Bộ Tư pháp nỗ lực cao nhất bảo đảm tiến độ nhiệm vụ được giao về sửa đổi Hiến pháp
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh vừa có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xung quanh việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
PV:Thưa Thứ trưởng, Bộ Tư pháp đã triển khai việc tổ chức lấy ý kiến trong nội bộ Bộ, ngành Tư pháp như thế nào để thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến sửa đổi Hiến pháp?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Ngay sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ Tư pháp đã xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng và khẩn trương ban hành Kế hoạch triển khai tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp. Việc này được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất, tiết kiệm và hiệu quả, với sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong Bộ và các cơ quan liên quan. Tất cả đều được thực hiện trên tinh thần chủ động, bám sát yêu cầu và tiến độ do Chính phủ và Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề ra.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh.
Chúng tôi đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết tới tất cả các đơn vị thuộc Bộ vào ngày 7-5-2025. Sau đó là Hội nghị trực tuyến toàn quốc vào ngày 14-5-2025 với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh. Hội nghị đã thu hút sự tham gia của đông đảo đại biểu, chuyên gia, đại diện từ các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và 63 Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự, qua đó lắng nghe được nhiều ý kiến sâu sắc, thiết thực và tâm huyết. Các đơn vị trong Bộ cũng đã tổ chức lấy ý kiến từ công chức, viên chức, giảng viên, sinh viên và người lao động, với nhiều hình thức phong phú và hiệu quả. Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung dự thảo Nghị quyết cũng được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức và sự tham gia của toàn ngành.
PV: Các ý kiến đóng góp tập trung vào những điểm nào, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Qua quá trình triển khai lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đều thống nhất cao đối với chủ trương sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này là cần thiết, tạo cơ sở hiến định cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo các kết luận, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trong đó, có việc sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, đồng thời hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân. Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào một số điều của Hiến pháp quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và việc phân định đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương là phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước.
PV: Với vai trò là cơ quan đầu mối, Bộ Tư pháp đã làm gì để tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Trên cơ sở phân công của Chính phủ, Bộ Tư pháp là đầu mối hướng dẫn và tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan Trung ương. Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác gồm các cán bộ, lãnh đạo giàu kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ này.
Chúng tôi đã đôn đốc các bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo tổng hợp ý kiến trước hạn chót là ngày 30-5-2025. Tuy nhiên, đến ngày 26-5, mới chỉ có Bộ Tư pháp hoàn thành việc tổng hợp báo cáo. Vì vậy, chúng tôi đang tiếp tục theo sát, nhắc nhở các đơn vị còn lại khẩn trương hoàn thành để kịp tổng hợp, trình Chính phủ và Ủy ban dự thảo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.
Ngoài ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, số lượng người dân trực tiếp góp ý trên ứng dụng VNeID ngày càng tăng. Tính đến 20 giờ ngày 26-5-2025 đã có khoảng 17.100.624 người dân tham gia góp ý. Bộ Công an và chính quyền địa phương đang tích cực tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện các bước góp ý trên ứng dụng VNeID, bảo đảm nhanh chóng, thuận lợi và hiệu quả. Dự kiến trong vài ngày tới, số lượng người dân góp ý trên ứng dụng VNeID sẽ tăng đáng kể.
PV: Bộ Tư pháp sẽ làm gì trong giai đoạn tiếp theo để bảo đảm chất lượng và tiến độ của quá trình sửa đổi Hiến pháp, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh: Với quyết tâm cao nhất, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương để hoàn thành Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Các báo cáo này sẽ phản ánh đầy đủ, trung thực và khách quan những ý kiến đóng góp từ nhân dân, các ngành, các cấp.
Chúng tôi cũng sẽ rà soát, bảo đảm mọi khâu trong quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến được thực hiện nghiêm túc, khoa học và minh bạch. Mục tiêu cuối cùng là góp phần xây dựng một bản Hiến pháp được sửa đổi đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với sự phát triển của đất nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!