Bộ Tư pháp hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản
Để tránh sự tùy tiện trong áp dụng các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thời gian qua, Bộ Tư pháp đưa ra 6 nhóm tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/3/2022.
Để tránh sự tùy tiện trong áp dụng các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS thời gian qua, Thông tư đưa ra 6 nhóm tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS. Cụ thể gồm: Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá; nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả; nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức ĐGTS; nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí ĐGTS phù hợp; có tên trong danh sách các tổ chức ĐGTS do Bộ Tư pháp công bố và nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.
Sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc ĐGTS, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và Cổng thông tin điện tử quốc gia về ĐGTS về việc lựa chọn tổ chức ĐGTS với đầy đủ tiêu chí theo quy định. Thông báo công khai này được thực hiện trong thời hạn ít nhất là 3 ngày làm việc, trước ngày quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Bộ Tư pháp cũng hướng dẫn việc đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS. Theo đó, người có tài sản đấu giá tự đánh giá hoặc thành lập tổ đánh giá hoặc lựa chọn hình thức khác để đánh giá các tiêu chí lựa chọn tổ chức ĐGTS và chịu trách nhiệm về việc đánh giá này. Người có tài sản đấu giá căn cứ thông tin trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn của tổ chức ĐGTS chấm điểm theo tất cả các tiêu chí quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này và xử lý các tình huống theo quy định.
Tổ chức ĐGTS được lựa chọn là tổ chức có tổng số điểm cao nhất của tất cả các tiêu chí cộng lại. Trường hợp có từ hai tổ chức ĐGTS trở lên có tổng số điểm cao nhất bằng nhau, thì người có tài sản đấu giá xem xét, quyết định lựa chọn một trong các tổ chức đó.
Đáng quan tâm, trường hợp trong thời hạn 12 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức ĐGTS có người đại diện theo pháp luật hoặc đấu giá viên của tổ chức bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật về tội vi phạm quy định về hoạt động bán ĐGTS do thực hiện hành vi nhân danh, vì lợi ích hoặc có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của tổ chức ĐGTS đó, thì tổ chức ĐGTS đó bị trừ 50% tổng số điểm.
Trường hợp trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ mà tổ chức ĐGTS có đấu giá viên của tổ chức mình bị xử phạt vi phạm hành chính do vi phạm quy định về hoạt động ĐGTS, thì cứ mỗi đấu giá viên bị xử phạt vi phạm hành chính, tổ chức ĐGTS đó bị trừ 5% tổng số điểm.
Trường hợp có cơ sở xác định tổ chức ĐGTS cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ thì người có tài sản từ chối xem xét, đánh giá hồ sơ của tổ chức ĐGTS đó…
Sau khi có kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS mà người có tài sản nhận được thông tin của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền hoặc có kết quả xác minh khẳng định tổ chức ĐGTS được lựa chọn cố ý cung cấp thông tin không chính xác hoặc giả mạo thông tin về tiêu chí trong hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn mà chưa ký hợp đồng dịch vụ ĐGTS thì hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS đó.
Nếu đã ký hợp đồng và tổ chức ĐGTS chưa nhận hồ sơ tham gia đấu giá thì người có tài sản hủy bỏ kết quả lựa chọn, đồng thời đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng đối với tổ chức ĐGTS đó.
Trường hợp đã ký hợp đồng và tổ chức ĐGTS đã nhận hồ sơ tham gia đấu giá thì người có tài sản xem xét, quyết định hủy bỏ kết quả lựa chọn tổ chức ĐGTS và chấm dứt hợp đồng nếu hợp đồng dịch vụ ĐGTS có thỏa thuận về vấn đề này, hoặc đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ ĐGTS vô hiệu theo quy định của pháp luật…
Anh Lê Mạnh H. - chủ một doanh nghiệp thường xuyên tham gia đấu giá cho biết, anh rất mong những hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ này của Bộ Tư pháp được thực hiện nghiêm trong thực tế. “Khi tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá rõ ràng, được thông báo công khai và mọi cá nhân, tổ chức muốn tham gia đấu giá đều có thể tiếp cận được thông tin, thì chắc chắn sẽ dần khắc phục được tình trạng “sân sau” trong đấu giá”, anh H chia sẻ.