĩnh vực tư pháp thuộc thẩm quyền…

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/bo-tu-phap-hoan-thanh-104-nhiem-vu-chinh-phu-thu-tuong-chinh-phu-giao-post284633.html