Bộ Tư pháp tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ

Sáng 18/7, tại Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bộ Tư pháp tổ chức lớp nghiệp vụ bồi dưỡng công tác tổ chức cán bộ nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao, thể hiện tinh thần đoàn kết và phát huy sức mạnh tập thể trong triển khai nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp trong thời gian tới.

Nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng cán bộ

Phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng, bà Phan Thị Hồng Hà - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết, trong giai đoạn hiện nay, theo yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp, nhiều văn bản liên quan đến công tác cán bộ đã được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là Luật Cán bộ, công chức và các Nghị định hướng dẫn thi hành, các Nghị định về chính sách tinh giản biên chế, thu hút, trọng dụng người có tài năng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức…

Bên cạnh đó, sau sắp xếp tổ chức bộ máy, khối lượng công việc liên quan đến công tác tổ chức cán bộ của các đơn vị tăng lên rất nhiều, vì vậy công chức trực tiếp thực hiện công tác cán bộ cần thiết phải được cập nhật, bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác cán bộ.

Bà Phan Thị Hồng Hà - Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng.

Theo bà Phan Thị Hồng Hà, Lớp bồi dưỡng tập trung vào các nội dung chính gồm những quy định mới của Luật Cán bộ, công chức và các văn bản hướng dẫn thi hành; thông tin về tổ chức bộ máy của Bộ Tư pháp và địa phương; việc triển khai các văn bản liên quan đến công tác quản lý cán bộ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tập trung trao đổi các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác cán bộ…

Ngoài ra, bà Hà cho rằng các đơn vị trực thuộc Bộ Tư pháp cần chủ động nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ về chuyên môn, từ đó phát huy truyền thống tốt đẹp, vẻ vang của Bộ, Ngành Tư pháp đáp ứng yêu cầu đặt ra hiện nay về mọi mặt.

Tại lớp bồi dưỡng, bà Chu Thị Thái Hà – Báo cáo viên, Trưởng phòng Pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước, Vụ pháp luật Hình sự hành chính chia sẻ về những điểm mới của Luật Cán bộ, công chức 2025; 4 Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật; Phân quyền, phân cấp, ủy quyền trong Bộ.

Báo cáo viên, Chuyên viên cao cấp (Bộ Tư pháp) Chu Thị Thái Hà – Trưởng phòng Pháp luật tổ chức bộ máy nhà nước (Vụ pháp luật Hình sự Hành Chính).

Những kiến nghị đề xuất và thảo luận đặt ra tại hội nghị nhằm sớm hoàn thiện những yêu cầu và thách thức nêu trên, trên cơ sở đó đòi hỏi Bộ, ngành tư pháp phải đổi mới mạnh mẽ về tổ chức bộ máy từ trung ương đến cơ sở nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Cụ thể: Cơ cấu lại tổ chức bên trong Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp theo hướng tinh giản, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới phương thức quản lý cán bộ, sắp xếp, bố trí nhân sự theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn. Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc “đúng người, đúng việc”, trên cơ sở đánh giá thực chất năng lực, lấy hiệu quả công việc làm thước đo và phẩm chất, uy tín cá nhân trong bố trí nhân sự.

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với tinh thần “trung thành với pháp luật” của đội ngũ cán bộ ngành Tư pháp. Xây dựng đội ngũ cán bộ có tư duy đổi mới, khả năng phân tích, dự báo chính sách, có kỹ năng pháp lý trong giải quyết tranh chấp quốc tế, thực thi điều ước quốc tế và tham gia các diễn đàn pháp lý toàn cầu.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế gắn với công tác cán bộ

Phát biểu tại lớp bồi dưỡng, bà Vũ Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Phòng Tổ chức bộ máy và Biên chế, Vụ Tổ chức cán bộ đã chia sẻ những giải pháp về đổi mới và sắp xếp tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp trong kỷ nguyên mới đòi hỏi phải thực hiện mạnh mẽ và toàn diện để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghệ phát triển nhanh chóng trước yêu cầu cải cách sâu rộng.

Bà Vũ Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Phòng Tổ chức bộ máy và Biên chế (Vụ Tổ chức cán bộ).

Theo đó cần đẩy mạnh tinh gọn, đổi mới cơ cấu tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ, ngành tư pháp là nền tảng vững chắc cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương khi tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, thi hành án dân sự, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp…

Bà Nguyễn Hương Ly – Trưởng phòng Quản lý Cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ thông tin: Từ 1/7/2025 theo quy định của Luật cán bộ, công chức về việc quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, sẽ không thực hiện việc nâng ngạch, chuyển ngạch trong thời gian chưa bố trí vào vị trí việc làm, các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương phải hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương đương với công chức được tuyển dụng trước đó.

Bà Nguyễn Hương Ly – Trưởng phòng Quản lý Cán bộ (Vụ Tổ chức cán bộ).

Bà Trần Thị Thu Hường – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp nhận định, đổi mới tổ chức bộ máy của Bộ, ngành Tư pháp trong kỷ nguyên mới không chỉ là yêu cầu khách quan, cấp thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững của đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Bà Trần Thu Hường – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán Bộ (Bộ Tư pháp).

Đây cơ hội để ngành Tư pháp thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy sẽ góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, liêm chính, kiến tạo, phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, qua đó đưa pháp luật trở thành nền tảng kiến tạo phát triển hướng tới xây dựng một nền tư pháp hiện đại, minh bạch và hiệu quả.

Gia Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bo-tu-phap-to-chuc-lop-boi-duong-nghiep-vu-cong-tac-to-chuc-can-bo.html